|
Không để doanh nghiệp chết lâm sàng chết luôn
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận xét, khó khăn của các doanh nghiệp (DN) thời gian qua đến từ cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan là do DN hoạt động dàn trải, không tập trung năng lực vào lĩnh vực cốt lõi. Nhiều DN chạy theo mục tiêu tăng trưởng nên mở rộng đầu tư ồ ạt mà không tiên đoán được những biến động có thể xảy ra của thị trường. Khách quan là khó khăn chung của nền kinh tế. Như các DN vật liệu xây dựng bị tác động dây chuyền khi thị trường bất động sản đóng băng, ngành xây dựng bị đình trệ… Vì vậy, ngoài nỗ lực của DN, không thể thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan liên quan.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích, xét về vĩ mô, các chính sách điều hành kinh tế không ổn định trong thời gian qua đã gây khó cho các DN, kể cả những đơn vị đã có lịch sử hoạt động tốt trong thời gian dài trước đây. Không thể tiếp tục kéo dài tình trạng này mà Chính phủ nên nghiên cứu đưa ra những chính sách riêng cho những DN đó. Ví dụ, nên thành lập một bộ phận chuyên trách tại một ngân hàng của nhà nước như Ngân hàng Phát triển để giải quyết nhanh chóng cho những DN chỉ gặp khó khăn trong một giai đoạn nhất định. Chẳng hạn cho các ngân hàng bán nợ xấu của những DN này cho Công ty quản lý và khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để các DN này tiếp cận nhanh với vốn vay mới để tiếp tục hoạt động. “Không thể để các DN đang chết lâm sàng bị chết luôn mà giải quyết ngay lập tức. Lãi suất đã giảm thấp nhưng DN không vay được thì cả DN cùng chết và ngân hàng không cho vay được cũng chết. Bản thân các DN phải có kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn để trình bày với đơn vị chuyên trách nói trên để có hướng khắc phục và được hỗ trợ đúng ngay vấn đề cần thiết. Tôi nghĩ như vậy mới có thể hỗ trợ DN hiệu quả nhất”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.
Giải quyết nợ đọng cho doanh nghiệp
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Cao Sĩ Kiêm cho rằng ngoài việc bản thân DN tự nỗ lực để khắc phục khó khăn, Chính phủ cần tập trung thực hiện ngay những giải pháp trước mắt để tạo môi trường ổn định, hỗ trợ DN phát triển hơn. Cần có đánh giá về thực trạng của các DN, bao gồm cả tài chính, quản trị, năng lực sản xuất... để từ đó mới có những quyết sách phù hợp.
Bên cạnh đó tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng như nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản để hỗ trợ nguồn vốn quay vòng cho các DN. “Chẳng hạn với con số nợ đọng xây dựng cơ bản lên gần 100.000 tỉ đồng tính đến hết năm 2013 thì Chính phủ cần giải quyết ngay và trả nợ cho DN. Có như vậy các DN mới có tiền để trả nợ, trả lương cho công nhân và tiếp tục thực hiện những dự án mới. Từ đó sẽ góp phần kích cầu cho những ngành có liên quan đến xây dựng”, ông Cao Sĩ Kiêm nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, bản thân mỗi DN có những khó khăn không giống nhau nên phải có phương án riêng để thoát khỏi khó khăn. Về phía Chính phủ đã đến lúc cần có cơ chế cụ thể để xử lý những trường hợp riêng biệt. Ví dụ, lãi suất cho vay được công bố của các ngân hàng đã giảm mạnh về mức những năm 2005 - 2006 nhưng nhiều DN cho biết họ vẫn phải vay với lãi suất cao hơn nhiều. Vậy phải xử lý những trường hợp này như thế nào? Có nên xem xét lại vì sao những chính sách kích cầu trước đây không đạt hiệu quả? Hiện tại là chương trình kích cầu bất động sản trị giá 30.000 tỉ đồng cũng không thực hiện được…
Còn theo một DN lớn tại TP.HCM, công tác dự báo thị trường, xu hướng phát triển của kinh tế trong và ngoài nước thời gian qua của các DN còn yếu kém nên luôn bị động. Từ đó khiến cho việc xây dựng kế hoạch kinh doanh không phù hợp. Điều này do năng lực của DN yếu kém nhưng một phần cũng thiếu những dự báo đầy đủ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, trong thời gian tới nhà nước cần quan tâm hơn đến việc xây dựng các báo cáo đánh giá kinh tế trong và ngoài nước chi tiết hơn và công bố rộng rãi để DN tham khảo.
Cứu doanh nghiệp là cứu ngân hàng Trong thời gian qua, các ngân hàng chủ nợ của Tập đoàn gỗ Trường Thành (TTF) cũng đã phải ngồi lại để cùng nhau thống nhất gia hạn trả nợ cho đơn vị này thêm 1 năm nữa (đến gần cuối năm 2014). Đồng thời một ngân hàng cũng là cổ đông lớn phải đứng ra bảo lãnh để TTF được giải chấp số lượng hàng tồn kho (hàng tồn kho này đã được thế chấp cho ngân hàng vay tiền trước đó) để mang ra bán thu tiền về. Ngoài ra, TTF còn dự kiến phát hành cổ phiếu cho một số cổ đông chiến lược để huy động vốn hoạt động, giảm sử dụng vốn vay… Theo ông Võ Trường Thành, bản thân các ngân hàng nếu không đồng hành và gia hạn nợ cho TTF thì doanh nghiệp sẽ càng khó khăn và ngân hàng cũng không thể thu hồi được nợ vay. Như vậy cứu TTF cũng đồng nghĩa với việc cứu ngân hàng khỏi bị nợ xấu, bị thua lỗ. |
Mai Phương
>> Bán 17 triệu cổ phần của 3 doanh nghiệp nhà nước
>> Số doanh nghiệp có lãi tăng lên
>> Doanh nghiệp IT Thái muốn thu hút nhân sự VN
>> Hàng loạt doanh nghiệp hủy niêm yết
Bình luận (0)