(TNO) Ngày 6.1, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ tiêu cực, lừa đảo xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tân Bình (Agribank Tân Bình).
|
Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM truy tố các bị cáo Trần Huỳnh Nghĩa (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Cát Phương Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Trường Phát Đạt), Trần Thị Lệ Thu (hành nghề uốn tóc), Huỳnh Công Phúc (chồng của bị cáo Nguyễn Thị Phương Hoa, hiện đang bỏ trốn), Phạm Duy Soạn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Trường Phát Đạt), Nguyễn Kim Dzoanh (nguyên Giám đốc Trường Phát Đạt), Trần Huỳnh Trâm cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Tân Bình gồm: Phạm Việt Văn (nguyên Phó giám đốc), Đỗ Giao Toàn (nguyên Phó phòng tín dụng), Đặng Thị Duyên Nghĩa (nguyên Trưởng phòng tín dụng), Ngô Đức Tài (nguyên Phó phòng tín dụng), Nguyễn Văn Chín (nguyên cán bộ tín dụng), Võ Đức Hùng (nguyên Trưởng phòng Thẩm định) cùng bị truy tố về tội “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Hai bị can nguyên là cán bộ kiểm tra nội bộ Agribank - khu vực miền Nam là Nguyễn Trọng Luân và Nguyễn Minh Hòa cùng bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong vụ án này, còn có Nguyễn Tám (nguyên Giám đốc Agribank Tân Bình) bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay…” nhưng đã chết trong thời gian chờ xét xử nên TAND TPHCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử.
Theo cáo trạng của Viện KSND TPHCM, Nguyễn Thị Phương Hoa (nguyên là Phó giám đốc kinh doanh Công ty Reetech, trực thuộc Công ty cổ phần cổ phần Cơ điện lạnh REE) đã bị sa thải nhưng vẫn móc nối cùng với Trần Huỳnh Nghĩa bàn với Nguyễn Tám cho vay tiền đầu tư xây dựng cao ốc E-Town 2 để lừa đảo.
Cụ thể, từ tháng 11.2005 đến tháng 6.2009, Nguyễn Thị Phương Hoa và Trần Huỳnh Nghĩa làm giả hồ sơ góp vốn đầu tư của Công ty TNHH Cát Phương Nam và Công ty TNHH Trường Phát Đạt vào Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE, làm giả cổ phiếu của Công ty REE do Nghĩa và người thân của Nghĩa đứng tên để lập hồ sơ vay vốn của Agribank Tân Bình, qua đó chiếm đoạt 120 tỉ đồng.
Phạm Duy Soạn, Nguyễn Kim Dzoanh, Trần Huỳnh Trâm và Huỳnh Công Phúc dù biết hành vi phạm tội trên nhưng vẫn giúp sức qua việc ký hợp đồng giả góp vốn đầu tư vào Công ty REE, ký hợp đồng góp vốn ba bên với Công ty REE và ngân hàng, đứng tên cổ phiếu giả của Công ty REE, ký phiếu thu giả nộp tiền vào Công ty REE, đưa tài liệu giả để Trần Thị Lệ Thu đóng giả người của REE đến Agribank Tân Bình nhận tiền và mang về cho Hoa.
Dù biết Công ty TNHH Cát Phương Nam, Công ty TNHH Trường Phát Đạt và các cá nhân là người nhà của bị cáo Trần Huỳnh Nghĩa không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng nhưng Nguyễn Tám vẫn chỉ đạo cấp dưới duyệt cho 11 hợp đồng của hai công ty và cá nhân của Hoa vay không cần thế chấp, không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo là giả mạo; không thẩm định hồ sơ vay, phương án vay vốn, sử dụng vốn; không kiểm tra tính xác thực của tài sản thế chấp dẫn đến không có khả năng thu hồi 120 tỉ đồng.
Với chức trách, nhiệm vụ là thành viên trong đoàn kiểm tra được phân công nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ vay của Công ty TNHH Cát Phương Nam, nhưng bị cáo Nguyễn Trọng Luân (nguyên cán bộ kiểm tra nội bộ Agribank Việt Nam - khu vực miền Nam) và Nguyễn Minh Hòa (nguyên cán bộ kiểm tra nội bộ Agribank Việt Nam - khu vực miền Nam) không báo cáo, kiến nghị hoặc đề nghị đình chỉ cho vay ngay từ những hợp đồng đầu tiên, gây hậu quả nghiêm trọng về sau.
Sau khi vụ án bị phát hiện, Nguyễn Thị Phương Hoa bỏ trốn sang Mỹ. Tháng 4.2010, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM - ra quyết định truy nã đặc biệt, Interpol truy nã quốc tế, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 13.1.
Tin, ảnh: Lê Quang
>> Xét xử vụ thất thoát tại Vietinbank Trà Vinh
>> Xét xử vụ gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng ở Agribank chi nhánh 3
>> Xét xử vụ gây thất thoát hơn 36 tỉ đồng
>> Điều tra lại vụ thất thoát hàng chục tỉ đồng
>> Agribank bán 11 khoản nợ cho VAMC
>> Bắt 2 cán bộ Agribank chiếm đoạt tài sản
Bình luận (0)