Bảo vật quốc gia - Kỳ 23: Trống đồng đền Hùng khẳng định vị thế tổ tiên

24/01/2014 00:20 GMT+7

Trong gần 1.000 trống đồng Đông Sơn được tìm thấy, trống đồng đền Hùng nổi bật lên vì ngoài kỹ thuật luyện kim đúc đồng và chế tác tinh xảo thì vị trí tìm được trống đặt ra nhiều câu hỏi thú vị cho giới nghiên cứu.

>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 22: Bia Sùng Khánh và chuông Bình Lâm
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 21: Tấm bia tôn vinh Phật pháp thời Lý
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 20: Tấm bia quý thời Lý

Trống đồng đền Hùng được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - Ảnh: Hoàng Long
Trống đồng đền Hùng được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
- Ảnh: Hoàng Long
 

Trong suốt thời kỳ đô hộ, người phương bắc không bao giờ ngừng nghỉ mục tiêu làm người Việt quên đi nguồn gốc của tổ tiên để dễ bề đồng hóa, thôn tính. Tuy nhiên, theo TS Trần Văn Đạt, người dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu trống đồng Đông Sơn, “sự hiện diện của các cổ vật có niên đại thời kỳ Đông Sơn, trong đó tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn đã xác minh những bằng chứng không thể chối cãi về nguồn gốc và nền văn minh cổ xưa của người Lạc Việt mà phương bắc cố tình che đậy, ngụy tạo”.

 

Sự hiện diện của các cổ vật có niên đại thời kỳ Đông Sơn, trong đó tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn đã xác minh những bằng chứng không thể chối cãi về nguồn gốc và nền văn minh cổ xưa của người Lạc Việt mà phương bắc cố tình che đậy, ngụy tạo

TS Trần Văn Đạt

Cũng theo TS Đạt, việc tìm thấy trống đồng Đông Sơn với kỹ thuật luyện kim đúc đồng tinh xảo, hoa văn, chi tiết phản ánh sinh động cuộc sống xã hội cổ đại trên lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả đã chứng minh “sự xuất hiện một nền văn hóa rực rỡ của người Lạc Việt”.

Trong số các trống đồng Đông Sơn được tìm thấy hiện nay, trống đồng đền Hùng được xác định niên đại khoảng 2.500 - 2.300 năm. Theo đánh giá của Viện Khảo cổ học VN, chiếc trống này được xếp vào nhóm C loại Heger I và đây được xem là chiếc trống có kích thước lớn và có thể hiện được trình độ cao về kỹ thuật luyện kim đồng thau cũng như nghệ thuật trang trí.

Trống đồng đền Hùng có đường kính mặt 93 cm, đường kính đáy 94 cm, cao 66 cm và nặng 90 kg. Trống gồm 4 phần, trong đó phần mặt trống nổi bật vì được đúc khá dày và trang trí tinh xảo. Chính giữa mặt trống là hình mặt trời có đường kính 20 cm. Viền quanh mặt trời là 3 đường chỉ trống tạo ra 3 vòng tròn đồng tâm. Đặc biệt, trên mặt trống thiết kế dày đặc tới 9 vành hoa văn trang trí đa dạng các vòng, vạch, đường tròn, hình người và hình chim lạc, tượng cóc... Hình người được cách điệu, hình chim lạc, cóc rất sinh động cho thấy nghệ thuật trang trí đã đạt mức điêu luyện.

Phần thân trống chứng minh rõ nét sự tồn tại của người Lạc Việt thời cổ đại thông qua việc trang trí 6 thuyền chở các hình người được hóa trang thành chim trên 5 vành hoa văn. Các thuyền, hình người được bố trí đồng đều, xen kẽ giữa các hoa văn lông công, vành tròn, vạch xiên...

Phần đế trống và quai trống trang trí hình bông lúa phản ánh nền nông ngiệp của người Lạc Việt cổ đại.

Cũng theo tài liệu của Viện Khảo cổ học VN, trống đồng đền Hùng được đúc liền mạch, kết cấu vững chãi, thân trống có một số lỗ vuông nhỏ được ẩn giấu khéo léo là dấu vết quá trình đúc trống cho thấy kỹ thuật luyện kim đúc đồng của người Lạc Việt đã đạt đến đỉnh cao trong thời cổ đại.

Thoát dã tâm hủy diệt

Trống đồng đền Hùng hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, thuộc Khu di tích lịch sử đền Hùng. Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc khu di tích, cho biết trống được tìm thấy vào ngày 5.8.1990 tại nhà ông Lê Văn Thành ở đồi Phân Ngùi, xã Hy Cương, H.Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Trong khi đào hố vôi, ông Thành đào được trống ở độ sâu 50 cm cách măt đất. Vị trí nhà ông Thành nằm ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng), nơi được xem là nơi đóng đô của triều đình Hùng Vương.

Đặc biệt hơn, khi tra cứu bản đồ khảo cổ học thì trong tổng số gần 1.000 trống đồng Đông Sơn được tìm thấy hiện nay thì đây là chiếc trống đồng loại I duy nhất tìm được quanh khu vực đền Hùng nói riêng và khắp vùng tả ngạn sông Thao (từ Lào Cai về đến Việt Trì).

Ông Các cho biết trống đồng là một nhạc khí biểu tượng cho quyền lực, lễ hội, tôn giáo. Do niên đại của trống đồng đền Hùng trong thời Đông Sơn trùng với thời kỳ Hùng Vương, cộng với vị trí đặc biệt khi tìm ra chiếc trống này đã đặt cho giới nghiên cứu một câu hỏi rất thú vị: đây có thể là chiếc trống đã sử dụng trên núi Nghĩa Lĩnh để cầu mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp Lạc Việt.

Theo nghiên cứu của PGS-TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học, trống đồng Đông Sơn là cái gai trong mắt quân xâm lược Trung Hoa. Thậm chí chính sử còn ghi lại: “Trống mất thì vận người Man cũng mất”. Người Man là cách nhà Hán gọi miệt thị các dân tộc phương nam trong đó có người Việt cổ. Vì thế, theo nhà Hán, giải pháp để đồng hóa dân tộc là hủy diệt trống đồng. Nhiều trống đồng Đông Sơn đã bị nấu chảy.

Hoàng Long - Trinh Nguyễn

>> Phát hiện mặt trống đồng Đông Sơn tại Hà Tĩnh
>> Lần đầu phát hiện mặt trống đồng Đông Sơn ở Hà Tĩnh
>> Hoàng Hạ - “á hậu” trống đồng Đông Sơn
>> Tặng trống đồng Đông Sơn cho Bảo tàng Hội An
>> Đúc trống đồng Đông Sơn
>> Bức họa cát trống đồng Đông Sơn lớn nhất Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.