Để đừng nói...giá như

04/01/2014 03:00 GMT+7

Không ít người bảo, chần chừ công việc đã là “bệnh” của nhiều người trẻ hiện nay.

Để đừng nói...giá như
Chần chừ là rào cản của thành công - Ảnh: Đ.N.Thạch 

“Bệnh” không của riêng ai

“Có lẽ không phải riêng mình, hầu hết bạn bè cùng lớp đều đã từng hoặc đang mắc phải bệnh này”, Thùy Dương, học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM), chia sẻ. Dương kể chuyện của bản thân: Nhiều khi trong giờ học muốn hỏi thầy cô những vấn đề chưa hiểu, nhưng lại chần chừ chẳng dám nói ra. Rồi có khi thầy cô hỏi ai sẽ đảm nhiệm dẫn dắt một chương trình cho lớp, dù rất muốn nhưng lại chần chừ chẳng dám tự ứng cử.

Ngọc Thành, HS lớp 11 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM thì đã từng gặp những người bạn đáng mến, muốn làm quen nhưng lại chần chừ chẳng dám ngỏ lời, sau này phải hối tiếc, nói lời “ước gì”, “giá như”, mong thời gian quay trở lại…

Có điều dễ nhận thấy là “bệnh” này chẳng của riêng ai. Những sinh viên (SV), thậm chí người đã đi làm cũng mắc phải. “Ấp ủ cho ý tưởng khởi nghiệp từ năm hai đại học đến nay, giờ sắp ra trường thì ý tưởng cũng chỉ nằm trong suy nghĩ, cũng bởi sự chần chừ”, Trúc Dương, SV Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, tâm sự.

Nhiều bạn chia sẻ đã từng quyết tâm hoàn thành khóa học Anh văn, viết sách, hay đơn giản hơn là tập thể dục đều đặn mỗi ngày… nhưng cứ chần chừ mãi không làm.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty giáo dục DeltaViet cũng thẳng thắn nhận định, hiện nay giới trẻ mắc “bệnh” này khá nhiều. Đề cập đến những câu chuyện trên, ông Minh cho biết đó chính là những biểu hiện của “bệnh” chần chừ. 

Chữa bằng cách nào ?

Lý giải nguyên nhân, ông Minh cho biết bắt đầu từ việc giới trẻ thiếu tự tin vào bản thân mình như: sợ mất mặt, sợ bị chê cười, hoặc sợ bản thân không làm được.

Chính những nỗi sợ này dẫn đến việc tự lừa dối bản thân bằng những suy nghĩ như: “À, thôi để lần khác thuận lợi hơn vậy”, hoặc "không cách này thì cách khác cũng được”, hay “thật ra thì mình cũng không cần điều đó lắm”... Tất cả điều này sẽ khiến chần chừ.

Tuy nhiên, hầu hết bạn trẻ đều chưa từng nghĩ hoặc biết đến những hệ lụy khi mắc phải “bệnh”. “Đó là sẽ khiến mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống, học tập, công việc… Chưa kể những cảm giác hối tiếc, dày vò vì không chịu hành động. Lâu dài hơn thì sẽ tạo thành thói quen, ảnh hưởng tới sự nhận thức của mỗi người…”, ông Minh nói.

Bùi Lập, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) nói: “Chẳng thể đếm xuể đã bao nhiêu lần mình chần chừ khi hành động điều gì đó. Dần dần trở thành tật mà mình chẳng biết phải làm thế nào, có lẽ sẽ khó bỏ được”. Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng Lập mà cũng chính là tâm trạng chung của nhiều bạn trẻ.

“Liều thuốc” hữu hiệu để có thể trị bớt “bệnh” này không khó như nhiều HS, SV nghĩ. Ông Minh bày cách, hãy biết cách xác định mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống và động lực làm việc. Đơn giản hơn, việc có thể làm ngay được là rèn luyện cho bản thân tâm lý "không bao giờ thích hợp hơn lúc này". Bất cứ việc gì khiến bạn cảm thấy thích thú, muốn đạt được điều đó thì nên tiến hành ngay chứ đừng bao giờ chần chừ.

Chia sẻ thêm với những ai đã và đang có thói quen trì hoãn, ông Minh khuyên: “Thói quen trì hoãn sẽ gây hại cho cuộc sống cũng như sự nghiệp của bạn. Đừng bao giờ trì hoãn công việc của mình nếu bạn có thể hoàn thành nó ngay hôm nay. Sẽ chẳng có bao giờ thích hợp hơn lúc này, thế nên đừng bao giờ trì hoãn vì lý do chưa phải là thời điểm thích hợp. Hãy làm việc của mình hết khả năng có thể, vượt qua sự trì trệ trong suy nghĩ và hành động để sải bước trên con đường thành công và hạnh phúc”.

Cũng đã từng bao lần chần chừ với những kế hoạch đề ra, sau đó tự quyết tâm thay đổi, Lê Phong, SV Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ kinh nghiệm: “Đừng bao giờ chần chừ cả, bởi nó là rào cản của thành công”.

Bình luận

 Nguyễn Trinh Phương Uyên
“Theo mình thuốc chữa bệnh hay trì hoãn chủ yếu từ chính thái độ của mỗi người. Đừng nên chần chừ, bởi cuộc sống là không chờ đợi”.

Nguyễn Trinh Phương Uyên
(HS lớp 10C5, Trường THPT Nam Hà, Đồng Nai)

Đặng Khoa Đăng  
“Tôi từng có thói quen chần chừ, trốn tránh làm việc gì đó. Khi ấy thường có cảm giác tội lỗi hoặc lo lắng vì chưa làm, để rồi hoàn thành các đầu việc đó một cách kém hiệu quả vì “nước đến chân mới nhảy”, còn quá ít thời gian để chỉn chu. Tôi rất mong tạm biệt thói quen xấu đó”.

Đặng Khoa Đăng
(HS lớp 11A1, Trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai)

 Đặng Quang Vinh
“Nên bắt tay vào hành động ngay hôm nay, đừng để khi ngoái nhìn lại sẽ hối tiếc giá như đã từng quyết đoán hơn”.

Đặng Quang Vinh
(SV Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM)

Xuân Phương

Xuân Phương - Trâm Anh

>> Tôi đã chần chừ
>> Đã chậm rồi, không chần chừ được nữa !
>> Đừng để nói giá như...
>> Giá như… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.