Lãnh đạo Trung tâm GDTX Q.12 (TP.HCM) kể lại: “Có HS nam uống rượu say, vào lớp học quậy phá, thầy giáo bộ môn yêu cầu ra khỏi lớp thì có thái độ phản ứng hỗn láo. Đến khi tôi gặp còn đập bàn, hỏi lại rằng: “Cô đã bao giờ bị thất tình chưa?” làm tôi khá bất ngờ, phải lặng thinh suy nghĩ một chút rồi mới ngồi chuyện trò để giải tỏa căng thẳng cho HS của mình. Do đó, trong môi trường học đường rất cần hoạt động tư vấn, nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm”. Tương tự, cũng có trường hợp một HS nữ của một trung tâm GDTX quận ngoại thành, buổi trưa cầm chai rượu đi lảo đảo, thầy cô hỏi mà không chịu nói. Đến khi được giám đốc trung tâm an ủi, chia sẻ thì bật khóc thốt lên: “Sáng nay em đi dự phiên tòa xử ly hôn của ba mẹ em nhưng không ai nhận nuôi em hết!”.
Nhìn nhận vấn đề này, tiến sĩ Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, cho biết: “Các vấn đề khó khăn của HS ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Do đó chỉ có những chuyên viên được đào tạo, được trang bị những kiến thức và kỹ năng tham vấn cơ bản, chuyên nghiệp mới có thể giúp đỡ HS một cách hiệu quả”.
Từ năm 2008, Sở GD- ĐT TP.HCM có văn bản chỉ đạo các đơn vị bố trí giáo viên tư vấn chuyên trách. Thế nhưng, theo số liệu tổng hợp tính đến ngày 17.12 do sở cung cấp, ở khối các trường tiểu học, THCS với hơn 500 trường thì có 51 giáo viên tư vấn chuyên trách, 157 giáo viên kiêm nhiệm. Còn ở khối các trường THPT, với 105 đơn vị trường học thì có 53 giáo viên tư vấn chuyên trách, 141 giáo viên kiêm nhiệm. Các quận, huyện đều cho rằng công tác tư vấn đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự, nguồn kinh phí hạn hẹp. Chẳng hạn như Q.8, tất cả các trường đều không có giáo viên chuyên trách. Còn nếu có thì cũng không chuyên nghiệp. Ông Hồ Thuận Hóa, Phó giám đốc Trung tâm GDTX Q.9 kiêm nhiệm tư vấn, nhìn nhận: “Tôi là phó giám đốc phụ trách chuyên môn, kỷ luật trong trường, HS cũng hay ngại ngần, sợ sệt nên thử hỏi trước phòng gắn bảng phòng tư vấn như vậy còn em nào dám bước vô”.
Đánh giá về thực trạng công tác tư vấn học đường hiện nay, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM, cho biết: “Giáo viên tư vấn phải là người đi đầu, tham mưu cho ban giám hiệu. Sở vừa ban hành quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động công tác tư vấn trường học trong đó đội ngũ này hưởng lương, chế độ, chính sách theo ngạch giáo viên tạo điều kiện dễ dàng trong khâu tuyển dụng. Ngoài ra, trong thời gian tới, sở thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn để nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm”.
Nói về nguồn giáo viên, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cung cấp thông tin: “Không phải cử nhân ngành tâm lý là làm công tác tư vấn được. Hiện nay có một số trường như ĐH Sư phạm, Khoa học xã hội và nhân văn… đào tạo đúng chuyên ngành tư vấn tâm lý học đường”.
Bích Thanh
>> Giúp học sinh và người nghèo
>> Tạo tâm lý thoải mái trước các kỳ thi
>> Khủng hoảng tâm lý ở trẻ lên 3
>> “Chữa bệnh” tâm lý ở trẻ
>> Hiểu về tâm lý tuổi mới lớn
Bình luận (0)