Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 7: Mùa xuân tủi hận

16/01/2014 16:30 GMT+7

(TNO) 40 năm đã trôi qua, những người lính có mặt trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 giờ cũng đều bước qua mùa xuân 60 của cuộc đời, nhưng với họ, mùa xuân tủi hận 1974 vẫn luôn in dấu trong lòng bởi lẽ không chỉ mất chủ quyền đảo thiêng Hoàng Sa mà họ còn bị cầm tù cách quê nhà hàng ngàn cây số.

Chuyên đề: 40 năm hải chiến Hoàng Sa


Ông Trần Văn Hảo không nguôi ký ức về trận hải chiến Hoàng Sa - Ảnh: Nguyễn Tú

Trận mưa bom ngày giáp Tết

Người cao tuổi nhất còn minh mẫn trong số những nhân chứng có mặt ở Hoàng Sa trong sự kiện Trung Quốc cướp đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa ngày 19.1.1974 là ông Trần Văn Hảo (sinh năm 1938, trú tổ 42 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Ông Hảo quê quán xã Xuyên Mỹ, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ông ra Đà Nẵng và trở thành địa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Nam, Biệt khu Quảng Đà, Vùng 1 chiến thuật, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Tháng 1.1974, ông cùng 37 người trong trung đội địa phương quân nhận Sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam vào biên chế trung đội Hoàng Sa ra giữ đảo với thời hạn 6 tháng.

Có mặt cùng ông Hảo giây phút mất quần đảo máu thịt đau thương đó còn có người lính công binh Nguyễn Văn Cúc, sinh năm 1952, sống ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

 Ông Nguyễn Văn Cúc kể lại một thời Hoàng Sa  - Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Nguyễn Văn Cúc kể lại một thời Hoàng Sa  - Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Cúc nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 812, Tiểu đoàn 81 công binh kiến tạo, Quân đoàn 1, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa khoảng đầu thập niên 1970. Duyên nợ của ông Cúc với Hoàng Sa là do ông chính nòi ngư dân, thông thạo biển cả, lại có bằng lái tàu nên khi đơn vị nhận nhiệm vụ đi khảo sát và xây dựng bể chứa nước ngọt trong 6 tháng đầu năm 1973 thì tên ông nằm đầu sổ.

Tháng 1.1974, đội công binh của trung sĩ Cúc cùng một cố vấn người Mỹ ra Hoàng Sa khảo sát khả năng xây dựng sân bay.

Lần thứ 3 cũng chính là lần cuối cùng trung sĩ Cúc được đặt chân lên mảnh đất này. Ông Cúc nhớ như in sau khi lấy 4 mẫu đất ở 4 góc đảo Hoàng Sa (mỗi mẫu 5 bao) để mang vào đất liền phân tích, đội của ông ngủ lại đảo một ngày sau đó lên tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) về đất liền.

Tuy nhiên, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt chưa kịp rời đảo thì tàu chiến Trung Quốc đã xuất hiện, chạy vào phía nam đảo Hoàng Sa.

“HQ-16 ủi chặn đường tàu chiến Trung Quốc đang có ý đồ xâm lược, 2 bên kè nhau giằng co một ngày thì tàu Lý Thường Kiệt xin lệnh gọi chi viện, đến tối thì tàu Trung Quốc rút. Tuy nhiên, sau đó HQ-16 báo động phía Trung Quốc có tàu săn ngầm, máy bay, thấy tình thế nguy hiểm nên Bộ Tư lệnh Hải quân yêu cầu 6 người gồm tôi, trung úy Hà, thiếu tá Hồng, 2 lính công binh và 1 ông cố vấn người Mỹ xuống xuồng lúc 0 giờ sáng để vào lại Hoàng Sa, chủ yếu để bảo vệ ông cố vấn người Mỹ”, ông Cúc nhớ lại.

  Tàu cá có vũ trang của Trung Quốc khiêu khích chiến hạm Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tháng 1.1974 - Ảnh tư liệu chụp lại từ Kỷ yếu Hoàng Sa
 Tàu cá có vũ trang của Trung Quốc khiêu khích chiến hạm Quân lực Việt Nam Cộng Hòa
tháng 1.1974 - Ảnh tư liệu chụp lại từ Kỷ yếu Hoàng Sa

Đội ông Cúc chèo xuồng đến rạng sáng mới vào được đảo, ông Cúc leo lên dãy nhà địa phương quân dùng ống nhòm quan sát thì thấy tàu chiến Trung Quốc bắt đầu nã pháo vào đảo, yểm trợ cho lính đổ bộ.

Ông Cúc không rõ số lượng nhưng ông nhớ như in lính Trung Quốc bao vây gần hết một nửa đảo.

Suốt 2 tiếng đồng hồ, ông Cúc cùng các đồng đội nấp dưới hầm. Hỏa lực tàu Trung Quốc bắn phá rất ác liệt, trong khi địa phương quân bảo vệ Hoàng Sa hỏa lực quá yếu không thể chống trả.

Ông Cúc cùng thiếu tá Hồng đào hố cát ẩn nấp định chờ trời tối trở lại xuồng tìm đường thoát, đến 17 giờ chiều cùng ngày thì bị lính Trung Quốc phát hiện.

Hai ông là những người bị bắt cuối cùng, tất cả bị nhốt một đêm tại Hoàng Sa đến rạng sáng 20.1 thì bị đưa về đảo Hải Nam.

“Ngày 23.1.1974, phía Trung Quốc đưa chúng tôi vào đất liền là đúng mùng 1 tết”, ông Cúc kể.

Xuân tha phương

“Cảm giác đau đớn và xót xa khi thấy mảnh đất của Việt Nam rơi vào tay kẻ khác xen lẫn cảm giác hờn tủi khi tết mà phải xa quê hương, vợ con, tất cả tạo thành nỗi niềm chua xót”, ông Cúc nhớ lại.

Ông bị thương nặng ở chân, nên sau một tháng, ông là một trong 5 người, trong đó có cố vấn người Mỹ, được trao trả về Việt Nam.

 Ông Nguyễn Văn Cúc (bên trái) và đồng đội tại Hoàng Sa 1974 - Ảnh do ông Cúc cung cấp
Ông Nguyễn Văn Cúc (bên trái) và đồng đội tại Hoàng Sa 1974 - Ảnh do ông Cúc cung cấp

Còn ông Trần Văn Hảo thì nhớ lại, nỗi tủi hận lớn nhất trong suốt thời gian 3 tháng bị giam cầm ở Trung Quốc là các tù binh tuyệt đối không được nói tiếng Việt.

“Tụi lính Trung Quốc có hai quy định bắt buộc, một là bắt chúng tôi ăn hết không được chừa thức ăn lại, hai là cấm chúng tôi nói tiếng Việt vì sợ chúng tôi chửi chúng nó”, ông Hảo nói.

Còn ông Cúc thì nhớ lính Trung Quốc suốt ngày tuyên truyền với tù binh Việt Nam nội dung quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc bị Việt Nam chiếm, nhưng những người lính Việt Nam phản đối quyết liệt, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa còn chính Trung Quốc mới là kẻ xâm chiếm.

Nguyễn Tú

>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 2: Hành quân giữ đảo
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 3: Tương quan lực lượng
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 4: Nổ súng chống giặc
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 5: Bỏ mình vì nước
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.