|
Anh đi rồi ai chở đi học?
Thi thể em Nguyễn Hoàng Long, lớp 8, được đưa về nhà vào tối 29.12. Con đường nhỏ dẫn vào nhà em Long hôm nay người ra vào nhiều hơn, nhưng không khí tang thương bao trùm quanh khu phố nhỏ.
|
Ba của Long, anh Nguyễn Văn Tâm, tỏ ra khá mạnh mẽ để làm cột dựa cho cả gia đình khi cả vợ và đứa con trai nhỏ không chịu nổi cú sốc lớn.
Anh Tâm kể, giọng run run: “Sáng con lên đường đi Cần Giờ, lòng tôi cứ không yên, sợ nó không được ăn uống đàng hoàng nên cứ gọi điện thoại liên tục. Đến 11 giờ 25 phút, thằng Long gọi về kêu đừng gọi nữa vì nó phải xuống biển tắm. Đó cũng là lần cuối tôi nghe tiếng con”.
Từ chiều qua đến hôm nay, mẹ của Long là chị Nguyễn Thị Thu Phượng không đủ sức để ngồi dậy. Chị tựa vào quan tài của con mà khóc từng cơn. Đứa con trai nhỏ đi qua rồi đi lại, thỉnh thoảng lại hỏi: “Anh đi rồi ai chở đi học, ai ngủ chung với con?”.
Từ lúc em trai còn 1 tuổi, ba mẹ phải đi cạo mủ cao su từ sáng sớm đến chiều, Long thay ba mẹ nấu cơm, tắm rửa, chở em đi học. Hai anh em gắn với nhau như hình với bóng. Ấy thế mà... đứa em 5 tuổi giờ không còn anh!
“Mới 5 tuổi thôi, nhưng nó hiểu hết, biết hết. Nó biết anh nó đi sẽ không về nữa nên khóc hoài”, anh Tâm kể.
Kết thúc học kì 1 vừa rồi, Long là học sinh tiên tiến của lớp. Ở trường Long rất hiền và ngoan. Có lần được nhận tiền thưởng ở trường về, anh Tâm nói Long mua áo quần mặc nhưng em không chịu, em nói áo quần còn nhiều nên để dành tiền làm việc khác.
“Học kì này con lại được phần thưởng ở trường, gia đình chưa kịp thưởng thì nó đã...”, giọng anh Tâm khàn đặc lại.
Cha mẹ như người mất hồn
Không được vững vàng như anh Tâm, anh Nguyễn Công Điều, ba em Nguyễn Phan Thành Lâm, lớp 8, đi ra, đi vào như người mất hồn.
Mặc dù cố gắng vững vàng trước nỗi đau quá lớn, nhưng ai cũng có thể thấy khuôn mặt hốc hác, mắt trũng sâu, thâm quầng vì thương nhớ con. Anh gượng đi lại nhưng dáng đi liêu xiêu, chân như sắp khuỵu xuống.
Vợ chồng anh Điều quê tận tỉnh Hải Dương vào Bình Dương sinh sống. Hai anh chị vui mừng khi có được một trai, một gái. Cả hai đứa con hàng xóm ai nấy đều biết vì ngoan và học rất giỏi. Sự ra đi của con trai duy nhất là sự đau đớn không thể tả...
Bên trong nhà, mẹ và chị của Lâm như lịm đi vì khóc từ chiều qua đến nay. Trưa nay, khi thi thể em được khâm liệm, mẹ và chị như gục bên quan tài.
Bà con, hàng xóm phải ôm cả mẹ và chị của Lâm ra nhà sau, đút từng muỗng nước để hai mẹ con không bị kiệt sức.
Chị gái của Lâm, là Loan, hiện đang là sinh viên đại học, cô khóc trong vòng tay người thân, không ngớt gọi “em ơi! em ơi!”.
Người thân, họ hàng khi đến viếng, không ai dám nói chuyện gì vì hễ ai nhắc đến tên Lâm, nước mắt anh Điều lại trào ra...
Trắng đêm tìm cháu
Là người được tìm thấy sau cùng, thi thể em Võ Tấn Tài, lớp 7, đến trưa nay mới được mang về với gia đình ở thị trấn Dầu Tiếng, Bình Dương.
Ngồi trước quan tài của cháu, ông nội Võ Văn Thành mắt đỏ gay, rùng mình kể lại: “Lúc tìm thấy xác thằng Tài 7 giờ sáng nay, nó bị bùn bao phủ khắp mình, phải tắm rửa sạch sẽ cho nó mới mang về đây. Trong cặp nó vẫn còn nguyên vẹn lốc sữa và bánh nó mua chưa kịp ăn”.
Đêm qua, 29.12, ông Thành từ Bình Dương nghe tin cháu thất lạc ở Cần Giờ, TP.HCM, đã tức tốc đi tìm cháu. Ông cùng người thân của Tài đi cả đêm tìm cháu.
Trước lúc tìm thấy Tài khoảng vài chục phút, mẹ Tài linh cảm làm sao, gọi điện cho ông Thành tìm cháu trong rừng. Sau đó thì đội tìm kiếm thấy Tài trong rừng, bị phủ bùn sau khi nước rút xuống.
“Tôi chỉ có 3 đứa cháu, thằng Tài là đứa lớn nhất, cũng là đứa tôi và bà nội gắn bó nhất. Từ khi sinh ra đến lớn, ba mẹ nó đi làm suốt, nó quấn lấy ông bà cả ngày lẫn đêm”, ông nghẹn ngào kể.
Ngoài Tài ra, còn có một người em họ, một người em trai ruột hiện đang học lớp 4. Từ việc ăn, việc ngủ, đến đi học đều do ông bà nội thay nhau chăm. Sáng sáng, ông Thành vẫn chở cháu đi học, chiều bà nội lại đón về.
Chuyến đi tham quan Cần Giờ này, dù gia đình phản đối, nhưng do Tài năn nỉ quá, gia đình phải chấp thuận. Không ngờ đây là chuyến đi lần đầu tiên của Tài không có gia đình bên cạnh cũng là lần cuối...
|
|
|
Ông Nguyễn Văn Sê, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Dầu Tiếng, Bình Dương, cho biết chuyến đi tham quan Cần Giờ do Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức cho tổ sử - địa đi tham quan về nguồn, cụ thể là rừng Sác cho 96 học sinh và 19 giáo viên. Hơn 12 giờ ngày 29.12, sau khi ăn xong, một nhóm học sinh xuống biển tắm thì bị sóng đánh. “Do khu vực các em tắm biển có bờ kè nên tôi đoán do bị sóng đánh ngộp mà mất”, ông Sê nói. Được biết, tour du lịch được nhà trường hợp đồng với Công ty Du lịch Hưng Phát, mỗi em học sinh đóng 400.000 đồng. Theo ông Nguyễn Văn Sê, đây là sự cố đáng tiếc nên Phòng Giáo dục - Đào tạo hỗ trợ gia đình các em thiệt mạng 2 triệu đồng/em; Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Dương hỗ trợ 5 triệu đồng/em; UBND huyện Dầu Tiếng hỗ trợ 10 triệu đồng/em. “Ngoài ra còn có các tổ chức khác cũng hỗ trợ cho các gia đình có con thiệt mạng ở Cần Giờ. Không gì có thể bù đắp nổi mất mát con ở các gia đình nhưng chỉ mong an ủi phần nào nỗi đau của các phụ huynh”, ông Sê chia sẻ. |
Bài, ảnh: Hoàng Quyên - Nguyễn Bình
>> Vụ 7 học sinh tắm biển chết đuối: Thời tiết xấu, ứng cứu chậm
>> Vụ 7 học sinh mất tích: Đón con ở nhà xác bệnh viện
>> Vụ 7 học sinh mất tích: Đã có lúc tôi tưởng em Long được cứu sống
>> Vụ 7 học sinh mất tích trên biển Cần Giờ: Tìm được 7 thi thể
>> Vụ 7 học sinh mất tích: Trắng đêm chờ tin con ở bệnh viện
>> Vụ 7 học sinh mất tích trên biển Cần Giờ: Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân
>> 7 học sinh Bình Dương chết đuối ở biển Cần Giờ
Bình luận (0)