Ngày 16.1, ông N.V.N (ngụ Q.1, TP.HCM) đã đến tòa soạn Báo Thanh Niên gửi đơn tố cáo một nhóm người lạ gọi đến điện thoại bàn của nhà ông tự xưng là tổng đài VNPT, công an, Viện KSND hù dọa chủ thuê bao nợ tiền cước, dính líu pháp luật, bỏ tù nếu không chuyển tiền cho chúng.
>> Chiêu lừa đảo mới qua điện thoại
|
Ở tù nếu không chuyển tiền
Theo đó, khoảng 13 giờ ngày 13.1.2014, nạn nhân nhận được điện thoại (ĐT) bàn thông báo ông đang sử dụng thuê bao số ĐTDĐ 091693968... nợ tiền cước hơn 8,9 triệu đồng, nếu không thanh toán sẽ bị truy tố. Chưa dứt lời, người kia buông lời xoa dịu: “Quý khách thắc mắc xin bấm tiếp số 9 gặp tổng đài VNPT xác minh”. Lập tức, ông N. bấm số 9 và có người tự xưng là tổng đài VNPT, xác nhận nội dung trên. Thậm chí, “tổng đài” còn đọc chính xác họ tên, số CMND của ông N. khiến ông tin đó là sự thật. Chưa hết, người này chuyển máy cho nạn nhân gặp “Công an TP.Hà Nội”, rồi một người đàn ông tự xưng là điều tra viên, tiết lộ rằng ông N. đang liên quan một vụ án ngân hàng ở Hà Nội. Tài khoản ngân hàng của ông được dùng để chuyển tiền cho đường dây buôn lậu quốc tế… “Điều tra viên” yêu cầu ông N. thành khẩn khai báo toàn bộ tài sản hiện có (2 lượng vàng - PV). Nói đến đây, ông N. lại được gặp cả đại diện của “Viện KSND Hà Nội” để xét hỏi tiếp. Sau đó, ông N. bị dọa sẽ ở tù nếu không bán 2 lượng vàng rồi chuyển tiền mặt vào tài khoản của “bà viện trưởng” mang tên Ngô Thị Mỹ Tiên để “phục vụ công tác điều tra”. Ông N. được hứa hẹn rằng sau khi “chuyên án” kết thúc, “ban chuyên án” sẽ trả lại số tiền trên. Đến 15 giờ 30 cùng ngày, ông N. mang 2 lượng vàng bán được hơn 70 triệu đồng, chuyển hết vào tài khoản trên.
“Chúng đóng kịch rất giỏi và dùng lời lẽ, ngôn từ giống hệt cơ quan tố tụng. Chúng liên tục đe dọa gây áp lực để cho mình không còn tỉnh táo. Khi bình tĩnh lại thì tiền đã chuyển cho chúng và đã bốc hơi” - ông N. bức xúc.
“Hù” dính đường dây ma túy xuyên Việt
Tương tự, theo lời trình bày của ông Lê Văn H. (45 tuổi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), trưa 24.12.2013, ông nhận cuộc ĐT thông báo mình đã vay 39 triệu đồng của một ngân hàng ở Hà Nội nhưng chưa trả. Vì thế, ngân hàng đang kiện ông ra tòa về tội chiếm đoạt tài sản. Người thông báo cũng bảo ông H. bấm phím số 9 và rồi được người khác tiếp chuyện.
“Bất ngờ vì thông tin cá nhân của tôi, người này biết chính xác 100%. Họ nói tôi liên quan đến vụ vay tiền có thể bị bỏ tù. Sau đó, họ hướng dẫn tôi bấm số 113 gặp cảnh sát thụ lý hồ sơ, thông tin chi tiết hơn”, ông H. chưa hết bàng hoàng kể. Lập tức, ông H. bấm số 113 gặp người đàn ông tự xưng là công an đang thụ lý vụ việc. “Người này buộc tôi phải khai báo đầy đủ những câu hỏi để anh ta ghi âm làm bằng chứng trước tòa; đồng thời yêu cầu tôi tắt tất cả các thiết bị điện tử, ĐTDĐ, internet... không cho phép người nào đứng bên cạnh để nghe, nếu có người thứ ba biết chuyện thì sẽ bị phạt tù từ 7 - 8 năm vì đây là thông tin bí mật nên không thể tiết lộ cho ai biết”, ông H. nhớ lại. Ngoài ra, ông H. cũng bị yêu cầu phải khai rõ trị giá tài sản của gia đình. Chưa dừng lại ở đó, nạn nhân còn bị cho là liên quan đến đường dây buôn ma túy nên phải nộp 50 triệu đồng cho tòa án để được bảo lãnh tại ngoại. “Sau khi điều tra nếu tôi trong sạch thì sẽ trả lại tiền. Nếu không nộp số tiền trên, trong vòng 24 giờ sẽ bị bắt tạm giam để điều tra”, ông H. kể tiếp. Sau đó, bọn chúng cho ông H. số tài khoản để chuyển tiền. Tuy nhiên, ông H. không có tiền nộp nhưng không thấy chúng gọi lại...
Khá giống các trường hợp trên, anh Trịnh Quốc L. (32 tuổi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), kể: Khoảng 10 giờ ngày 3.1.2014, anh cũng nhận được ĐT bàn gọi đến, người đầu dây bên kia giới thiệu đang công tác ở TAND H.Thống Nhất (Đồng Nai). Người này thông báo cho anh L. biết anh đang bị truy tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chống đối người thi hành pháp luật... cũng do vay mượn tiền ngân hàng. Do am hiểu pháp luật, anh L. cự lại rồi người lạ cúp máy luôn.
Một cán bộ của Công an TP.HCM khẳng định: “Đây là trò lừa đảo qua ĐT, na ná như thủ đoạn của nhóm người nước ngoài lưu trú Việt Nam gọi ra nước ngoài tự xưng là cơ quan công an, viện KSND, tòa án, ngân hàng và đề nghị chủ tài khoản cung cấp tài khoản ngân hàng do đang bị tin tặc tấn công... Theo quy định ngành, Cảnh sát 113 không có thẩm quyền thụ lý điều tra vụ án”.
Tội phạm có thể sử dụng công nghệ cao Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Công ty Bkav, kẻ gian có thể sử dụng một tổng đài loại nhỏ để can thiệp vào đường dây ĐT cố định của nạn nhân. Cụ thể đường dây của nạn nhân có thể đã bị cắt và nối qua tổng đài của kẻ xấu như một trạm trung gian. Tổng đài trung gian này có khả năng được thiết lập chế độ để các cuộc gọi đi gọi đến hoàn toàn bình thường nhưng nếu gọi đến một số ĐT mà chúng định sẵn (ở đây là số 113) thì sẽ chuyển đến một số máy khác để đánh lừa nạn nhân là đang nói chuyện với Cảnh sát 113. Theo ông Ngô Tuấn Anh, hiện các loại tổng đài loại nhỏ này có thể dễ dàng kiếm được trên thị trường với mức giá chỉ vài triệu đồng. Chiều 16.1, PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo bộ phận truyền thông Tập đoàn VNPT, nhưng vị này cho biết sẽ xác minh thông tin rồi trả lời sau. T.Sơn |
Đàm Huy - Gia Khánh - Lê Bình
>> Bắt 8 nghi can lừa đảo qua mạng
>> Lập công ty 'ma' để lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế
>> Khởi tố vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền nhiều ngân hàng
>> Video: Bộ Công an triệt phá tội phạm công nghệ cao
Bình luận (0)