Lệnh cấm mơ hồ và phi lý trên biển Đông

12/01/2014 03:00 GMT+7

Cũng như bản đồ 'đường lưỡi bò', lệnh cấm đánh bắt phi lý của Trung Quốc ngang nhiên áp đặt trên biển Đông rất mơ hồ về pháp lý.

 Tàu hải cảnh CCG-3401 sắp hoạt động tuần tra ở biển Đông - Ảnh: SOA
Tàu hải cảnh CCG-3401 sắp hoạt động tuần tra ở biển Đông - Ảnh: SOA

Ngày 11.1, tờ South China Morning Post dẫn lời bà Lâm Vân, Giám đốc Ban Pháp chế thuộc Sở Thủy sản và hải dương tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), thừa nhận chưa có sự rõ ràng trong cách Bắc Kinh xác lập “vùng biển thuộc quyền tài phán của Hải Nam”. Bà Lâm nói rõ: “Chưa bao giờ có một biên giới rõ ràng vạch ra vùng biển thuộc quyền tài phán của Hải Nam. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội - NV) chưa bao giờ xác định một biên giới như vậy và đại biểu nhân dân Hải Nam không có quyền làm điều đó”. Vậy mà chính quyền Hải Nam vẫn ngang nhiên thông qua quy định cấm đánh bắt tại vùng biển rộng khoảng 2 triệu km2, chiếm gần 2/3 diện tích biển Đông mà họ cho là “thuộc quyền tài phán” của mình.

Theo quy định có hiệu lực từ ngày 1.1.2014, tất cả tàu nước ngoài phải xin phép chính quyền sở tại nếu muốn đánh bắt ở vùng biển trên, nếu không sẽ bị trục xuất, tịch thu thiết bị đánh bắt và có thể bị phạt lên tới 500.000 nhân dân tệ (hơn 1,7 tỉ đồng). Theo bà Lâm, tàu tuần tra của Hải Nam sắp tới sẽ hoạt động theo bản đồ đường lưỡi bò, một yêu sách phi lý và không có căn cứ khác của Trung Quốc.

Quy định ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế nói trên lập tức bị Việt Nam, Philippines lẫn Mỹ phản đối mạnh mẽ. Càng gây thêm lo ngại và khiến tình hình thêm phức tạp là quyết định ngày 10.1 của Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc (SOA) trang bị thêm tàu tuần tra mới hoạt động tại biển Đông.

Theo Tân Hoa xã, tàu hải cảnh mới mang số hiệu CCG-3401 “sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sự quản lý của Trung Quốc về những vùng biển thuộc chủ quyền của mình”. Tất cả các động thái trên cho thấy rõ ý đồ của Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông và có thể sẽ ảnh hưởng tới đàm phán sắp tới giữa ASEAN với nước này về Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Hội thảo quốc tế chỉ trích Trung Quốc chiếm Hoàng Sa

Ngày 10.1, tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề “Vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc, những thách thức hàng hải mới đối với châu Á - Thái Bình Dương và cấu trúc an ninh biển Đông” với sự tham gia của nhiều học giả quốc tế.

Một số diễn giả chỉ trích mạnh mẽ hành động tấn công, chiếm đóng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Các chuyên gia còn lên án việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực tại biển Đông, biển Hoa Đông nhằm thay đổi hiện trạng. Ngoài ra, hội thảo cũng cho rằng việc Trung Quốc đơn phương lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013 sẽ tác động đến cân bằng chiến lược tại châu Á sau này. 

Theo TTXVN

Văn Khoa

>> Trung Quốc tăng cường tàu tuần tra biển Đông
>> Bác chỉ trích của Mỹ, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố sở hữu hầu hết biển Đông
>> Philippines lên án lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông của Trung Quốc
>> Mỹ lên án lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở biển Đông
>> Áp đặt lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông: Trung Quốc sẽ không tránh khỏi một phiên tòa bắt buộc
>> Mỹ theo dõi tàu sân bay Trung Quốc trên biển Đông
>> Trung Quốc 'ra lệnh cấm phi lý trên biển Đông
>> Tình hình biển Đông sẽ khó đoán

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.