Khủng hoảng tâm lý ở trẻ lên 3

05/09/2012 03:05 GMT+7

Điên đầu, hốt hoảng, thậm chí khủng hoảng vì con dở chứng ngang bướng... là những điều thường gặp ở những gia đình có bé sắp bước sang tuổi lên 3.

Khủng hoảng theo con

Đang hối hả chuẩn bị đi làm, chị My (Q.5, TP.HCM) lại nghe thấy tiếng quát tháo ầm ĩ từ nhà hàng xóm và tiếng trẻ khóc thét: “Mặc cái quần màu hồng này vào. Sao lại không chịu mặc thế này? Đi lại dép nào, đi trái rồi mà cũng không biết. Khổ thân tôi ghê. Con với chả cái. Hôm nào cũng lề mề...”. Quay lại thấy chồng mình cười ý nhị, chị hiểu ngay điệp khúc hằng sáng của nhà hàng xóm đã bắt đầu bật, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Hơn ai hết, chị đã từng trải qua thời kỳ này nên rất thấm thía cho nỗi khổ của cô hàng xóm với đứa con đầu hơn 2 tuổi. Cũng may cu Nhím nhà chị nay đã lên 7, hiểu biết mọi chuyện và đỡ nghịch dại.

 Khủng hoảng tâm lý ở trẻ lên 3 nd
Khủng hoảng tâm lý ở trẻ lên 3

Nhớ lại thời kỳ Nhím chuẩn bị lên 3, chị tưởng nhiều lúc phát điên lên được bởi con đột nhiên thay tính đổi nết. Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, bố mẹ cho ăn gì, mặc gì, chơi trò chơi nào... đều răm rắp nghe theo, bỗng đột ngột trở tính, ngang ngạch, ương bướng, thậm chí toàn làm điều trái ngược với điều bố mẹ nói. Hết hồn nhất là đoạn cậu lăm lăm cây bút chì ra sức định nhét vào ổ điện chỉ vì trước đó bố vừa dặn: “Con nhớ đừng đút gì vào lỗ này”.

Mỗi buổi sáng chuẩn bị đưa con đi học thời đó đối với chị như một cực hình. Chuẩn bị sẵn quần áo, con nhất định không chịu mặc, đòi tự chọn đồ bằng được. Thời gian đã gấp gáp, đường phố sắp đông đúc bởi giờ đi làm, con vẫn lề mề đòi tự xỏ quần, tự mặc áo. Đụng vào nó một tí định giúp mặc cho nhanh thì cu cậu lại lập tức lăn đùng ra ăn vạ hoặc khóc lóc... Tối xong hết cơm nước, việc nhà, nhìn đống đồ chơi con rải khắp phòng khách mà lòng chị không khỏi chán chường, dọn hộ con được góc này, con lại phản ứng bằng cách bày ra góc khác... Đó là chưa kể vô số đồ đạc trong nhà như điều khiển ti vi, quạt... đồng loạt bị hỏng hóc do được Nhím “chiếu cố” tới.

Chị My nhiều lúc kiệt sức khi nghĩ tới việc sinh đứa thứ hai, cho đến khi chị được nghe tư vấn về việc cùng con vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3.

Giải pháp từ nguyên nhân cốt lõi

Sau khi được nghe tư vấn và đọc thêm sách vở, chị My mới té ngửa ra rằng, những biểu hiện của con mà vợ chồng chị đánh giá rằng “ngỗ ngược, khó bảo” lại chính là một trong số biểu hiện của khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3. Nó chứng tỏ một sự phát triển bình thường và khỏe mạnh về tâm lý ở trẻ.

Theo thạc sĩ Chung Vĩnh Cao, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH TP.HCM tại Hội thảo Cùng bé vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 (do Trường Quốc tế Việt Úc tổ chức) thì, khi bé nghịch ngợm, phá phách đồ vật nên được nhìn nhận ở hiện tượng trẻ tìm tòi, khám phá, phát triển trí tuệ. Việc cha mẹ cấm cho con nghịch chẳng khác nào ngăn cản con không được phát triển trí não. Việc đánh đập con để bắt con theo ý mình, ngăn chặn mọi sự nghịch ngợm của con là một biện pháp giải quyết tiêu cực và chỉ có hiệu quả nhất thời.

Trái ngược với sự chống đối, gàn bướng như Nhím con chị, một biểu hiện khác thường bắt gặp là trẻ trở nên lầm lì quá đỗi, không chịu nói năng, chia sẻ với bất kỳ ai. Sự khép lòng này nếu không được bố mẹ chú ý và giúp con vượt qua tức thì, lâu dài sẽ dẫn tới chứng tự kỷ. Còn với trẻ có biểu hiện gàn bướng, chống đối quá mức, nếu không xử lý khéo sẽ dẫn tới chứng bệnh tăng động thiếu chú ý.

Cụ thể ở trường hợp con chị My, việc bị khủng hoảng như vậy có thể đến từ hai nguyên nhân: Gián tiếp: con đã hình thành thế giới nội tâm, có suy nghĩ riêng, tình cảm riêng; có ý thức và nguyện vọng độc lập; Trực tiếp: mâu thuẫn giữa nhu cầu độc lập với khả năng còn hạn chế của con, và mâu thuẫn giữa nhu cầu độc lập của con với sự ngăn cản của người lớn. Và khi hiểu rõ được cốt lõi nguyên nhân của con mình, chị My đã tìm ra được biện pháp giải quyết phù hợp, nhẹ nhàng trò chuyện với Nhím nhiều hơn, quan tâm động viên con một cách khéo léo nhưng vẫn khích lệ con tự làm và tự cảm nhận được mình đang lớn.

Các biện pháp giải quyết khủng hoảng cho trẻ :

1. Tạo điều kiện độc lập: cho bé tự làm những việc mà bé có khả năng như tự dọn đồ chơi, mặc quần áo, tự cất giày của mình lên giá...

2. Giúp nâng cao khả năng cho con đối với những trường hợp ngoài khả năng của bé: người lớn có thể chỉ bảo, hướng dẫn, làm mẫu cho bé noi theo.

3. Hướng con vào các hoạt động khác để tiêu hao bớt năng lượng như: theo học các hoạt động năng khiếu vẽ, đàn, thể thao...

4. Tạo một môi trường đồ chơi và vui chơi thoải mái cho bé...

Ngọc Bi

>> Liệu pháp tâm lý có thể chữa bệnh về da
>> Thuốc nội "lép vế" do tâm lý sính ngoại
>> Học sinh nào cũng có vấn đề về tâm lý
>> Bí quyết vượt qua “bẫy” tâm lý của nàng
>> Tham vấn tâm lý học đường chỉ làm cho có
>> “Chữa bệnh” tâm lý ở trẻ
>> Trị liệu tâm lý bằng sân khấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.