'Hiến kế' tìm vốn cho ngành điện

27/12/2013 10:51 GMT+7

Điều chỉnh quy hoạch điện 7; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn quốc tế; ban hành khung giá điện công khai và thống nhất… là những giải pháp các chuyên gia đề xuất để giải bài toán thiếu vốn của ngành điện.

 "Hiến kế" tìm vốn cho ngành điện
Minh bạch giá thành cũng là giải pháp hút vốn cho ngành điện - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên thường trực BCH Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng, Bộ Công thương cần sớm điều chỉnh quy hoạch điện 7 nhằm chính xác hóa nhu cầu đầu tư, xác định nhu cầu vốn, cân đối tiến độ đầu tư các dự án điện trên toàn quốc phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai. Tránh đầu tư dàn trải, dừng các dự án không hiệu quả trong thời gian quy họach, đặc biệt giai đoạn 2014 - 2020 .

Về vốn, để đảm bảo nguồn vốn tự có, EVN và các doanh nghiệp đầu tư dự án điện phải có lợi nhuận trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư và tiết giảm chi phí trong sản xuất các nhà máy điện, giảm tổn thất trên lưới truyền tải và phân phối điện. Về phía Nhà nước, cần ban hành chính sách giá điện hợp lý, minh bạch; ban hành khung giá điện công khai và thống nhất để tạo điều kiện tốt cho hoạt động của thị trường điện. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Theo ông Duệ, để đảm bảo nguồn vốn vay, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt vốn ODA đa phương và song phương. Các ngân hàng trong nước tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các DA nguồn và lưới điện nhằm tạo điều kiện cho EVN và ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng điện. Các doanh nghiệp vay vốn phải tôn trọng các quy định về các hợp đồng vay trả vốn và lãi đúng kỳ hạn, giữ uy tín là khách hàng vay vốn.

Còn theo ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vấn đề vốn cho ngành điện có thể giải quyết được nếu đưa giá điện về cơ chế thị trường. Hiện giá bán điện VN mới ở mức 7 – 8 cent/kWh, thấp hơn so với các nước trong khu vực. “Chúng ta đã quen trạng thái được bao cấp cho nên chúng ta cứ dùng giá thấp mãi. Do đó, phải đẩy giá điện về đúng giá giá thị trường thì nguồn vốn đầu vào cho nguồn điện sẽ thoải mái hơn, lúc đó các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư nếu họ thấy có lãi”, ông Thạch nói.

Tuy nhiên, ông Thạch cũng cho rằng, ngành điện cũng phải công khai hóa giá thành của mình; đồng thời, để giá điện theo cơ chế thị trường cần có chính sách cho những người sử dụng điện, đặc biệt là đối với người nghèo, Chính phủ cần dành hẳn quỹ để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này bằng lượng tiền hàng tháng. Theo tính toán, điện dùng cho điện đối tượng chính sách chỉ chiếm 20%, còn 80% dùng cho vào hoạt động khác, nếu lấy tỷ lệ 80% này hỗ trợ lại tỷ lệ 20% kia thì vấn đề xã hội đã được giải quyết.

Cũng theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh thị trường phát điện cạnh tranh (đã vận hành chính thức từ 1.7.2012) hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, tạo động lực cho các nhà máy điện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mới thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn vào dự án điện.

Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thì đề xuất, bên cạnh thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, cần có thêm cơ chế đặc biệt với tập đoàn trong việc thu hút vốn. Cụ thể, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài, cho phép các ngân hàng thương mại cho EVN vay vốn không bị giới hạn tỷ lệ 15% vốn tự có với một khách hàng và 25% vốn tự có với nhóm khách hàng… (Vũ Vân)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.