Ngày 12.12, trong ngày xét xử đầu tiên, các bị cáo trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã liên tục đổ lỗi cho nhau. Nguyên Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng cũng cho rằng “không chỉ đạo ai”.
|
Theo cáo trạng, ụ nổi 83M do Nhật Bản sản xuất năm 1965, chủ sở hữu là Công ty Nakhodka (Nga), tính đến thời điểm Vinalines mua đưa về VN (tháng 6.2008) đã 43 năm, bị hư hỏng nhiều và không còn hoạt động. Thời điểm mua, Nakhodka bán với giá 2,3 triệu USD nhưng Vinalines không mua qua doanh nghiệp này mà lòng vòng qua công ty môi giới có tên là AP (Singapore) với giá 9 triệu USD. Cộng thêm một số chi phí khác, tổng mức đầu tư chiếc ụ nổi này do Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt là gần 20 triệu USD.
Với việc “thổi giá” trên, cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines), Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines) đã chia nhau phần lại quả 1,67 triệu USD (tương đương hơn 28 tỉ đồng).
“10 tỉ đồng cho anh... còn lại cho em”
Trước tòa, bị cáo Trần Hải Sơn, “đầu mối” nhận tiền lại quả và chia chác đã khai rành rọt quy trình luân chuyển đến tay cấp trên theo chỉ đạo của Dương Chí Dũng: “Chia theo tỷ lệ 10 tỉ đồng cho anh, 10 tỉ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”. Khi chủ tọa hỏi tại sao Trần Hữu Chiều không có tên mà vẫn được chia, bị cáo Sơn cho biết “đã được Chiều giúp đỡ rất nhiều trong công việc của dự án”.
|
Khi chủ tọa nhắc lời khai tại cơ quan điều tra việc chính Dương Chí Dũng yêu cầu số tiền 1,67 triệu USD, ông ta biện minh là... đã có sự hiểu nhầm. “Bị cáo nói để thương vụ 83M thành công thì Công ty AP phải giảm giá cho Vinalines. Và số tiền này sẽ được chuyển về cho tổng công ty trước khi thỏa thuận hợp đồng”, bị cáo Dũng nói.
Liên quan đến khoản tiền mua 2 căn hộ đắt tiền ở Hà Nội cho bồ nhí, Dương Chí Dũng khai đây là tiền của vợ chứ không phải tham ô và vợ Dũng hoàn toàn không biết về việc này. Tuy nhiên, khi thẩm phán nhắc lời khai tại cơ quan điều tra bị cáo cho rằng tiền mua nhà là nhờ kinh doanh? Dũng trả lời: “Lúc đó, tại cơ quan điều tra khai về số tiền này lấy tiền của vợ để mua cho bồ thì xấu hổ”, bị cáo Dũng nói.
Do hai sếp lớn mâu thuẫn nhau
Trong phần thẩm vấn làm rõ trách nhiệm ra chủ trương đầu tư nhà máy, mua sắm ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng thừa nhận mối quan hệ thân tình với Giám đốc Công ty AP Goh Hoon Seow nhưng nói việc mua bán ụ nổi như thế nào là do Tổng giám đốc Mai Văn Phúc quyết định.
Bị truy hỏi về trách nhiệm, bị cáo Dũng cúi đầu: “Để xảy ra chuyện này tôi rất buồn, thấy mình có trách nhiệm vì không sâu sát, không điều tra. Kết luận cố ý hay vô tình là do hội đồng xét xử nhưng trong chúng tôi rõ ràng không ai cố tình mua về một thứ như vậy, chỉ vì nhận thức nó không phải là tàu, nếu là tàu thì chỉ mua loại ít tuổi thôi...”.
“Sau khi mua ụ, tôi cũng không chỉ đạo gì cụ thể vì tất cả việc đó là của ban giám đốc. Không bao giờ tôi can thiệp bất cứ điều gì với việc làm của tổng giám đốc vì quan hệ cá nhân giữa tôi và anh Phúc không tốt. Tôi không bao giờ chỉ đạo công việc của anh em là vì thế”, Dương Chí Dũng nói.
Trong khi đó, chủ tọa hỏi căn cứ nào để khảo sát ụ nổi, căn cứ nào khảo sát ở Nga chứ không phải một nơi khác, tại sao không đấu thầu, chào giá? Bị cáo Mai Văn Phúc khai: “Thời điểm đó tôi mới về, chưa nắm được thông tin nên chỉ căn cứ theo đề nghị của anh Chiều và các ban tham mưu trong công ty”. Bị tòa truy về việc hồ sơ của ụ nổi thể hiện rõ việc con tàu đã cũ kỹ, hỏng hóc, đã bị dừng phân cấp, hiện không hoạt động được, sao vẫn “nhắm mắt” ký, bị cáo Phúc nói: “Đến giờ này tôi cũng chưa được nhìn qua hồ sơ về ụ nổi này vì giấy tờ vẫn nằm ở ngân hàng”.
Bị cáo Phúc cũng cho biết quá trình làm việc đã chịu nhiều sức ép từ HĐQT, Chủ tịch HĐQT ép tiến độ, dọa báo cáo Thủ tướng cách chức. Phúc nói do mâu thuẫn cá nhân với Dũng nên không bao giờ gặp riêng để trao đổi công việc mà chỉ thông qua các cuộc họp công ty. Khi được hỏi, nguyên Phó tổng giám đốc Trần Hữu Chiều cũng xác nhận “do hai sếp lớn mâu thuẫn nhau nên khi làm việc chịu nhiều sức ép”.
Trong khi đó, bị cáo Trần Hải Sơn khẳng định nhận được chỉ đạo của Dũng và Phúc là “cố gắng mua được ụ nổi về Việt Nam”.
10 bị cáo trong vụ án Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines; Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán; Mai Văn Khang, nguyên Phó ban Đóng mới tàu biển; Lê Văn Dương, đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện, đều thuộc Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines. Trong số này các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều và Sơn bị truy tố cả 2 tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. |
Thái Sơn - Hoàng Trang
>> Dương Chí Dũng: Bỏ trốn là sai lầm lớn của tôi
>> Con đường quan chức và phạm tội của Dương Chí Dũng
>> Những hình ảnh đầu tiên phiên xử Dương Chí Dũng và đồng phạm
>> Cuộc chạy trốn ly kỳ của Dương Chí Dũng
>> Xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm
>> Xét xử 'đại án' tham nhũng tại Vinalines: Dương Chí Dũng có tới 3 luật sư bào chữa
Bình luận (0)