|
Ngày 13.12, hãng thông tấn KCNA đưa tin ông Jang Song-thaek, dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã bị hành quyết vào ngày trước đó, ngay sau khi tòa án quân đội tuyên tử hình về tội “chống đảng, chống cách mạng”. Bản án tử hình, theo KCNA, “được thi hành ngay lập tức”, vài ngày sau khi Triều Tiên thông báo ông Jang bị tước mọi chức vụ với cáo buộc “phạm nhiều tội ác” như âm mưu thâu tóm quyền lực, tham nhũng, nghiện ma túy, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ...
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn một số nguồn tin cho hay một trong những nguyên cớ trực tiếp khiến ông Jang “rơi đài” là cuộc điều tra tham nhũng tại Cục 54. Đây là đơn vị hậu cần quan trọng chuyên cung cấp điện, than đá, nhiên liệu và những vật dụng thiết yếu khác cho quân đội Triều Tiên. Được cho là nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Jang Song-thaek, Cục 54 còn kiểm soát mỏ than, nhà máy điện, nhà máy xi măng cùng một mạng lưới phân phối nông sản. Cuộc điều tra được tiến hành sau khi lãnh đạo Kim Jong-un thị sát các đơn vị quân đội và yêu cầu Cục 54 tăng cường nhu yếu phẩm cho binh sĩ nhưng cục này không có hàng để giao và còn tỏ ý là chỉ nghe lệnh của ông Jang. Kết quả điều tra cho thấy có nhiều vụ tham nhũng và sai trái trong công tác quản lý Cục 54.
“Kẻ phản quốc của mọi thời đại”
Ông Jang là lãnh đạo cấp cao nhất của Triều Tiên từ trước đến nay bị bêu tội công khai với những lời lẽ sỉ nhục nặng nề nhất. KCNA còn lên án ông này là “kẻ phản quốc của mọi thời đại, cặn bã suy đồi, vươn vòi tới mọi cơ quan bộ ngành để âm mưu đảo chính và phải chịu trách nhiệm cho các tai họa của đất nước”. Hãng thông tấn này còn đăng tải lời thú tội của Jang Song-thaek được đưa ra trong lúc thẩm vấn.
Ông Jang, 67 tuổi, chồng của bà Kim Kyong-hui - cô ruột lãnh đạo Kim Jong-un. Nhân vật này được cho là đã có ảnh hưởng lớn ở Triều Tiên ngay từ khi lãnh đạo Kim Jong-il còn sống. Quyền lực của ông càng được củng cố và mở rộng trong thời gian lãnh đạo Kim Jong-un mới lên cầm quyền. Khi đó, vợ chồng ông Jang đều nhanh chóng được phong đại tướng, được cho là cùng nhiều quan chức lão thành khác đóng vai trò hỗ trợ cháu ứng phó các thế lực chống đối và cố vấn trong các quyết định hệ trọng. Giới quan sát bên ngoài đánh giá ông Jang là nhân vật quyền lực số 2 ở Triều Tiên sau khi nhận vị trí Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng - cơ quan quân sự tối cao của nước này.
AFP dẫn lời nhiều nhà quan sát nước ngoài cho rằng vụ xét xử ông Jang chứng minh ông Kim Jong-un đã đủ vị thế và tự tin để nắm quyền tuyệt đối và không còn chấp nhận sự can thiệp của các “nhiếp chính”. Chuyên gia Abraham Denmark từ Cục Quốc gia nghiên cứu châu Á (Mỹ) còn nhận định vụ xử bắn ông Jang và 2 cộng sự thân tín trước đó cho thấy thế lực của ông này là thách thức thật sự đối với ông Kim. Theo giới quan sát, có thể sắp tới sẽ còn nhiều cuộc xét xử và thay đổi nhân sự khác. Tờ JongAng Ilbo dẫn một số nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho hay lãnh đạo Kim đang tăng cường cho về vườn các quan chức kỳ cựu từ thời cha mình như Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Kim Jong-gak (73 tuổi) và Tổng tham mưu trưởng Ri Yong-ho (72 tuổi). Ngoài ra, Bình Nhưỡng đã thay thế 44% số sĩ quan mang hàm tướng từ 3 sao trở lên trong vòng 2 năm qua.
Nguy cơ biến động
Các diễn biến mới ở CHDCND Triều Tiên đã làm nảy sinh lo ngại về biến động lớn với ảnh hưởng lan ra toàn khu vực khi nước này đang “có tham vọng vũ khí hạt nhân, đang gặp thách thức lớn về kinh tế và giờ có thể còn biến động chính trị - xã hội”, theo AFP. Vì thế, ngày 13.12, Hàn Quốc tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về “tác động xấu và các hành động khiêu khích” có thể xảy ra từ miền Bắc. Nhật Bản tuyên bố theo dõi sát sao tình hình, còn Mỹ đang tham vấn với các đồng minh và đối tác trong khu vực về vụ ông Jang.
Trong khi đó, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc hôm qua tuyên bố vụ ông Jang là chuyện nội bộ của CHDCND Triều Tiên và mong muốn tiếp tục quan hệ hợp tác tốt đẹp với nước này. Tờ JoongAng Ilbo còn dẫn lời một số quan chức và doanh nhân Trung Quốc tiết lộ Triều Tiên đã trấn an họ rằng sẽ không có thay đổi lớn nào về chính sách sắp tới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vụ này là một thông điệp xấu cho Trung Quốc. Ông Jang đã nhiều lần thăm nước láng giềng và được xem là người ủng hộ lớn nhất cho cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc mà Bắc Kinh đang muốn Bình Nhưỡng áp dụng. Một trong những tội trạng của ông ta, theo truyền thông Triều Tiên, là thông qua Cục 54 bán rẻ tài nguyên cho nước ngoài. Chi tiết ấy được cho là nhằm vào Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất vào miền Bắc. “Bằng cách hạ bệ ông Jang, ông Kim Jong-un dường như muốn khẳng định đang muốn bứt khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc”, Giáo sư Son Tae-gyu tại ĐH Dankook nhận định với báo The Korea Times.
Theo một số nguồn tin, chính bà Kim Kyong-hui được cho là cùng với các cháu lên kế hoạch bắt chồng mình và hiện cũng không còn xuất hiện nhiều do sức khỏe yếu. Tờ Chosun Ilbo dẫn lời nhà phân tích Lee Yun-keol nhận định sau khi các “cựu thần” đều đã ra đi, vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính quyền Triều Tiên có thể thuộc về anh của ông Kim Jong-un là Kim Jong-chol và em gái Kim Yo-jong. Ông Kim Jong-chol đang quản lý lực lượng cận vệ - mật vụ cho em trai và đóng vai trò quan trọng trong việc bắt giữ ông Jang. Minh Trung |
Văn Khoa
>> Trung Quốc hy vọng Triều Tiên 'ổn định' sau vụ tử hình Jang Song-thaek
>> Mỹ nói Triều Tiên 'ác' khi tử hình ông Jang Song-thaek
>> Triều Tiên thông báo đã xử tử ông Jang Song-thaek
>> Ông Kim Jong-un 'tái xuất' sau vụ phế truất Jang Song-thaek
>> Cuộc đào thoát của thủ hạ ông Jang Song-thaek
>> Ông Jang Song-thaek bị đồn 'tòm tem' vợ Kim Jong-un
Bình luận (0)