Báo Nga: Trung Quốc có tên lửa siêu thanh diệt tàu sân bay Mỹ

13/12/2013 16:00 GMT+7

(TNO) Tên lửa đạn đạo chống hạm siêu thanh Dong-Feng 21D (Đông Phong 21D, viết tắt DF-21D) có thể đe dọa đội tàu sân bay Mỹ nếu xung đột xảy ra giữa Washington và Bắc Kinh tại Tây Thái Bình Dương, theo nhận định trang tin phân tích quốc phòng Nga.

Tên lửa DF-21D có thể đạt vận tốc tối đa Mach 10 (hơn 12.250 km/giờ) với tầm bắn tới 3.000 km, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 13.12 dẫn bài viết của trang tin quốc phòng Nga Russian Military Analysis (RMA).

Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 28.10 dẫn lời nhận định các chuyên gia Trung Quốc cho rằng DF-21D là loại tên lửa đầu tiên và duy nhất của thế giới có khả năng tấn công tàu sân bay đang di chuyển.

RMA cho rằng hệ thống tên lửa RIM-161 Standard Missile 3 (SM-3) trang bị trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ và tàu tuần dương USS Lake Erie lớp Ticonderoga được trang bị tên lửa hành trình cũng không dễ gì đánh chặn DF-21D.

Thậm chí máy bay tiêm kích F-35 Lightning II có thể phát hiện được tín hiệu của DF-21D, thì nhóm tàu sân bay chỉ có thêm khoảng 8 phút để ứng phó, theo RMA.

DF-21D có thể đánh trúng mục tiêu nhờ vào hệ thống định hướng vệ tinh GPS và Beidou.

Chính vì vậy, cách duy nhất để đánh chặn tên lửa này là làm thay đổi quỹ đạo tên lửa. Ngoài ra, không còn cách nào khác để đánh chặn tên lửa này, theo RMD.

Theo nhận định của RMD, một DF-21D có thể tiêu diệt ngay lập một tàu chiến hiện đại, và nếu Trung Quốc bắn nhiều DF-21D có thể nhận chìm tàu sân bay của Mỹ.

Tạp chí quốc phòng Defense System của Mỹ từng nhận định rằng, tính đến đầu năm 2013, tên lửa DF-21D (được cho là triển khai vào năm 2009) vẫn chưa bước vào giai đoạn triển khai thực chiến, nhưng dự kiến nó sẽ hình thành đầy đủ khả năng chiến đấu vào cuối năm nay.

Lầu Năm Góc trong nhiều năm qua đã hết sức lo ngại về việc Trung Quốc phát triển DF-21D, theo hãng tin AP.

Giáo sư Toshi Yoshihara, thuộc Đại học U.S Naval War College, hồi tháng 10.2013 nhận định rằng, với DF-21D, Mỹ sẽ không còn vị thế độc tôn về sức mạnh hải quân như đã từng có kể từ kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.

Các chuyên gia quốc phòng Mỹ cũng đang tranh luận liệu các hệ thống phòng thủ tên lửa, chẳng hạn Aegis, của Mỹ có thể bảo vệ các tàu sân bay của Mỹ trước những cuộc tấn công bằng DF-21D của Trung Quốc hay không.

Một bài báo của Tân Hoa xã hồi năm 2008 từng vẽ ra viễn cảnh Trung Quốc dùng DF-21D đánh tàu sân bay USS George Washington, nếu Mỹ hỗ trợ Đài Loan chống Trung Quốc.

Theo đó, Tân Hoa xã mô tả rằng Trung Quốc sẽ tiến hành ba đợt tấn công sử dụng DF-21D: đợt 1, bắn DF-21D chọc thủng thân tàu USS George Washington; đợt 2, bắn DF-21D kết hợp với không kích bằng máy bay để hủy hoại động cơ tàu sân bay và đợt tấn công 3 bằng DF-21D sẽ “nhận chìm USS George Washington xuống đáy đại dương”.

Phúc Duy

>> Trung Quốc chi 9 tỉ USD để đóng mới 2 tàu sân bay
>> Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa
>> Mỹ triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa ở đảo Guam
>> Trung Quốc lo ngại chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.