Tay trống giang hồ và Kiếp cầm ca

29/12/2013 09:10 GMT+7

Ngày 28.12, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã được an táng tại Oak Hill Memorial Park (San Jose, California, Mỹ), để lại cho đời những ca khúc Mưa rừng, Thuở ấy có em, Lạnh trọn đêm mưa và đặc biệt là Kiếp cầm ca viết tặng nghệ sĩ Thanh Nga.


Huỳnh Anh và Thanh Nga (Sài Gòn trước năm 1975)

Huỳnh Anh sinh năm 1932 ở Cần Thơ, là con của danh thủ Sáu Tửng, tay đờn kìm nổi tiếng của cải lương miền Nam. Trong một buổi đứng xem các bạn học tập dượt văn nghệ để chuẩn bị trình diễn trong ngày bế giảng năm học, tay trống của ban nhạc hôm ấy bị bệnh mà không có người thay thế. Ông thầy hướng dẫn văn nghệ chợt thấy trong đám học sinh đứng coi có Huỳnh Anh, chú bé để tâm theo dõi tiếng đàn, giọng hát, hai tay gõ và chân nhịp rất đúng. Ông thầy gọi Huỳnh Anh vào chơi trống thử, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, chú bé chơi trống rất đúng, thế là Huỳnh Anh trở thành tay trống chính thức cho buổi trình diễn...

Tự học bằng cách “bắt chước” là khả năng thiên phú của Huỳnh Anh. 15 tuổi (1947), anh lên Đà Lạt chơi trống cho một ban nhạc và chính thức bước vào con đường nghệ thuật từ đó. Những năm đầu thập niên 1950, tên tuổi của tay trống Huỳnh Anh đã lẫy lừng, anh ôm cặp dùi trống khuấy đảo khắp Sài Gòn, khi thì chơi trong các đoàn cải lương, khi thì chơi ở những phòng trà có các ban nhạc Philippines. Huỳnh Anh đã học được ở họ các ngón nghề độc đáo, chẳng mấy chốc anh sử dụng thành thạo nhiều nhạc khí khác như guitar, piano, kèn, percussion… Dạo đó, Sài Gòn có hai tay trống lừng lẫy là Huỳnh Anh và Huỳnh Hiếu. Huỳnh Hiếu là con của ông bầu cải lương Tư Chơi, được cha mướn thầy Philippines về dạy trống, trong khi Huỳnh Anh chủ yếu tự học (sau này có thêm tay trống nổi danh thứ ba là Phùng Trọng). Năm 1957, Huỳnh Anh trở thành trưởng ban nhạc, anh ký hợp đồng trình diễn với hầu hết các phòng trà ca nhạc và vũ trường của Sài Gòn (cho đến năm 1975). Nhiều người còn nhắc đến một giai thoại lẫy lừng của anh, đó là cuộc “đọ trống” vô tiền khoáng hậu giữa Huỳnh Anh và tay trống người Mỹ lừng danh thế giới Buddy Rich tại rạp Hưng Đạo vào năm 1961. Thế nên trong giới gọi anh là “tay trống giang hồ”.

Mưa rừngKiếp cầm ca cho Thanh Nga

Không thể không nhắc đến mảng sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Huỳnh Anh, tuy không nhiều, chỉ khoảng 20 bài nhưng với Hoa trắng thôi cài lên áo tím thì Huỳnh Anh đã chắp cánh cho bài thơ của Kiên Giang - Hà Huy Hà bay vào khung trời thơ nhạc, rồi Thuở ấy có em, Loan mắt nhung, Sa mạc tuổi trẻ, Biết nói gì đây, Gió núi mưa rừng, Lạnh trọn đêm mưa, Rừng chưa thay lá… đã in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ yêu nhạc. Đặc biệt, có 2 ca khúc liên quan đến nữ nghệ sĩ khả ái Thanh Nga: bài Mưa rừngKiếp cầm ca.

Năm 1961, đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga dựng vở cải lương Mưa rừng của hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, và nhạc sĩ Huỳnh Anh được mời viết ca khúc chủ đề cho vở diễn này. Huỳnh Anh đã “đo ni, đóng tấc” cho Thanh Nga khi viết ca khúc Mưa rừng. Bản này được viết đặc biệt để giảm thiểu những sở đoản của một nghệ sĩ cải lương khi hát tân nhạc, và Huỳnh Anh đã dành nhiều thời giờ để tập hát cho Thanh Nga…


Tay trống giang hồ Huỳnh Anh - Ảnh: tư Liệu

9 năm sau (1970), Huỳnh Anh gặp lại Thanh Nga khi cô đóng vai chính trong phim Loan mắt nhung (đạo diễn Lê Dân), anh cũng là người viết nhạc cho phim. Đây là thời gian Thanh Nga vừa trải qua 2 lần sóng gió. Lần đầu là sự tan vỡ của cuộc tình kéo dài 3 năm với nghệ sĩ Thành Được. Sau đó, nàng lấy đại úy Mẫn như để chạy trốn cuộc tình trước, nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được vài tháng thì đại úy Mẫn bị tù vì tội danh tham nhũng. Rồi biến cố Tết Mậu Thân xảy ra, sau đó là lệnh giới nghiêm được ban hành ở Sài Gòn làm đình trệ tất cả những sinh hoạt về đêm. Phòng trà, vũ trường cũng như sân khấu cải lương phải tạm ngưng hoạt động. Nhờ thế mà Huỳnh Anh có thời giờ đến thăm bà Bầu Thơ và ở chơi với kép Hữu Thìn (anh của Thanh Nga), rồi thường tập cho nàng hát tân nhạc. Tình cảm nảy sinh giữa hai người. Những buổi Thanh Nga không phải hát, người ta thấy hai người sóng đôi đi chơi. Có khi họ từ hậu trường đi vòng ra rạp ngồi xem trước các cặp mắt tò mò của mọi người. Huỳnh Anh viết Kiếp cầm ca tặng riêng cho Thanh Nga trong dịp này…

Không diễn được ở Sài Gòn vì tình trạng giới nghiêm, bà Bầu Thơ quyết định mang đoàn hát ra Huế. Trước khi đoàn rời Sài Gòn, Huỳnh Anh đến từ giã và Thanh Nga đã bí mật đưa cho anh một bức thư. Về nhà mở ra, lời lẽ trong thư chứa đựng một tình cảm thắm thiết, nàng thân mến gửi lời chào tạm biệt và dặn dò anh bớt uống rượu hút thuốc… Ít lâu sau, Huỳnh Anh nhận được điện tín của Thanh Nga yêu cầu anh ra Huế gấp, nhưng anh không thể đi được. Khi đoàn Thanh Minh - Thanh Nga lưu diễn trở về thì được chính quyền miền Nam cử đi trình diễn bên Pháp. Công chức hướng dẫn phái đoàn là ông Đổng Lân. Sau khi đoàn lưu diễn bên Pháp trở về nước vài tháng, đám cưới Thanh Nga và ông Đổng Lân diễn ra. Từ đó, Thanh Nga sống yên ấm dưới mái gia đình cho đến lúc bị sát thủ bắn chết cả hai vợ chồng khi cô vừa diễn xong vở tuồng Tiếng trống Mê Linh.

Sau 1975, Huỳnh Anh định cư ở Mỹ. Không sống được với nghề nhạc, ông làm nghề lái taxi ở vùng San Francisco một thời gian dài, rồi chuyển về sống ở San Jose. Ông có vợ và 3 con (1 trai, 2 gái) nhưng ai cũng đã có gia đình riêng và cư ngụ khác nhau. Ở San Jose, Huỳnh Anh có người em kết nghĩa tên là Nghĩa, người này lo cho ông mọi việc, từ xe cộ, ăn uống và khi ông trở bệnh (ung thư phổi và sau đó ung thư gan) thì cũng một tay Nghĩa lo liệu. Ngay cả chuyện hậu sự của ông, ai cũng nghĩ Nghĩa sẽ là người lo lắng cho nhạc sĩ Huỳnh Anh tốt hơn ai hết. Nào ngờ, Nghĩa lại đột ngột qua đời vào ngày thứ năm (12.12), và chỉ một ngày sau, nhạc sĩ Huỳnh Anh lặng lẽ ra đi trên giường bệnh lúc 15 giờ ngày 13.12.2013. 

Hà Đình Nguyên

>> Nhạc sĩ của 'Mưa rừng', 'Kiếp cầm ca' qua đời
>> Kiếp cầm ca  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.