Sử dụng điện trần, đun nấu bằng bếp than, hàng hóa cồng kềnh chắn hết lối thoát hiểm, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) bị vô hiệu hóa…, là thực trạng phổ biến tại nhiều chợ dân sinh Hà Nội.
|
Đúng một ngày sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại chợ Nhà Xanh (quận Thanh Xuân), chúng tôi đã có cuộc khảo sát về công tác PCCC tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố này.
Tại chợ Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy), gần 400 hộ kinh doanh vẫn sử dụng nguồn điện trần. Không những thế, tại các ki ốt, tình trạng câu móc, đấu nối điện diễn ra tùy tiện; các dãy kinh doanh hàng ăn uống lại bố trí khá gần với các ki ốt kinh doanh quần áo ấm - vốn là vật liệu dễ cháy. Đáng lo hơn, các hộ kinh doanh này đều sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu. Khi quạt lò, tàn lửa bay tứ tung, có thể bám vào những phần mái che, mái vẩy từ ki ốt này sang ki ốt khác, nguy cơ cháy rất cao.
Tại chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), toàn bộ diện tích mặt tiền đều được Ban quản lý (BQL) chợ chia nhỏ cho thuê ki ốt bán hàng, trông giữ xe, chỉ dành một vài lối đi chung, nhưng rất hẹp. Liền kề chợ Ngã Tư Sở là khu chợ tạm, nhiều hộ kinh doanh bày hết hàng ra vỉa hè, lối đi, kéo điện theo hệ thống mạng nhện chạy xuyên từ quầy này sang quầy khác. Các chủ kinh doanh ở đây còn thường xuyên dùng giấy đốt vía ngay cạnh quầy hàng…
Nằm trên địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), chợ Vĩnh Tuy có 300 tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán nhưng công tác PCCC đang bị buông hẳn. Bằng chứng là toàn bộ phần nắp bể ngầm chứa nước cùng 4 họng cứu hỏa bị nhiều tiểu thương biến thành gian chứa hàng, trong khi tìm khắp chợ chỉ thấy vài ba bình bọt chữa cháy bám đầy mạng nhện. Tương tự, tình trạng các tiểu thương xâm phạm hệ thống PCCC để làm nơi kinh doanh cũng diễn ra phổ biến ở chợ Đồng Xuân.
Tại chợ vải Ninh Hiệp thuộc xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), nơi được coi là đầu mối cung cấp đồ may mặc lớn nhất miền Bắc, trang thiết bị PCCC thiếu trầm trọng. Diện tích chợ lên tới 6.000 m2 với gần 1.200 hộ kinh doanh và khoảng 700 sạp hàng buôn bán liền kề với khu vực của chợ, nhưng chỉ có 20 họng nước cứu hỏa, nhưng nhiều họng nước trong đó không có đường ống dẫn nước.
Đáng nói là chợ Ninh Hiệp kinh doanh loại hàng hóa được coi là vật liệu bắt cháy rất nhanh, nhưng không thấy đầu tư hệ thống báo khói và chữa cháy tự động. Một tiểu thương tại Ninh Hiệp (không muốn nêu tên) cho hay: “Thú thật là kinh doanh ở đây nhưng chúng em không cảm thấy yên tâm với năng lực PCCC của chợ. Đợt cuối năm này có hàng nghìn người đổ về đây mua hàng mỗi ngày, thời tiết lại hanh khô, dễ cháy nổ vô cùng… thôi thì trăm sự nhờ trời”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Thạch Văn Sơn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp (đơn vị quản lý điều hành chợ này) thừa nhận, 20 họng nước cứu hỏa hiện có tại chợ Ninh Hiệp là quá ít, nếu chẳng may xảy ra sự cố thì rất khó khăn cho việc chữa cháy. Ông Sơn cho biết, thời gian tới sẽ đề xuất trang bị thêm nhiều trang thiết bị chữa cháy, như bình bọt và cũng lắp đặt thêm nhiều họng nước cứu hỏa.
Trong khi đó, lý giải về nguy cơ cháy nổ cao ở chợ Nghĩa Tân do đấu nối điện tùy tiện, ông Đỗ Việt Phương, Phó BQL chợ, nói: “Chúng tôi biết tình trạng các tiểu thương chợ Nghĩa Tân vẫn phải sử dụng nguồn điện trần là không đảm bảo công tác PCCC, nhưng khổ nỗi là thiếu kinh phí. Hiện chúng tôi đã lên kế hoạch thay thế đường điện mới, trong năm 2014 sẽ hoàn thành”.
Hà An
>> Cháy chợ Hôm ở Hà Tĩnh
>> Người dân hoảng loạn vì cháy chợ gần cây xăng
>> Vụ cháy chợ ở Hậu Giang: Thiệt hại khoảng 3 tỉ đồng
>> Cháy chợ vùng biên, hàng trăm người tháo chạy hoảng loạn
>> Vụ cháy chợ Nhà Xanh, không tiểu thương nào mua bảo hiểm
Bình luận (0)