Tiếng Việt 'chêm' tiếng Anh

30/12/2013 10:15 GMT+7

Tiếng Anh của tôi chỉ ở mức độ “mèng mèng”, tôi rất muốn cải thiện trình độ tiếng Anh để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu cũng như sở thích của mình.

 
Trau dồi tiếng Anh là điều tốt, nhưng bạn trẻ cũng cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - Ảnh: L.Thanh

Tôi không dám mơ tiếng Anh của mình đủ khả năng để kiếm được một công việc mới tốt hơn hay tự tin giao tiếp với người nước ngoài, mà lý do rất đơn giản tôi cần học tiếng Anh để có thể hiểu được sơ đẳng nội dung một số bài hát mà mình thích. Tôi học tiếng Anh để sử dụng máy tính dễ dàng hơn, hoặc khi đọc một bài báo nào đó bằng tiếng Việt, thỉnh thoảng họ “chèn” vào đó vài từ tiếng Anh mà mình không biết thì hơi bức xúc… Như vậy cũng có nghĩa là tôi không hề kỳ thị tiếng Anh vì sự học kém cỏi của mình.

Nhưng tôi lại không thích cái cách mà phụ huynh học sinh hoặc nhiều người học coi tiếng Anh là một môn học hợp thời, có tương lai, có thể đổi đời. Các bậc phụ huynh cho con em mình đi học thêm tiếng Anh để nâng cao thành tích học tập là chính đáng nhưng nhiều em cùng với đó là áp lực phải vào được trường chuyên lớp chọn, thi vào những trường đại học danh tiếng, có em thì bố mẹ đã định hướng ngay từ khi học mẫu giáo phải “cày” tiếng Anh để sau này đi du học. Tôi nghĩ, trước hết nên học tiếng Anh trên cơ sở đó là một môn học quan trọng như nhiều môn học khác và nên học tiếng Anh như một ham mê, sở thích khám phá một ngôn ngữ mới…

Tiếng Anh là quan trọng nhưng không thể quan trọng bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi không thích tiếng Anh “phổ cập” đến mức trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày nhiều người đang nói tiếng Việt lại phải nói vào đó lộn xộn vài từ tiếng Anh. Nếu ai vô tình không biết và hỏi lại từ tiếng Anh đó là gì thì mang tiếng “quê”, lạc hậu.

Thậm chí một số bài hát, các bạn trẻ cũng thêm thắt vào đó vài từ tiếng Anh để nghe cho “sang”, cho “hợp thời” hay là tiếng Việt không phong phú, không thể diễn đạt được những ý tứ của người sáng tác nên người ta phải dùng tiếng Anh. Còn nếu bảo đó là giao lưu văn hóa, giao lưu ngôn ngữ… thì tôi nghĩ nên dịch trọn vẹn một bài hát tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc người Việt sáng tác một bài hát tiếng Anh chẳng hạn… Tôi ủng hộ như vậy chứ không thích nghe cái thứ âm nhạc vừa có tiếng Việt vừa có tiếng Anh, nghe cứ như “cơm độn sắn”

Tôi còn nhớ có lần tôi tò mò vào trang facebook của anh chàng hát tiếng Việt khá nổi tiếng Kyo York. Điều thú vị mà tôi phát hiện ra đó là anh chàng Người Mỹ này trao đổi mọi thông tin trên facebook với các bạn Việt Nam sử dụng ngôn ngữ khá “thuần Việt”, không nói tiếng Anh chèn tiếng Việt. Tôi nghĩ anh đang tôn trọng cả hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Học tiếng Anh sao cho hiệu quả, thú vị và nhất là không quên ngôn ngữ mẹ đẻ, tôi nghĩ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của phụ huynh, học sinh và ngành giáo dục nước nhà. Nhìn rộng hơn, giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt cũng là giữ gìn một nét văn hóa.

Thúy Nguyễn * 

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhân viên hành chính, nội trợ

>> Phân loại học sinh để xếp lớp đúng trình độ tiếng Anh
>> Thiếu nhà nghiên cứu khoa học xã hội đủ trình độ tiếng Anh
>> Để nâng cao trình độ tiếng Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.