(TNO) Sau phần tranh luận của đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa với các lý luận của luật sư, hôm nay 21.1, luật sư và công tố viên tiếp tục tranh luận.
|
Theo đó, các luật sư Vũ Viết Vạn Xuân (bảo vệ quyền lợi cho Công ty An Lộc), Đặng Ngọc Châu (bảo vệ quyền lợi cho Công ty Toàn Cầu) đã đưa ra những bằng chứng pháp lý khẳng định tiền gửi từ các doanh nghiệp này vào Vietinbank là hợp pháp, Vietinbank phải có trách nhiệm.
"Chúng ta cứ loay hoay với câu hỏi "trách nhiệm của ai?" và Viện Kiểm sát đã khiên cưỡng lý luận cho rằng, khách hàng phải chịu trách nhiệm. Không có quy định nào nói hợp đồng không ký ở trụ sở là không có hiệu lực”, luật sư Xuân nói.
“Sáng nay, tôi đi ngang Vietinbank thấy ghi câu khẩu hiệu “Nâng cao giá trị cuộc sống” nhưng nếu Vietinbank không chịu trách nhiệm với tiền gửi của khách hàng thì câu này nên đổi lại thành “Nâng cao cảnh giác khi gửi tiền ở ngân hàng”, luật sư Xuân nói.
Trong khi đó, luật sư Đặng Ngọc Châu cho rằng, Viện Kiểm sát đã vơ đũa cả nắm vì trường hợp thân chủ của ông “không tham lãi suất cao” và lãi suất 14%/năm vẫn chưa nhận được.
Vietinbank thay đổi nội dung trên web để tránh trách nhiệm?
Luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Navibank) nói, Viện Kiểm sát cho rằng Vietinbank không có quy định đến tận nơi phục vụ cá nhân gửi tiền và Navibank giao dịch ngoài luồng, không đến địa điểm giao dịch dẫn đến hậu quả rủi ro lớn. Nhưng trên trang web của VietinBank sáng 21.1.2014 có 15 sản phẩm tiền gửi các loại dành cho khách hàng cá nhân, trong đó khách hàng đều được hưởng lợi ích là: “Được cung cấp dịch vụ thu/chi tiền gửi tiết kiệm tại nhà, nếu có nhu cầu”.
Còn lập luận “các hợp đồng gửi tiền tại Vietinbank là thật với Navibank, giả với Vietinbank” của đại diện Viện Kiểm sát, luật sư Đức cho rằng, đây là cách đánh tráo khái niệm, phần tiền gửi gốc và lãi suất 14%/năm là thật 100% với cả hai bên.
Ngoài ra, luật sư Đức còn viện dẫn, phản bác các lập luận khác của đại diện Viện Kiểm sát.
Cụ thể, đại điện Viện Kiểm sát cho rằng, Navibank không có chứng cứ xác nhận đã giao tiền cho VietinBank trong khi nguồn tiền này đã và đang được VietinBank quản lý trong hệ thống tài khoản, sổ sách kế toán chính thức của VietinBank.
Quan điểm “khách hàng không giữ thẻ tiết kiệm, không quản lý số tiền, không biết tự bảo vệ tài sản của mình là nguyên nhân bị Như chiếm đoạt” của Viện Kiểm sát được luật sư Đức đánh giá là “sai lầm đặc biệt nghiêm trọng về pháp lý, trái hoàn toàn với thực tế và ngược với bản chất sự việc” với nhiều dẫn chứng.
Theo luật sư Đức, Viện Kiểm sát đã quên vấn đề cốt lõi là VietinBank đã rút tiền, chuyển tiền bất hợp pháp khỏi tài khoản tiền gửi của khách hàng mới là yếu tố quyết định việc mất tiền, bị chiếm đoạt.
Luật sư Đức nói: “Tôi xin khẳng định lại rằng, ngân hàng có trách nhiệm quản lý đồng thời cả tiền mặt và số dư tài khoản. Nếu ngân hàng không quản lý số dư tài khoản, thì chỉ còn quản lý cái vỏ tài khoản không có tiền. Ngày 16.1.2014, trang web của VietinBank quảng bá “Tiền trên tài khoản của quý khách sẽ được VietinBank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”. Nhưng sau đó, đoạn này đã được sửa thành “Tiền trên tài khoản của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật”. Tức là đã bỏ hai từ “quản lý” và “chính xác”. Tức VietinBank khẳng định chính thức từ nay trở đi không có trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng. Trong vụ này, không ai biết trước Như lừa đảo, nhưng trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất phải là VietinBank. Đối với những người bị thiệt hại, Như là đại diện hợp pháp của VietinBank. Đối với VietinBank, thì Như là cán bộ quản lý chính thức của họ. Chỉ từ khi Như vào ngồi tù, thì VietinBank mới không phải chịu trách nhiệm về giao dịch của Như mà thôi”.
Về việc tại sao đặt ra trách nhiệm đối với VietinBank, luật sư Đức cho rằng, vì gửi tiền vào ngân hàng, là được bảo hiểm theo Luật Bảo hiểm tiền gửi; vì gửi tiền vào ngân hàng, là nhập tiền vào hệ thống tài khoản, nhập vào hệ thống lõi của ngân hàng, hàng trăm ngàn tỉ cũng thế không sai lệnh dù chỉ một đồng; vì gửi tiền vào ngân hàng, là pháp nhân ngân hàng phải chịu trách nhiệm về an toàn tiền gửi, chính nhân viên ngân hàng sai trái thì pháp nhân càng phải chịu trách nhiệm; vì gửi tiền vào ngân hàng, là gửi vào nơi an toàn nhất mà kho tiền của ngân hàng là bí mật nhà nước. Kho tiền của ngân hàng gồm ít nhất hai lần cửa, với ba người khác nhau giữ chìa khóa.
Luật sư Đức cho rằng, suốt 20 năm làm cán bộ quản lý từ cấp trung đến cấp cao của mấy ngân hàng nhưng cũng chưa bao giờ được phép vào kho tiền của ngân hàng.
|
Không thể nói tham quá mà không chứng minh gì cả
Trong ngày hôm nay, luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ cho ACB và bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Lành) cũng có phần tranh luận rất dài với Viện Kiểm sát.
Trong phần đối đáp của Viện Kiểm sát, luật sư Tám nói, ông thấy hoàn toàn chưa thỏa đáng.
Tại phiên tòa, có rất nhiều vấn đề được luật sư và người đại diện của ACB phát biểu nhưng chưa được Viện Kiểm sát đề cập trong phần đối đáp.
“Các nội dung đối đáp của Cơ quan công tố gần như chỉ lặp lại các vấn đề đã nêu trong bản luận tội và chỉ thay đổi một vài chi tiết cho phù hợp tính chất của việc đối đáp. Có nhiều nội dung đối đáp của Cơ quan công tố hầu như không theo kịp diễn biến phiên tòa, không cập nhật, bổ sung các tình tiết mới phát sinh ngay tại phiên tòa, mà theo chúng tôi, với các tình tiết mới này có thể làm thay đổi bản chất của vụ án. Công tố không thể nói bị hại vì tham lãi suất để mất tiền mà không chứng minh gì cả. Vì vậy, trách nhiệm chứng minh tội phạm và xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ theo quy định tại điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa được Cơ quan công tố thực hiện một cách đầy đủ”, luật sư Tám nói.
Mặt khác, theo luật sư Tám, có rất nhiều chứng cứ đã được Cơ quan công tố sử dụng trong phần đối đáp nhưng chưa hề được đưa ra xem xét, đánh giá công khai tại phiên tòa này. Điều này vi phạm khoản 1, điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
“Theo chúng tôi, đối với các chứng cứ chưa được thẩm tra, đánh giá tại tòa, không đảm bảo tính khách quan của chứng cứ, nên các chứng cứ này không có giá trị chứng minh. Vì theo khoản 1 điều 184 Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định: “Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa”, luật sư Tám lập luận.
Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát viện dẫn lời khai của lãnh đạo và 19 nhân viên ACB làm chứng cứ nhưng những người này không có mặt ở tòa để thẩm vấn, chưa ai được nghe lời khai của 19 nhân viên này theo quy định tại điều 210 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Luật sư Tám nhắc lại, ngay trong phần thủ tục luật sư có đề nghị HĐXX cho triệu tập các ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang đến tòa để nghe lời khai của các ông này theo điều 210 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng đến nay không hỏi được các ông này do không có mặt họ tại tòa.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn hỏi 19 nhân viên ACB để xác định sự thật khách quan của sự việc, nhưng không xét hỏi được. Tòa cũng không công bố lời khai của những người này trong giai đoạn xét hỏi tại tòa theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 208 Bộ luật Tố tụng Hình sự nên đây không thể được xem là chứng cứ", luật sư Tám nói.
Luật sư Tám còn phản biện ý kiến “hợp đồng này chỉ thật với ACB nhưng giả với Vietinbank” của vị công tố vì không thể có chuyện thật giả lẫn lộn như thế khi người ký hợp đồng là người thật với chức danh Phó giám đốc Vietinbank, con dấu thật và tiền ACB chuyển vào ngân hàng cũng là tiền thật. Và nếu lập luận như Cơ quan công tố, khi khách hàng gửi tiền vào Vietinbank sẽ gặp rủi ro rất lớn, không ai biết chứng từ thật, tài khoản thật, rồi bất kỳ lúc nào, tự nhiên bị Vietinbank tuyên bố là các hợp đồng này là giả với Vietinbank.
Đặc biệt, tại tòa xuất hiện tình tiết mới, Vietinbank xác nhận một trong 19 nhân viên ACB gửi tiền tại Vietinbank còn hơn 950 triệu đồng nhưng Viện Kiểm sát không trừ số tiền này ra trong số tiền Huyền Như bị quy kết chiếm đoạt 718 tỉ đồng của ACB là truy tố oan cho Huyền Như.
Chiều cùng ngày, Viện Kiểm sát có phần tranh luận lại với bốn luật sư ở Hà Nội. Theo HĐXX, do cận tết, phương tiện đi lại có phần khó khăn nên HĐXX linh động cho các luật sư này được nghe phần tranh luận trước là tạo điều kiện cho luật sư làm việc.
Sau phần đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm tranh luận, các luật sư tiếp tục phản bác và cho rằng, đại diện Viện Kiểm sát không đưa ra chứng cứ nào mới ngoài các lập luận.
Ngày mai 22.1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Lê Quang
>> Vụ án Huyền Như: Viện KSND nói 'truy tố đúng người, đúng tội
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Giới đầu tư nước ngoài quan tâm đến phiên tòa
>> Xét xử đại án Huyền Như: Căng thẳng quanh trách nhiệm của Vietinbank
>> Xét xử ‘đại án’ Huyền Như: Nguyên đơn dân sự làm nóng phiên tòa
>> Xét xử đại án Huyền Như: Luật sư nói HĐXX vi phạm pháp luật
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Lời bào chữa ‘gai góc’ của các luật sư
Bình luận (0)