>> NSƯT Thanh Sang làm đạo diễn và viết tuồng?
>> NSƯT Thanh Sang và 50 năm tình yêu nghệ thuật
|
Vậy mà bất ngờ nghệ sĩ Thanh Sang xuất hiện trở lại, sánh đôi với cô đào Linh Huyền cũng là “bà bầu” máu lửa của cải lương hiện nay. Và vui hơn nữa, chính Hà Linh, con trai của cố nghệ sĩ Thanh Nga, sẽ là đạo diễn cho chương trình Năm tháng không phai, phục dựng lại những tác phẩm mà mẹ anh từng đóng: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Dương Quý Phi, Nửa đời hương phấn.
Năm tháng không phai sẽ mở màn ngày 7.1.2014 và diễn ra đều đặn vào ngày thứ ba hàng tuần, tại sân khấu IDECAF (TP.HCM)
- Thanh Niên Online: Xin nghệ sĩ Thanh Sang cho biết tại sao ông lại quay về sân khấu cải lương khi đã 71 tuổi với thời gian ở ẩn khá lâu khiến khán giả cứ tưởng ông bỏ nghề?
- NSƯT Thanh Sang: Trong nghề hát này tối kỵ là hai chữ bỏ nghề. Khi nào yếu quá, mệt quá không diễn được thì tôi nói là nghỉ xả hơi, chứ không bao giờ tuyên bố bỏ nghề, ông tổ sẽ trừng phạt. Thật ra cái nghề hát này rất gian truân, ai có ý chí và nghị lực lắm mới theo nổi chứ nó không đơn giản là hào quang dưới ánh đèn màu. Lại càng gian truân khi cải lương khó khăn, cố vùng vẫy để sống đã là mừng. Cho nên khi tôi thấy cô Linh Huyền cứ đeo đuổi cải lương, bỏ tiền bạc, công sức ra chống chọi bao nhiêu năm trời, tôi thương quá. Thôi thì nhận lời mời phụ giúp cô ấy một tay, chứ sức khỏe tôi cũng không khả quan mấy. Chỉ mong khán giả thương Linh Huyền, thương tôi mà ủng hộ, để cải lương còn được truyền thừa cho đời sau, cho thế hệ trẻ. Tôi coi cải lương là máu thịt của mình rồi, nên cứ sàn diễn sáng đèn là mừng và cảm động.
|
* Xin cho hỏi ông có cảm xúc như thế nào khi trở lại với những tác phẩm mình từng diễn lúc trẻ?
- Nghệ sĩ lớn tuổi phải diễn lại những vai đã đóng hồi trẻ thì cũng hơi e ngại, vì thanh sắc không được như xưa, nhất là về sức khỏe không biết có đảm đương nổi. Nhưng khi lên sàn tập, bạn bè nói tôi còn “được” nên cũng yên tâm phần nào. Có người bảo hay là thu playback cho đỡ mệt, nhưng tôi không làm được. Chẳng phải mình hay, nhưng tính tôi phải nhìn thấy khán giả thì mới có hứng, từ đó mà ca hay hơn. Chứ thu sẵn thì cứ thấy gò bó theo bài thu, hát tới mức đó là hết, và diễn cũng cứng đơ theo. Cho nên tôi nói thật là không quen hát nhép, làm vậy là lộ liền.
|
* Cả bốn trích đoạn trong chương trình đều là những vở cũ. Ông có muốn được tham gia trong một kịch bản mới?
- Tôi không dám nói những vở mới không hay, nhưng các vở cũ ít nhiều đã được khán giả biết đến và ái mộ, thuận tiện cho một chương trình trích đoạn hơn. Đối với cá nhân tôi, khi trở lại bằng những vai diễn đã tạo được dấu ấn sâu sắc, tôi thấy tự tin và phù hợp với tuổi tác của mình. Dĩ nhiên, trong thời gian tới, nếu sức khỏe cho phép, tôi cũng muốn đóng vở mới, chứ thật tình nghệ sĩ ai cũng muốn làm mới mình. Hiện giờ tôi thấy bên tân nhạc nhiều anh em ca rất hay, nhưng không có bản nhạc hay. Tôi cũng hy vọng tìm được một kịch bản hay, để thấy bộ môn cải lương còn những tác giả tài năng, chứ ba bốn chục năm mà cứ “dệt lụa bên cầu”, “nửa đời hương phấn” đi hoài không hết được một đời thì… chết.
* Xin hỏi ông nghĩ gì khi đứng chung với các nghệ sĩ trẻ đáng tuổi con cháu mình?
- Ngày xưa cải lương là của miền Nam, ngày nay cải lương đã thuộc về cả đất nước. Có người nói với tôi, nhờ Thanh Sang cải lương mới được như vậy. Tôi không nghĩ thế, ngược lại nhờ cải lương mới có một Thanh Sang mới đúng. Và nhìn thấy các em nghệ sĩ trẻ mến mộ theo nghề, có người kế thừa, tôi mừng lắm, rất cảm ơn các em. Nhưng cũng phải nhắc nhở, bởi bây giờ các em thường được giới truyền thông lăng xê, viết bài tràn ngập, cho nên cái danh đi trước cái tài. Có danh rồi cứ tưởng mình tài giỏi, thế là không rèn luyện nữa. Mà như vậy rất uổng, chứ nếu nâng cao hơn nữa thì viên ngọc trong các em mới thật sự tỏa sáng. Chẳng hạn, nghệ sĩ Trọng Phúc là người có giọng ca tôi thích nhất hiện nay vì giống giống nghệ sĩ Út Hiền lừng lẫy một thời. Nhưng về diễn xuất thì còn phải học hỏi bổ sung thêm. Vậy đó, các sô diễn kiếm tiền cũng giúp các em sống khỏe, nhưng nên dành thời gian luyện nghề để đi được lâu bền.
* Cảm ơn ông rất nhiều. Chúc ông nhiều sức khoẻ để có thể làm một Thi Sách hiên ngang, một Trần Minh thủy chung, ái quốc, một Đường Minh Hoàng đa tình dịu ngọt làm xao xuyến lòng người…
Hoàng Kim - Vũ Anh
>> Nở rộ cải lương phòng trà
>> Bất ngờ với cải lương
>> Cây hài Kiều Oanh làm cải lương
>> 100 nghệ sĩ Việt Nam trong bài hát cải lương
>> Violin "giao duyên" với cải lương giữa phố
>> Trao giải giọng ca cải lương giải Cao Văn Lầu
>> Cải lương vào phòng trà
>> Cải lương sống trên internet
>> Cải lương loay hoay làm mới
Bình luận (0)