|
Thiếu và yếu!
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: “Hiện tại, tổng số giáo viên tư vấn chuyên trách trong các đơn vị giáo dục tại TP.HCM (tổng hợp từ báo cáo của các đơn vị) là gần 120”.
“Lực lượng giáo viên tư vấn chuyên trách của các trường vẫn còn rất ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là do các chế độ đãi ngộ, lương, chế độ làm việc còn hạn chế, chưa thu hút được giáo viên tư vấn chuyên trách làm việc", ông Huy nói.
Năm học 2013-2014, chỉ có 9 ứng viên tham gia phỏng vấn tuyển dụng giáo viên vào các trường THPT trên địa bàn thành phố nhưng cũng chỉ có 3 người trúng tuyển”, ông Huy nói thêm.
Theo phản ánh của nhiều chuyên viên chuyên trách, thì mức lương của họ hiện tại ở các trường chỉ vào khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Chính vì mức lương quá thấp nên không thu hút được lực lượng chuyên viên tâm lý có tay nghề vào làm việc.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, công tác tham vấn tâm lý học đường cần được chú trọng và phát huy nhiều hơn, vì đây là nhu cầu rất cần thiết và cấp thiết của học sinh.
Theo ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng Giáo dục Q.11 thì nhu cầu của học sinh là rất lớn, nhưng “cung” chưa đáp ứng được.
|
Không chỉ lực lượng mỏng và yếu, theo ông Huy, hiện nay một số đơn vị trường học chưa thực sự quan tâm và cũng chưa hiểu rõ các quy định về công tác tư vấn trường học nên việc thực hiện còn mang tính đối phó. Có trường phân công giáo viên tư vấn làm công tác giám thị nên nhều học sinh không thấy gần gũi, không tâm sự, chia sẻ được với giáo viên tư vấn, hiệu quả công việc không đạt.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó trưởng phòng khám Tâm thần trẻ em và bệnh viện ban ngày (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) cho biết: “Năm 2011 chúng tôi khám cho khoảng bệnh 25.000 em, năm 2012 là 28.000, năm 2013 là 34.000. Trong đó đa phần là học sinh.
“Với tốc độ bệnh nhi tăng nhanh như thế này thì trong khoảng 5 năm nữa, bệnh viện sẽ quá tải. Vì chúng tôi khám tâm thần, phải có thời gian trao đổi, phỏng vấn, chăm sóc bệnh. Việc này cần nhiều thời gian chứ không phải như khám bệnh thông thường đặt ống nghe và kê toa là xong. Mặt khác, khi phụ huynh đưa con đến khám thì trường hợp đã nặng. Phải chi các phòng tham vấn học đường phát huy được tính năng của mình, sẽ ngăn ngừa và giải quyết vấn đề tâm lý cho rất nhiều học sinh”, bác sĩ Lâm Hiếu Minh nói thêm.
Cần trang bị kiến thức pháp luật
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: “Tôi đã từng có 9 năm làm công tác tư vấn tại trường phổ thông. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều trường hợp. Và thật chất, chúng tôi phải tư vấn và bảo mật thông tin cho học sinh. Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra hiện nay là đối với trường hợp học sinh phạm tội và tâm sự với mình, vậy mình có bảo mật thông tin này không? Vì nếu mình bảo mật, nghĩa là mình không tố giác và che giấu tội phạm rồi”, TS Hồng nói.
Đây cũng là vấn đề mà nhiều cán bộ tham vấn tâm lý trường học gặp phải. Do vậy, các chuyên gia cũng đề nghị Sở và cán bộ tham vấn tâm lý phải trang bị kiến thức pháp luật, và làm rõ vấn đề, có nên công bố thông tin hoặc bảo mật đối với những trường hợp học sinh phạm tội.
Ngoài ra, việc tư vấn tâm lý học đường của chúng ta hiện nay là nhằm vào những học sinh có vấn đề. Trong khi đó, theo ông Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM, ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, Singapore người ta phòng chứ không phải chữa.
Bà Bùi Thị Kiều, chuyên viên tâm lý của trường THPT Marie Curie, Q.3 cho rằng, rất cần thiết có một khung chương trình chung cho các trường áp dụng. Đồng thời trường nào làm tốt, thì Sở nên triển khai nhân rộng, để các trường khác có thể tiếp cận, học tập. Như vậy, việc tư vấn học đường sẽ ngày càng đạt hiệu quả.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, qua Tết Nguyên đán, sở này sẽ cùng làm việc, hợp tác với Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM và cùng đào tạo bồi dưỡng cho các cán bộ tham vấn tâm lý trường học.
Minh Luân
>> Thiếu trầm trọng giáo viên tư vấn
Bình luận (0)