TP.Hải Phòng hiện có 36 làng nghề, trong đó có 23 làng nghề truyền thống, 13 làng nghề mới nhưng hầu hết đều gặp khó khăn và chỉ có làng nghề đúc Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên và vùng thuốc lào Tiên Lãng được "chỉ dẫn địa lý".
|
Có từ thế kỷ 17, sản phẩm chiếu cói Lật Dương, huyện Tiên Lãng từng có gần 400 hộ gia đình sản xuất với doanh thu khoảng 12 tỉ đồng/năm nhưng không có thương hiệu.
Ông Phạm Văn Liên, chủ nhiệm một HTX chiếu cói tại đây cho biết: “Chúng tôi phải in logo chiếu Thái Bình vào mới tiêu thụ được. Các đại lý đều mua chiếu Lật Dương nhưng in tên Thái Bình, khiến chúng tôi từng bị coi là nơi làm hàng giả”.
Tương tự, làng mộc Kha Lâm, quận Kiến An, cũng phải nhái lại thương hiệu đồ gỗ Đồng Kỵ, Bắc Ninh, hay lấy sản phẩm của các làng mộc ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tây cũ về để bán.
Còn ở làng nghề gốm sứ Dưỡng Động, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, một lò nung lớn đã được xây để khôi phục làng nghề sau 30 năm mai một, nhưng chỉ sau một năm, cơ sở này biến thành lò nung vôi bởi không thể tồn tại.
Ông Bùi Tiến Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Hải Phòng, chia sẻ: Ở Hải Phòng, các làng nghề phát triển mang tính “địa phương” với quy mô nhỏ lẻ và lúng túng khi gia nhập thị trường hàng hóa, không đủ sức xây dựng thương hiệu, nên khó phát triển trong cơ chế thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội đúc cơ khí truyền thống của xã Mỹ Đồng, cho hay: Xã có 200 doanh nghiệp và hộ sản xuất, tạo việc làm cho 4.000 lao động nhưng sản phẩm cũng không có thương hiệu, vì mạnh ai lấy làm, chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Tại đây, các xưởng đúc nằm ngay trong khu dân cư, đầu tư nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu, gây ô nhiễm. Một trong những sản phẩm quan trọng của làng nghề là cánh quạt gió dùng cho tàu thủy của Công ty Thanh Sơn cũng lại mang tên Công ty điện cơ Thống Nhất, vì đây là đơn vị đặt hàng.
Bùi Hương
>> Phát triển làng nghề gắn với du lịch
>> Hẩm hiu làng nghề dệt chiếu cói
>> Điện về, làng nghề khởi sắc
>> Giữ làng nghề trong resort
Bình luận (0)