Xử phạt báo chí nên quy về một mối

02/01/2014 03:00 GMT+7

Liên quan đến câu chuyện nhiều cơ quan cùng được phạt báo chí và đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cơ quan nào “nhanh chân” hơn thì được xử phạt, đã bị phản ứng từ nhiều chuyên gia pháp luật.

 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Ai cũng phạt thì lộn xộn quá

Bất cứ tổ chức cá nhân nào trong một đất nước cũng phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật, sai về điều gì thì bị phạt về cái đó, điều này thể hiện mọi tổ chức cá nhân bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên phải có sự thống nhất giữa cơ quan chứ không thể có chuyện mạnh ai nấy làm, ai nhanh hơn thì được phạt. Bộ Thông tin - Truyền thông là cơ quan quản lý về hoạt động báo chí xuất bản, nếu thanh tra các ngành khác phát hiện báo chí vi phạm thì có quyền đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét và xử phạt chứ không thể nào nhảy vào xử phạt ngay. Như thế là lộn xộn quá, không có sự thống nhất về mặt nhà nước. 

 
Từ câu chuyện của báo chí tôi muốn nói rộng hơn, hiện nay chỉ có ở nước ta và một số ít nước có chuyện các cơ quan hành chính được xử phạt tiền cá nhân và tổ chức. Ở các nước phát triển thì các cơ quan hành chính chỉ có quyền đề xuất, còn việc phạt hay không là thẩm quyền của tòa án, quy về một đầu mối. Điều này tạo ra sự thống nhất, không giẫm chân lên nhau. Trước đây, chúng ta làm luật Sở hữu trí tuệ, các chuyên gia của Anh, Mỹ rất sửng sốt ngạc nhiên hỏi làm sao mà Bộ Khoa học - Công nghệ cũng có thể ra quyết định xử phạt.

Bên cạnh việc chồng chéo về thẩm quyền của các cơ quan chức năng, thì trong các nghị định hiện nay cũng có sự vênh nhau nhất định khi điều chỉnh cùng một hành vi. Theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu hai văn bản do một cơ quan ban hành có sự vênh, mâu thuẫn với nhau thì áp dụng theo văn bản ban hành sau. Thế nhưng, với các nghị định của Chính phủ cùng điều chỉnh các hành vi của báo chí, trong đó có một số hành vi rất khó để phân định áp dụng theo nghị định nào, do đó khi áp dụng sẽ gây ra tranh cãi. Giữa cả một “rừng luật” như thế không biết theo luật nào cho đúng.

Thạc sĩ, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Hà Nội): Chuyên gia Bộ Tư pháp hiểu sai

Đối với mỗi sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật được phát hiện, nếu chỉ giải quyết vấn đề bằng cách tìm sự giải thích từ các chuyên gia trực tiếp liên quan đến việc xây dựng văn bản thì dễ thấy mỗi chuyên gia có thể có một cách giải thích khác nhau.

Chẳng hạn, tại cuộc họp với báo chí của Bộ Tư pháp, bà Phạm Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính thì phân tích: “Việc đưa tin không trung thực quy định tại Nghị định 159/3013/NĐ-CP chưa rõ”, trong khi ông Đặng Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ triển khai đề án về xử lý vi phạm hành chính thì cho rằng: “Từ 130 nghị định bây giờ Chính phủ rút xuống còn 50 nghị định. Số lượng hành vi quy định trong mỗi lĩnh vực trong đó có báo chí lên đến mấy trăm ngàn hành vi cho nên có thể có sự trùng lặp, quy định ở lĩnh vực này và nó có thể nằm ở lĩnh vực khác là có thể xảy ra”. Ông Sơn cũng dẫn ra điều 52 của luật Xử lý vi phạm hành chính về nguyên tắc xác định quyền xử phạt hành chính: “Trong trường hợp có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử phạt thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên, cơ quan đó có quyền xử phạt”. Có lẽ, những người trực tiếp ra quyết định xử phạt sẽ còn nghĩ ra nhiều cách giải thích mà không ai có thể khiếu nại được, kiểu như: "Chúng tôi đã áp dụng đúng quy định”.

Theo chúng tôi, đã phát hiện ra mâu thuẫn, chồng chéo là buộc phải sửa đổi cho đảm bảo tính thống nhất của văn bản pháp luật. Không thể lấy lý do rút số lượng nghị định từ 130 xuống 50 hay do có quá nhiều hành vi để buộc các đối tượng điều chỉnh của các quy định này phải chịu đựng sự mâu thuẫn, chồng chéo, giải thích tùy tiện của quan chức nhà nước.

Ngoài ra, sự giải thích của các chuyên gia Bộ Tư pháp được trích dẫn ở trên cũng chưa đúng với tinh thần của chính các nghị định liên quan. Theo chúng tôi, nguyên tắc “trong trường hợp có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử phạt thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên, cơ quan đó có quyền xử phạt” được ông Sơn trích dẫn cũng không đúng hoàn cảnh bởi lẽ, trường hợp có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử phạt nêu tại điều 52 luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với một vi phạm hành chính được quy định tại một nghị định cụ thể chứ không phải nguyên tắc này được đưa ra để giải quyết cho sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định) khác nhau.

Thái Sơn - Hoàng Trang (ghi)

 
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM): Không có quy định nào về việc “nhanh chân” thì được xử

Ý kiến của ông Sơn cho thấy sự “bất lực” và là giải pháp tình thế để tránh việc vi phạm nguyên tắc xử phạt hành chính là: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”.

Trong khi đó không có quy định nào về việc cơ quan nào “nhanh chân hơn” thì được xử phạt, còn cơ quan nào “chậm chân hơn” thì không có quyền, dù đó là cơ quan chuyên môn như Bộ Thông tin - Truyền thông.

Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM): Giật mình vì sự tùy tiện giải thích pháp luật

Nghe trả lời phỏng vấn trước báo giới của ông Đặng Thanh Sơn mà không khỏi giật mình vì sự tùy tiện trong cách giải thích pháp luật. Pháp luật vốn là một thể thống nhất điều chỉnh các quan hệ xã hội, tính hiệu lực của pháp luật được định theo thứ tự giá trị văn bản pháp luật, thời điểm ban hành pháp luật…

Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải có trách nhiệm rà soát tính hiệu lực của các văn bản pháp luật đã được ban hành trước đó để tránh sự chồng chéo, giẫm chân lên nhau như một đội quân hỗn loạn. Do đó, sự khiếm khuyết của các văn bản quy định cho phép các cơ quan độc lập nhau lại được quyền cùng "trảm" báo chí theo mức phạt của mình có khác nào một cảnh chợ vỡ mà lẽ ra, nếu có trách nhiệm hơn thì phải tạm dừng việc xử phạt vô tội vạ và nhanh chóng sửa chữa hoặc bãi bỏ những quy định chồng chéo của các văn bản này.

Lê Nga (ghi)

 >> Không nên ra nghị định riêng xử phạt báo chí!
>> Ai cũng được xử phạt báo chí? - Đi ngược xu thế chung
>> Ai nhanh chân hơn thì được... xử phạt !?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.