Đã có những người nói rằng đó là chuyện... bình thường thôi, vì ngay cả sống ở thành phố, đi học còn bị tai nạn giao thông, còn có thể bị hãm hiếp cơ mà. Nhưng tôi nghĩ, liệu điều đó có đáng không, trong khi có nhiều trường hợp tai nạn trong lúc đi phượt là hoàn toàn có thể tránh được?
Có những người đi vì... cả thế giới
Năm tôi 20 tuổi, khi tôi thực hiện chuyến đạp xe cùng người bạn thân ra Hà Nội, có rất nhiều người đã hỏi chúng tôi đi vì điều gì. Thậm chí, lúc trả lời phóng viên truyền hình, người ấy cứ nhất định hỏi rằng em đi vì môi trường, vì trẻ em hay... vì gì? Nhưng lúc đó chúng tôi làm gì có lý do gì. Tôi là một đứa “gà nhà” chưa bao giờ đi ra tới Hà Nội, mùa hè, cả hai chúng tôi đều rảnh, nên chúng tôi để dành chút tiền, sửa xe đạp lại, gọi là đi chơi.
Trong lúc đi chơi thì cơ hồ là kèm theo vài thứ vớ vẩn khác như làm sao để tôi biết nói chuyện với mọi người xung quanh, xin mọi người giúp đỡ, cho ngủ nhờ, làm sao để tôi biết... tự nấu cơm bằng bếp củi. Bạn tôi dạy tôi, rồi hai đứa đạp xe đi vòng vòng. Nghỉ hè tới 3 tháng, đi chơi 1 tháng rưỡi thì cũng là bình thường. Nhưng quả thật, lý do duy nhất để chúng tôi đi lúc bấy giờ là đi chơi, nhìn cho đã mắt những thứ chưa thấy bao giờ.
Sau này, tôi ngạc nhiên vì thấy quá nhiều người trẻ tuổi hơn chúng tôi đi để... chứng minh người Việt Nam còn nhiều người tốt, đi để... vì người nghèo. Gần đây nhất, có những bạn thẳng thừng tuyên bố, chúng tôi đi là để... nổi tiếng. Quả thật, tôi không biết điều đó có nghĩa là gì cả. Tại sao việc bạn xách xe đạp đi chơi lại có thể làm môi trường sạch hơn, nếu không muốn nói là bạn đang ăn ngủ và xả rác ra trên vùng đất đó (dù xả đúng chỗ thì vẫn cứ là không thể làm môi trường sạch hơn). Tại sao việc bạn đi chơi lại có thể chứng minh là người Việt Nam tốt bụng? - Người ta giúp đỡ bạn khi bạn muốn xin ngủ nhờ đó có phải là vì bạn đang chứng minh họ tốt bụng không? Lòng tốt không sinh ra nhờ chuyến đi của bạn. Lòng tốt là của người ta. Và bạn chẳng có tư cách gì để đeo cái “huy chương lòng tốt” ấy lên những người dân quê chất phác ấy cả. Bạn chỉ đang đi chơi, vì cái mục đích ích kỷ của riêng bạn, chứ làm gì có vì ai mà bạn tưởng là bạn vì người khác?
Tôi ngạc nhiên hơn khi có những nhóm bạn cả trăm người đi chơi xuyên Việt... vì người nghèo. Nếu bạn muốn giúp một người nghèo, xung quanh bạn có rất nhiều người để bạn giúp. Nếu bạn muốn dạy trẻ con nghèo học, có rất nhiều trường lớp ở vùng ven nơi bạn sống cần được bạn đến dạy phụ. Chẳng vì bạn đi chơi mà người trên đường đi của bạn có thể bớt nghèo hơn hay biết chữ nhiều hơn, nếu không muốn nói là phiền hơn, vì bạn đi rồi bắt người ta phải cho bạn ngủ nhờ ở trường học, bố trí chỗ ăn ở... Tại sao bạn đang đi - để thực hiện cái mục đích rất cá nhân và ích kỉ là : ĐI CHƠI - mà còn bắt người khác phải theo hầu hạ, cung phụng bạn.
Cũng có rất nhiều bạn khác đi để nổi tiếng. Các bạn ấy từng nói rằng, năm nay sẽ chinh phục hết cột mốc biên giới, cho nhóm kia nó lác mắt. Thậm chí, có người còn viết lên mạng xã hội là: “Nếu đủ 1.000 followers, tôi sẽ chinh phục đỉnh núi này post hình các bạn coi!”. Thật là ngầu quá. Cái nhu cầu được nổi tiếng, chụp hình ở đỉnh núi, đứng ngang hàng với ruộng bậc thang hùng vĩ, trèo lên cột cây số, cưỡi lên đỉnh núi Fansipan, ngắm hoa tam giác mạch... nó trở nên hấp dẫn đến độ tất cả những người trẻ đều cưỡi xe máy và đi. Họ dẫm đạp lên hoa, họ trèo lên đỉnh Fansipan, vừa đi vừa hát, xả rác lung tung đầy đường, lên tới đỉnh núi, chụp hình với cái cục sắt tam giác đề chữ 3.143 m và viết status: “Đã chinh phục đỉnh cao của tuổi trẻ. To be continued...” hay “Cuộc đời là những chuyến đi...” bên cạnh có một tấm hình cưỡi cái xe máy đứng ở lưng đèo cười khẩy qua khe mắt kính. Sau đó, hàng trăm like có thể là một món trang sức đẹp để đi khoe cùng bạn bè.
Đỉnh cao của tất cả những mục đích “hùng vĩ" ấy tích tụ lại, tới một ngày, ngay cả những đứa trẻ khờ dại nhất, “gà” nhất, mới vuột khỏi vòng tay cha mẹ, lên thành phố đi học, đã vội vàng cùng bạn bè “cắm cổ cưỡi xe máy và đi”. Tôi ngạc nhiên với những nhóm đi tới Đồng Văn vào đêm khuya rồi... ngủ luôn trên đường. Có ai biết con đường ấy rất hẹp, và xe gì cũng có thể đi ngang và lỡ cán vào bạn? Có ai biết Đồng Văn rất bé, chỉ có mấy cái khách sạn, lúc nào cũng có thể đầy chỗ vì bạn không hề có kế hoạch cho chuyến đi? Có ai biết đêm khuya trên đèo rất tối và đôi khi các tài xế địa phương, trong sương mù nhập nhằng và bóng tối thiếu an toàn, không thể nhìn thấy bạn?
Có lẽ là ai cũng biết, chỉ có những người mới... lần đầu thử “cuộc đời là những chuyến đi” rồi lao ra đường không kịp suy nghĩ là chưa biết thôi.
Bạn có thể tự vỗ vai an ủi mình rằng sự nguy hiểm có thể ở ngay trong căn nhà bạn, giật điện phát cũng chết, đi học tông xe máy cũng chết, nên chết trên đường cũng là... bình thường. Nhưng đó chỉ là một sự biện minh thôi, còn hậu quả thì chỉ có người nào bị nạn mới hiểu được điều gì là đau đớn.
Cuối cùng, kết thúc của những chuyến đi kiểu như vậy là gì? Có những bạn nghe nói chinh phục Tây Bắc là nhất giang hồ, phải đi cho biết, đi cho mê tơi đã đời. Chỉ sau có mấy năm ròng “cõng” trên lưng dân phượt, những đứa trẻ dân tộc thơ ngây ở Tây Bắc giờ chẳng biết làm gì hơn nữa là... chìa tay ra hỏi kẹo mỗi khi gặp người lạ. Đó là “món quà” dân phượt để lại cho đời sống lặng lẽ của những người xa lạ họ gặp. Đó là những chuyến xe đoàn đoàn lũ lũ cả trăm người phóng vô phương cứu chữa trên những con đường đèo vốn đã rất hẹp và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Đó là những chiếu nghỉ giữa đèo... đầy rác do dân phượt nghỉ chân và vứt lại.
Nhưng đi... để làm gì?
Vậy sự khao khát trong thâm tâm mỗi người leo lên xe máy, đi “chinh phục Tây Bắc”, chinh phục đèo cao, chinh phục đỉnh núi theo khuôn mẫu ấy cần là gì? Niềm vui? Con đường hay chỉ là một trò... bộ tịch? Nếu đó là niềm vui, sao người ta vẫn đi những đường hệt như nhau, trèo lên xe lúc đêm tối ập xuống và hành xác nhau trên đường đèo lạnh buốt nửa đêm, tối om? Nếu đi là một niềm vui sao người ta phải co ro ôm nhau nằm ngủ vạ vật giữa đường vì thiếu nhà trọ? Nếu mục đích của hành trình là vì yêu con đường, sao họ lại đi... có mỗi một con đường giống hệt nhau, chụp hình ở những cái cột mốc giống hệt nhau, lại còn phải bỏ tiền thuê tour guide, dẫn đường? Thế thì khác gì mấy ông bà già ngồi trên xe bus đi tour máy lạnh? Đó chỉ là một trò bộ tịch, muốn chinh phục đỉnh này đỉnh kia, phá kỷ lục này kỷ lục kia, muốn viết sách, nổi tiếng, được mẽ là “trải nghiệm” trong mắt bạn bè.
Người đi thật sự chẳng cần chứng minh với ai là họ đi cả. Họ đi những con đường, họ sống ở trên đường, họ dừng lại khi hết thích và đi tiếp khi khao khát cháy bỏng. Họ đi để thấy một cuộc sống thực sự kết nối với nhịp đập của tim mình, có người ròng rã mê mải, có người chậm rãi tư lự, cũng có người chỉ thèm đồ ăn mà đi khắp thế giới. Cuộc đi trên đường là một phần cuộc đời mà rất nhiều người trẻ tuổi ước ao, si mê, và chỉ có một số ít thực sự đủ si mê và thực hiện ước mơ đó.
Ở khắp nơi trên trái đất này, “Con đường” đã hóa thành một tôn giáo, với Che Guevara lái xe máy đi khắp Nam Mỹ, với Jack Kerouac và hàng chục nghìn dặm khói bụi trên đường, với ước mơ được sống rực rỡ và tự do với tuổi trẻ vĩnh cửu của mình. Có hàng triệu người đi khắp nơi, với ba lô trên vai, rong ruổi mải mê trên những hành trình mới mẻ và kì bí. Có những người đi từ năm này sang năm khác, có những tay ngủ nhờ khắp thế giới, có những anh chàng đi bằng cách bắt xe đi nhờ hàng chục nghìn dặm. Họ vẫn đi, vẫn gặp tai nạn và vẫn có những sự đáng tiếc, chẳng ai có thể nói trước được điều gì trong cuộc đời này.
Nhưng tệ hại hơn, nếu bạn đi không phải vì trong sâu thẳm mình bản năng của bạn cần đến con đường và những hành trình, thì tốt nhất là ở nhà đi cho đỡ mệt.
Khải Đơn *
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là một nhà báo, blogger sống và làm việc tại TP.HCM
>> Đã vớt được xác 2 sinh viên mất tích
>> Ngừng huy động tìm kiếm sinh viên mất tích ở Phanxipang
>> Làm rõ trách nhiệm vụ sinh viên mất tích ở Phanxipang
>> Thuê thám hiểm tìm sinh viên mất tích ở Phanxipang
>> Vụ sinh viên mất tích ở núi Phanxipang: Cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến
>> Tìm thấy thi thể sinh viên mất tích
Bình luận (0)