Tinh giản biên chế

08/02/2014 02:15 GMT+7

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện trong 7 năm tới (2014 - 2020), sau khi Nghị định 132 hết hiệu lực vào năm 2012. Theo dự thảo này thì cần tới 6 năm, với khoảng 8.000 tỉ đồng để giảm 100.000 biên chế trong bộ máy hành chính hiện nay.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện trong 7 năm tới (2014 - 2020), sau khi Nghị định 132 hết hiệu lực vào năm 2012. Theo dự thảo này thì cần tới 6 năm, với khoảng 8.000 tỉ đồng để giảm 100.000 biên chế trong bộ máy hành chính hiện nay.

 Nếu con số 100.000 biên chế cần tinh giản (được hiểu là những người làm việc không hiệu quả) là chính xác thì giữa việc ngân sách phải tốn ít nhất 3.000 tỉ mỗi năm để chi lương vô ích cho số công chức này với chi 8.000 tỉ đồng/6 năm để cắt giảm biên chế là bài toán kinh tế quá lời. Chưa kể, việc cắt giảm số lượng công chức làm việc kém hiệu quả đó còn giúp cho bộ máy năng động, hiệu lực và hình ảnh đẹp hơn.

Trên tinh thần đó, đã có ý kiến đóng góp rằng bản dự thảo cần thể hiện phương pháp luận đồng bộ và mạch lạc - điều kiện cần thiết để việc tinh giản thành công.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, báo cáo tại kỳ họp QH tháng 6.2013, 5 năm thực hiện đề án tinh giản biên chế và Nghị định 132, có gần 67.400 người ra khỏi biên chế nhà nước, nhưng có tới 61.000 người trong số đó là nghỉ hưu trước tuổi. Như vậy, số biên chế được tinh giản chỉ đơn thuần là vận động những người sắp đến tuổi nghỉ, về hưu sớm, gần như không có người bị tinh giản vì làm việc kém hiệu quả. Cũng theo báo cáo này, trong 3 năm (2010 - 2012), cả nước tăng hơn 41.000 biên chế. Vậy là, thực hiện kế hoạch tinh giản, nhưng biên chế không giảm mà còn tăng, thậm chí tăng khá nhiều.

Do vậy, câu chuyện giảm 100.000 biên chế trong vòng 6 năm tới, vẫn là câu chuyện rất khó khăn, đòi hỏi chúng ta thay đổi cách làm.

Bộ trưởng Nội vụ, trước QH, nói rằng chỉ có khoảng 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ (thế thì việc cắt giảm 100.000 biên chế đã chiếm tới 25% số cán bộ công chức hành chính. Có điều chắc chắn rằng, tinh giản biên chế muốn hiệu quả thì không nên chỉ nhăm nhăm vào việc cắt giảm số lượng (cách làm chúng ta đã thất bại trong suốt 5 năm qua) mà phải đi kèm với nâng cao chất lượng đội ngũ. Chất lượng biên chế có tăng thì mới có thể cắt giảm được số lượng, nếu không, sẽ là ngược lại.

Để cải cách hành chính, tinh giản bộ máy có nhiều cách làm (cách phổ biến các nước làm là tách biệt giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ). Nhưng ở ta, giải pháp khả thi nhất bây giờ là xác lập được sự phụ thuộc của các quan chức hành chính vào dân, bằng cách xây dựng tiêu chí đánh giá công chức dựa trên cơ sở sự hài lòng của người dân. Việc đánh giá công lao, đề bạt, khen thưởng quan chức hành chính cũng nên dựa trên phiếu thăm dò về sự hài lòng của người dân về lĩnh vực đó. Chỉ có vậy, các quan chức hành chính mới nỗ lực tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu năng để khẳng định hiệu quả quản lý của mình.  

An Nguyên

>> Hà Nội thừa nhận tinh giản biên chế rất khó khăn
>> Tinh giản biên chế để tăng lương cho công chức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.