Gian nan dạy con học

17/01/2014 03:00 GMT+7

Anh chị có cậu con trai đang học lớp 1, vừa trải qua kỳ thi học kỳ đầu tiên trong đời học vấn. Chị than thở rằng, dạy con học đúng là “lao động khổ sai”!

 
Minh họa: Dad

Trẻ mới bước vào năm đầu tiên của hành trình học vấn còn bỡ ngỡ, ngơ ngác đủ điều. Nhiều gia đình “đi tắt đón đầu” cho con đi học trước hàng năm để khi vào học chính thức con bắt kịp được chương trình. Còn các gia đình khác tuân thủ quy định của ngành giáo dục cứ để con vào lớp 1 mới bắt đầu tiếp thu kiến thức. Anh chị cũng vậy.

Cả nhà học lớp 1 

Thằng bé con vốn nhút nhát, bỗng nhiên bước vào một môi trường mới, gặp bao nhiêu là người lạ, lại còn phải “đánh vật” với những con số, con chữ cũng lạ hoắc nốt! Bao nhiêu là thứ “đổ ào” vào tâm trí còn non nớt, yếu ớt nên thằng bé loay ha loay hoay mãi chưa làm quen được với các con số, chữ cái. Cô giáo thì cứ dạy hết thời gian chính khóa, một mình khó mà kiểm soát được hết mấy chục cháu trong lớp nên sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình được phát huy. Cô giáo nhắn tin qua sổ liên lạc điện thoại cho các phụ huynh tích cực kèm cặp con học buổi tối, hướng dẫn con làm các bài tập cô giao về nhà.

Thế là tối nào cũng như tối nào, cả bố mẹ con cái cùng tham gia vào “hành trình chinh phục tri thức”. Mới đầu bố rất nhẹ nhàng, mẹ rất dịu dàng, nhưng thằng bé, lúc thì học mãi không nhớ, lúc thì nhớ trước quên sau… khiến bố mẹ nó bắt đầu cáu tiết lên. Giọng bố tăng dần âm lượng, tay mẹ lăm lăm cái que huơ huơ dọa nạt… càng làm thằng bé mất bình tĩnh, chữ nọ xọ sang chữ kia, phép tính cộng lại nhầm thành phép tính trừ! Thế là ôi thôi, cái nhà như một sân khấu tuồng!

Trước khi thi học kỳ, ngoài các bài tập trong sách giáo khoa, cô giáo cho in thêm những tờ phiếu bài tập về nhà gồm cả bài tập về toán và tiếng Việt để các con ôn thi. Thời kỳ này các cháu đang phải học phân biệt các chữ cái: l cao, n thấp, tr nặng, ch nhẹ… phân biệt vần uông với uôn, vần ương với ươn… Trong phiếu cô giáo ra những bài tập dạng:

Điền vào chỗ ba chấm chữ l hay chữ n: mũ ...an, ...á dong hoặc:

Một cây ...àm chẳng ...ên ...on

Ba cây chụm ...ại ...ên hòn ...úi cao

Điền vào chỗ ba chấm vần uông hay vần uôn, vần ương hay vần ươn: kh… khổ, ng… gốc hoặc:

Cá không ăn muối cá …

Con c… cha mẹ trăm đ… con hư

Chả phải đến thằng bé con mà bố mẹ nó đọc xong những dòng chữ này đã thấy hoa cả mắt, hai cái đầu chụm vào tờ phiếu săm soi, chỉ trỏ. Khốn nỗi, dạng bài này nhất định phải là phụ huynh đọc và hướng dẫn con làm chứ học sinh lớp 1 mới đang ê a đánh vần, ghép chữ; chữ biết, chữ không; làm sao nó đọc được những vần, những chữ vừa khó lại vừa thiếu ký tự, thêm nữa ý nghĩa của những từ ngữ, câu cú đó nó lại càng không tài nào hiểu nổi! Thế nào là cá ươn, non nghĩa là gì, cưỡng là nghĩa làm sao? Thế thì nó làm sao mà biết cho chữ l vào chỗ nào, để vần uôn vào đâu? Câu trả lời là bố mẹ nó phải chỉ cho nó chỗ nào cần điền chữ gì! Tóm lại là cứ sau bữa tối là cả gia đình cùng học lớp 1!

Ba mẹ không bằng học sinh lớp 5 

Lại có gia đình con gái học lớp 5, đề toán cô giao về nhà khó quá, con hỏi mẹ, mẹ đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui rồi quay sang hỏi bố, bố nhíu mày, bóp trán một lúc lại quay về hỏi con: “Thế dạng toán này ở lớp cô giảng thế nào? Con cứ dựa vào bài mẫu cô giảng trên lớp áp dụng để giải bài này là đúng đấy!”. Và cuối cùng cô bé con lại quay số điện thoại nhà bạn cùng lớp để cùng chung sức làm bài tập.

Vẫn biết việc giáo dục con trẻ cần sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình, nhưng với trình độ giáo dục hiện nay có sự chênh lệch khá lớn so với hơn hai chục năm trước thì quả là “làm khó” cho một số không nhỏ phụ huynh thời nay, nhất là trình độ học vấn của các bậc phụ huynh cũng chia thành nhiều “cung bậc”.

Bùi Thúy Hạnh

>> Dạy con như uốn cây
>> Mẹ trẻ hồn nhiên dạy con hư
>> “Dạy” con ích kỷ
>> Dạy con lòng vị tha
>> Dạy con về tiền bạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.