(TNO) Mở đầu ngày làm việc thứ 10 phiên tòa xét xử vụ "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như, Hội đồng xét xử thông báo đến lượt trình bày của nguyên đơn dân sự và những người liên quan.
|
Phát pháo đầu tiên là phần trình bày của đại diện Ngân hàng Á châu (ACB). Ông Lê Thanh Hải, đại diện theo ủy quyền của ACB, đã làm "nóng" phiên tòa và đến gần cuối bài phát biểu của ông này, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã “cắt” không cho ông Hải nói tiếp.
Theo ông Lê Thanh Hải, ACB luôn có quan điểm rõ ràng, nhất quán trong việc yêu cầu Ngân hàng CP Công thương Việt Nam (Vietinbank) phải trả số tiền là 718,908 tỉ đồng gốc và lãi phát sinh, chứ không đòi tiền Huỳnh Thị Huyền Như. Vì vậy, ông Hải tiếp tục đề nghị HĐXX đưa Vietinbank tham gia tố tụng với tư cách bị đơn dân sự.
Ông Hải còn đưa ra lập luận là quan hệ gửi tiền giữa ACB (đứng tên 19 cá nhân ACB) với Vietinbank là quan hệ hợp đồng hợp pháp, được ông Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (hai phó giám đốc Vietinbank TP.HCM) ký kết, đóng dấu thật của Vietinbank. Sau khi ACB chuyển tiền vào Vietinbank, đơn vị này đã hạch toán thành tài sản của mình, sao kê chi tiết tài khoản của các nhân viên ACB cũng thể hiện rõ việc này. Theo ông Hải, điều này tức là Huyền Như đã nhân danh Vietinbank huy động tiền cho Vietinbank.
Ông Hải dẫn chứng đơn cử trường hợp ông Phạm Công Hoàng (một trong 19 nhân viên ACB gửi tiền tại Vietinbank) gửi 26 tỉ đồng. Theo cáo trạng, Huyền Như đã giả chữ ký ông Hoàng thế chấp thẻ tiết kiệm mang tên ông Hoàng tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ để vay số tiền 25 tỉ đồng. Vietinbank cho rằng số tiền này chưa được chuyển vào Vietinbank nhưng ông Hoàng vẫn nhận được thư của Vietinbank xác nhận số dư tài khoản còn lại của ông Phạm Công Hoàng tính đến 31.12.2013 là 950 triệu đồng.
“Giấy xác nhận số dư này là bằng chứng (bên cạnh các sao kê chi tiết tài khoản mà ACB đã cung cấp) để bác bỏ luận điểm tiền gửi của các khách hàng trong vụ án Huyền Như chưa được chuyển vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank. Số tiền trong tài khoản còn lại (không bị Huyền Như chiếm đoạt, không bị ngân hàng trích thu hồi nợ bất hợp pháp) vẫn còn nguyên, vẫn được Vietinbank quản lý, trả lãi”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, hầu hết các khoản huy động lớn của Phòng giao dịch Điện Biên Phủ đều do Huyền Như (lúc đó là trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ) huy động. “Chẳng lẽ tất cả các khách hàng này cũng đều là Huyền Như huy động cho cá nhân chứ không phải cho Vietinbank? Đề nghị Vietinbank trả lời trong số các hợp đồng mà Vietinbank đang ký kết thì có bao nhiêu hợp đồng là của Vietinbank, bao nhiêu là do ai đó nhân danh Vietinbank huy động cho mục đích riêng. Hay đến khi bị mất tiền thì Vietinbank mới nói đó là hợp đồng nhân viên Vietinbank nhân danh cá nhân huy động?”, ông Hải đặt vấn đề.
|
Ông Hải cho rằng vụ án này vừa có dấu hiệu oan sai, vừa có dấu hiệu lọt tội, vừa có dấu hiệu bất bình đẳng. Cụ thể, bản cáo trạng không thể giải đáp được đó là Viện kiểm sát đang truy tố các bị cáo nguyên là cán bộ của Vietinbank về tội vi phạm các quy định về cho vay quy định (điều 179 Bộ luật hình sự) nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng khác (ACB, Navibank…). Cùng một hành vi là giả chữ ký, thế chấp giả, hồ sơ vay giả ở VIB thì VKS xác định là gây thiệt hại cho VIB nhưng khi thế chấp ở Vietinbank thì không xác định gây thiệt hại cho Vietinbank mà lại xác định là gây thiệt hại cho ngân hàng khác…
Đặc biệt, ông Hải nói trang 12 của kết luận điều tra có nêu: “Lãnh đạo Vietinbank được Như báo cáo về việc chi lãi suất trong hợp đồng là 14%, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 0,5%” nhưng chưa được điều tra làm rõ Vietinbank có chủ trương chi lãi suất vượt trần hay không? nguồn chi từ đâu, hạch toán thế nào? Nhiều cá nhân không phải là chủ thể đứng ra tự nhận là chủ thể giả chữ ký ký hồ sơ vay tiền đã không bị xử lý hình sự…
Ngoài ra, ông Hải còn cho rằng thực chất đây là một vụ án tham nhũng, có tội tham ô. Ông Hải dẫn chứng năm 2005, Ngô Thanh Lam (nhân viên Ngân hàng ngoại thương Việt Nam Vietcombank) truy cập vào một số tài khoản của khách hàng, chiếm đoạt 75 tỉ, đã bị tử hình về tội tham ô và Vietcombank sau đó phải chịu trách nhiệm trả tiền cho khách hàng.
“Hành vi của Huyền Như tương tự như thế, nhưng lại bỏ qua tội tham ô, đây là một thiếu sót rất nhiêm trọng, sự bỏ qua này cũng góp phần tránh trách nhiệm dân sự của Vietinbank”, ông Hải nói.
Ông Hải còn phản ứng: “Tại tòa, đại diện Vietinbank thừa nhận “Đối với các hợp đồng do Vietinbank xác lập với chữ ký thật, con dấu thật thì Vietinbank sẽ chịu trách nhiệm” nhưng VKS lại không ghi nhận trong phần luận tội cho thấy VKS đã không theo diễn biến tại phiên tòa”.
Cũng theo ông Hải, nếu tuyên Vietinbank không phải trả tiền, không phải chịu trách nhiệm, thì sẽ mất đi niềm tin của cả hàng chục triệu dân Việt Nam vào hệ thống ngân hàng. "Chúng ta sẽ mất đi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ mất đi niềm tin vào hệ thống pháp luật, chúng ta sẽ mất đi niềm tin vào môi trường đầu tư…", ông Hải nói.
Đến đây, HĐXX cắt ngang, nhắc nhở ông Hải không được ám chỉ, quy kết ai, không được lợi dụng quy chụp nói xấu người khác. Ông Hải sau đó quay về chỗ ngồi.
Nhiều bức xúc
Đến lượt pháp nhân của mình, bà Yei Pheck Joo (người Malaysia, Tổng giám đốc Saigonbank-Berjaya, viết tắt là SBBS) có mặt ở phiên tòa xin trình bày trực tiếp (thay vì để cho người được ủy quyền phát biểu) vì tính chất quan trọng và phức tạp của vụ việc, cộng với số tiền thất thoát đặc biệt lớn. Được biết, SBBS là công ty môi giới chứng khoán hoạt động tại Việt Nam, có cổ phần của tập đoàn Berjaya (Malaysia).
Bà Yei Pheck Joo cho rằng SBBS mở tài khoản gửi tiền ở ngân hàng quốc doanh và chuyển trực tiếp 225 tỉ đồng vào Vietinbank chứ không phải vào tài khoản cá nhân Huyền Như hay vào các công ty của Huyền Như.
“Chúng tôi sửng sốt khi biết nhân viên của ngân hàng chiếm đoạt tiền của chúng tôi mà Vietinbank từ chối bồi thường. Các bạn bè của chúng tôi, những nhà đầu tư Malaysia và Singapore, đang theo dõi sát sao vụ án vì nó ảnh hưởng để quyết định đầu tư của họ ở Việt Nam. Cũng giống như SBBS, họ hiện đang gửi các khoản tiền lớn trong các ngân hàng quốc doanh của Việt Nam. Phán quyết của tòa sẽ ảnh hưởng đến quan điểm và sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam”, bà này nói. Cuối cùng, bà Yei Pheck Joo đề nghị tòa tuyên buộc Vietinbank phải bồi thường cho SBBS 210 tỉ đồng.
Trái ngược với các đơn vị trên, đại diện VIB yêu cầu Huyền Như, và 12 đồng phạm giúp sức cho Như chiếm đoạt tài sản, phải bồi thường cho VIB, không yêu cầu Viettinbank trả số tiền này. Đơn vị này cho rằng trường hợp của mình khác những trường hợp khác. Với đề nghị của VKS kiến nghị thu hồi sung công quỹ tài sản do các bị cáo phạm tội mà có đã được Cơ quan điều tra thu giữ, VIB không đồng ý với kiến nghị này.
Theo VIB, tại tòa, Huyền Như thừa nhận số tiền chiếm đoạt gần 4.000 tỉ, bị cáo dùng để trả tiền nợ, tiền lãi trong hợp đồng, lãi ngoài hợp đồng và tiền môi giới. Vì vậy, số tiền các bị cáo thu lợi bất chính trong vụ án này đều được nhận từ tiền của bị cáo Như. Vì vậy, khi cơ quan tố tụng thu hồi được số tiền này thì phải trả lại cho người bị hại (Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự) chứ không thể sung công quỹ như VKS kiến nghị. Vì số tiền được thu giữ là của các bị hại chứ không phải của bị cáo Như, nên VIB đề nghị VKS xem xét rút lại kiến nghị này. Đồng thời, trước khi bị khởi tố, bị cáo Lành đã bán nhà để nộp vào tài khoản của Cơ quan điều tra 15 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại cho VIB, nên VIB đề nghị HĐXX tuyên trả ngay số tiền 15 tỉ đồng cho VIB khi bản án có hiệu lực.
Đến gần 10 giờ sáng 17.1, HĐXX tuyên bố phiên tòa tạm nghỉ và sẽ quay lại làm việc tiếp tục vào sáng 20.1 với phần tranh biện của các luật sư.
Bài, ảnh: Lê Quang
>> Xét xử đại án Huyền Như: Căng thẳng quanh trách nhiệm của Vietinbank
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Lời bào chữa ‘gai góc’ của các luật sư
>> Xét xử đại án Huyền Như: Luật sư nói HĐXX vi phạm pháp luật
>> Ông Nguyễn Bá Thanh dự khán phiên tòa xử Huỳnh Thị Huyền Như
>> Xét xử 'đại án' Huyền Như: Quy tội Huyền Như để 'giải thoát' Vietinbank?
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Các bị cáo vi phạm quy định cho vay được vô tội ?
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Các bị cáo là nạn nhân của 'sếp
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Đề nghị 2 án chung thân và khởi tố bổ sung nhiều cá nhân
>> Các luật sư cho rằng để Huyền Như lừa đảo được là do Vietinbank
>> Đề nghị án chung thân đối với Huyền Như và Võ Anh Tuấn
>> Huyền Như chiếm đoạt tiền cá nhân hay của ngân hàng ?
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Luật sư hỏi hai ngày, Vietinbank trả lời 10 phút
Bình luận (0)