|
>> Những người không có tết
>> Tết với những người không có Tết
Họ là những người sống trong các xóm tạm bờ sông, làm nghề thợ xây, thợ hồ. Nhiều gia đình sống bám theo công trình, dựng lều vài tháng một năm rồi lại chuyển đi theo công trình khác... Và chữ “tạm” buộc chặt vào đời họ. Khi phố sá đang tưng bừng đón tết, họ sợ phải nghỉ dài ngày bởi thiếu thốn bủa vây.
Tê tái… tết
Xóm “ổ chuột” Bến Vân Đồn (phường 5, quận 4, TP.HCM), nằm sâu trong con hẻm nhỏ tĩnh lặng. Cái lạnh cuối năm ở Sài Gòn khiến xóm thêm ảm đạm, những người nơi đây vẫn làm thuê đủ nghề để kiếm sống qua ngày, bỏ mặc những nhộn nhịp hoa lệ ở đường phố bên ngoài đã trang hoàng lộng lẫy đón xuân.
Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, diện tích khoảng 15 m2, vợ chồng anh Trần Văn Thanh cùng hai con nhỏ thuê sinh sống. Theo anh Thanh thì những người lao động xóm này chưa bao giờ mong chờ tết.
“Tết, dân tình đều nghỉ ngơi hết. Có ai thuê gì đâu mà có việc làm, có ai ăn gì mấy đâu mà bán... Nếu về quê ăn tết với họ hàng thì không có tiền. Thôi thì ngày tết lại nằm dài trong nhà cho qua tết”, anh Thanh bộc bạch.
Xóm nằm lọt thỏm trên con đường được trang trí đẹp mắt, đêm xuống đèn nhấp nháy. Mấy đứa trẻ trong xóm nghèo thích thú với thứ ánh sáng nhiều màu. Ngược với bọn trẻ, người lớn trong xóm chỉ muốn qua mau để khỏi “ngồi chơi xơi nước”.
Bà Huệ 60 tuổi, người ở lâu năm nhất trong cái xóm lao động nghèo này, sống bằng nghề bán hàng nước trước nhà. “Mọi năm thì tôi nghỉ bán từ ngày 27 tết cho tới mùng 5 mới bán lại, nhưng năm nay cô con gái mới bị công ty cho nghỉ trước tết, nghe nói để tránh thưởng gì đó. Vì vậy, mấy ngày tết, tui sẽ ra đường Bạch Đằng ở quận 1 bán để kiếm thêm chút tiền”.
Theo kế hoạch mà chủ thầu xây dựng đưa ra thì từ 25.1, các công trình nghỉ tết tới ngày 15.2 mới làm lại. Xóm thợ hồ nằm dọc con sông Sài Gòn trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, mấy ngày nay cũng đang nhao nhao vì tết, bởi năm nay đa phần chủ thầu chỉ trả một nửa tiền công còn thì xin nợ lại. Nợ của người làm công là cái cái nợ bất đắc dĩ của doanh nghiệp. Thợ hồ ráo mồ hôi hết tiền. Năm cùng, tháng tận lại thành chủ nợ của chủ thầu.
|
Nhìn quanh, 10 căn lều ở xóm thợ hồ này chỉ là những tấm bạt, tôn xiêu vẹo dựng lại thành nhà. Vợ chồng anh Phan Văn Miên 37 tuổi (quê Nam Định) đón tết trong lo lắng. Rời quê vào Sài Gòn làm từ khi mới 20 tuổi, làm phụ hồ ở Bình Dương rồi quen với chị Thu cùng cảnh ngộ. Anh chị lấy nhau sau 5 năm sinh được hai đứa con, một trai, một gái tại xóm phụ hồ ở Bình Dương.
Theo công trình lên xóm thợ hồ này được 8 tháng, cuối năm không đủ tiền mua cho con bộ đồ mới mặc, chị Thu ngồi khâu lại bộ đồ cũ ít mặc. Bộ đồ xin được của người dân xóm bên cho con mặc tết này.
“Tết đến, con nhà ai cũng có quần áo mới, đằng này đã 10 mùa tết rồi mà mùa nào cũng mặc đồ cũ đi xin về. Tiền lĩnh được 8 triệu đồng thì chồng gửi về quê cho bố mẹ 3 triệu, tôi gửi về cho bố mẹ 3 triệu còn 2 triệu cả gia đình ăn trong mấy ngày tết thôi”, chị Thu thở dài.
Mặc dù không mong tết, nhưng chị cũng phải lo sắm sửa đôi thứ cho ba ngày xuân mới. Chị kê ra một tờ giấy nhỏ: gạo, thịt, con gà cúng. Ghi xong chị bấm bụng: “Mua vậy cũng hết cả triệu chứ ít đâu, rồi sau tết không biết sống sao?”.
“Ai mong tết… chứ dân ở đây thì không”
Ghé xóm nghèo quanh cầu chữ Y (quận 8, TP.HCM), không khí tết ở đây rộn rã với bài Xuân đã về từ một chiếc máy radio cũ trên con thuyền rách nát. Xóm chân cầu này được nhiều người tụ họp lại.
Ông Trần Văn Ó (52 tuổi) kể ông sống ở chân cầu này hơn 10 năm, chủ yếu sống bằng nghề phụ hồ, nhưng giáp tết việc ít không ai thuê đành nằm ở nhà, rồi phụ vợ bán quán bún cuối hẻm.
|
“Bà chỉ bán được tới 25 tết là lại nghỉ tới mùng 5 mới bán lại, xóm này toàn dân lao động các tỉnh về ở để làm thuê, tết họ về hết lấy ai đâu mà ăn. Đành phải nghỉ bán. Bởi vậy, ai mong tết thì mong chứ dân ở đây thì không”, ông Ó tâm sự.
Những căn nhà lụp xụp, rách nát mấp mé bên sông Sài Gòn bao quanh bởi cây cối um tùm. Ở đó cuộc sống của nhiều người dân vẫn còn vô vàn khó khăn cơ cực; mọi sinh hoạt đối lập với sự xa hoa, lung linh ánh sáng của phố thị bên kia sông Sài Gòn. Với những gia đình nơi đây, họ không hề mong xuân về tết đến vì như vậy sẽ chẳng ai thuê làm và cũng chẳng buôn bán gì được, đồng nghĩa với việc cả cái tết sẽ không no đủ, nói gì tới tết đầm ấm.
Gia Huy
>> Lo tết cho đồng bào vùng động đất Sông Tranh 2
>> Mai vàng Nhơn An vào vụ Tết
>> 450 triệu đồng giúp đồng bào nghèo ăn tết
>> Đưa sinh viên về quê ăn Tết
>> 3.000 phần quà tặng người lao động nghèo ăn tết
Bình luận (0)