(TN Xuân) Năm 2014 sẽ sôi động hơn các phong trào tình nguyện của người trẻ. Trong bối cảnh đất nước giữ vững ổn định chính trị, nâng cao vị thế hội nhập, từng bước vượt qua khó khăn kinh tế mà chạm mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 đô la Mỹ/năm thì hoạt động tình nguyện ngày càng góp phần chia sẻ áp lực của sự phát triển. Báo cáo toàn cầu của Chương trình tình nguyện Liên Hiệp Quốc khẳng định: “Tình nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước và thế giới. Để đạt được mục tiêu phát triển, những nỗ lực tình nguyện của hàng triệu công dân là rất cần thiết để hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ giải quyết các vấn đề khó khăn của cộng đồng”.
|
Tinh thần xung kích, tình nguyện, tương thân, tương ái của thanh niên sẽ tiếp tục tác động tích cực đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị... Hoạt động tình nguyện vì cộng đồng luôn góp phần tạo môi trường để thanh niên rèn luyện về nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng thực hành xã hội.
Mỗi một tấm gương tình nguyện dù của tập thể hay cá nhân thường biểu hiện sự dung dị mà ẩn chứa tinh thần trách nhiệm sâu sắc. Được trao tặng giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2013, cụ ông 72 tuổi Huỳnh Văn Phê phát biểu mộc mạc: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình không có điểm dừng này cho đến khi nào không còn sức nữa”. Hành trình ấy là lớp học tình thương xã Tân Lập (Bình Dương) được vợ chồng cụ Phê duy trì suốt hơn 20 năm qua. Hay như cô gái khuyết tật Phạm Thị Ngát, nữ thủ lĩnh Câu lạc bộ Vòng tay nhân ái (Thái Bình) ngồi trên xe lăn mà kiến tạo nhiều mô hình tình nguyện ấn tượng. Cô khiêm tốn nói về công việc của mình là “truyền niềm tin cho những ai không may mắn” và “khi tình yêu thương được lan tỏa và kết nối trong cộng đồng thì cuộc sống mới tốt đẹp”.
Còn nhiều những tấm gương như thế, khi nhân rộng sẽ tạo ra sức lan tỏa từ cuộc sống thật đến thế giới ảo để định hướng, giáo dục, hướng thiện người trẻ.
Mặt khác, không thể quên nghĩa cử của từng công dân các nước bạn đã đến với mỗi nghịch cảnh người dân nước ta. Trước nay, đã có không ít tình nguyện viên quốc tế gắn bó với Việt Nam một cách bền chặt, hiệu quả. Một trong số đó là Akemi Bando.
Xuân năm Ngọ 1990, cô giáo dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ Akemi Bando đến Việt Nam du lịch. Từng tham gia biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, không chỉ là một người khách, bà đến tìm cơ hội hỗ trợ cho trẻ khuyết tật gặp khó khăn trong cuộc sống. Trở về Nhật, Akemi thành lập Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam và tiến hành các hoạt động quyên góp, hỗ trợ trẻ khuyết tật, trao tặng thiết bị và tài liệu y tế, hỗ trợ mổ tim và huấn luyện kỹ năng chăm sóc bệnh nhân và trẻ sơ sinh tại tỉnh Bến Tre suốt hơn 23 năm qua. Vì sao bà và các cộng sự đã dành biết bao thời gian, công sức thiện nguyện như thế? Akemi Bando lý giải: “Rất đơn giản, vì chúng tôi luôn luôn kính trọng các nhà lãnh đạo địa phương. Điều họ nghĩ đến đầu tiên là người dân; làm cách nào để giúp người dân, đặc biệt là trẻ em. Nếu không kính trọng như thế, chúng tôi không thể hợp tác trong ngần ấy năm. Bây giờ tôi đã là chuyên gia hợp tác quốc tế; ngoài Việt Nam, Hội chúng tôi còn đến với các nước châu Á khác và châu Phi nữa. Khi có các dự án ở các nước khác, tôi luôn luôn tìm kiếm nhà lãnh đạo tốt, ưu tiên đối với các nhà lãnh đạo nghĩ đến đời sống của người dân chứ không phải chỉ lo cho sự giàu có của riêng họ. Đây là thói quen mà tôi có được từ khi hợp tác tại Bến Tre...”.
Câu chuyện trách nhiệm lãnh đạo, sự tận tâm với dân và sự minh bạch trong điều hành, quản lý không chỉ tương tác đến niềm tin của cộng đồng xã hội mà còn làm lay động những trái tim tình nguyện. Chiều sâu đó cũng là một trong những nền tảng cần được tiếp tục quyết liệt bồi đắp cho sự nghiệp phát triển đất nước năm 2014 trong hy vọng “mã đáo thành công”.
Nguyễn Quang Thông
>> Xuân tình nguyện 21.1.2014
>> Khởi động Năm Thanh niên tình nguyện 2014
>> Gần 12.000 sinh viên tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện năm 2014
>> Năm 2014 là Năm thanh niên tình nguyện
Bình luận (0)