Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định đang và sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp về đề án thi tốt nghiệp THPT và chỉ quyết định khi thấy yên tâm về tính khả thi cũng như điều kiện thực hiện.
|
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết:
Cách thi và kiểm tra hiện nay chỉ thi theo hình thức trắc nghiệm, một triệu học sinh thi phổ thông trong một buổi thì rất khó đánh giá được năng lực toàn diện về ngoại ngữ, chỉ nặng về kiểm tra ngữ pháp trong khi nghe, nói chẳng đánh giá được. Cách thi ấy có thể cũng khuyến khích được tinh thần học hành nhưng khó đi được đến cái đích cuối cùng là học để sử dụng ngoại ngữ.
Sẽ không xảy ra hiện tượng miễn “oan”
* Về vấn đề mở rộng đối tượng miễn thi, Bộ nhận được ý kiến đồng tình hay phản đối nhiều hơn, thưa ông?
Nói chung là số đông vẫn đồng ý với miễn thi nhưng vẫn băn khoăn tại sao lại có tỷ lệ 20%. Chúng tôi lý giải thế này: Nói chung thi tốt nghiệp của mình đỗ rất nhiều, gần 100%, riêng số khá giỏi trên 20%. Số học sinh được xếp loại khá giỏi trong quá trình học tập cũng trên 20%, thậm chí có nơi gấp đôi số lượng này.
Tuy nhiên, nếu không khống chế tỷ lệ thì với cách thức thi kiểm tra đánh giá như hiện nay chưa phản ánh đúng chất lượng người học. Khi không bị khống chế thì sẽ chạy đua, nảy sinh những tiêu cực như xin thầy xin cô điểm thì được miễn thi. Việc khống chế tỷ lệ thì sẽ xảy ra chuyện “cạnh tranh” lành mạnh và nhờ vậy quá trình giám sát chặt chẽ hơn.
* Vậy Bộ có tính tới trường hợp các địa phương dù không đủ nhưng cũng cố để chọn tối đa 20% được miễn thi?
Dù tất cả các địa phương đều miễn thi 20% thì theo tính toán của chúng tôi như trên cũng không xảy ra hiện tượng miễn “oan” đâu. Khống chế tỷ lệ này thì chỉ có thể xảy ra trường hợp ở một số địa phương đáng lẽ được miễn thi thì không được miễn thôi.
Tạo cơ sở để trường ĐH tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT
* Cùng với đổi mới việc tổ chức thi, cách thức ra đề thi có thay đổi gì đáng kể không, thưa ông?
Phương án đổi mới thi nếu thực hiện được ngay trong năm nay thì sẽ giữ ổn định cho đến khi có học sinh lớp 12 học và thi theo chương trình sách giáo khoa mới. Nhưng ổn định ở đây về cách thức tổ chức và cách học sinh tham gia kỳ thi này. Còn để đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng của kỳ thi thì sẽ được chuyển biến theo từng năm theo hướng đánh giá năng lực của học sinh. Không chỉ trong thi mà cả trong kiểm tra và đánh giá cả quá trình học. Ví dụ, sẽ tập huấn ra câu hỏi, ra bài tập có ma trận để cho đề thi ngày càng nặng hơn về việc hiểu và vận dụng kiến thức kỹ năng học được. Như vậy kiến thức học thuộc máy móc sẽ giảm đi và kiến thức vận dụng tổng hợp nhiều môn sẽ được tăng lên.
Đối với các môn khoa học xã hội, học sinh sẽ được trình bày ý kiến của bản thân chứ không chỉ học thuộc học vẹt theo những bài văn mẫu, bài học mẫu.
Nếu thay đổi cách ra đề thi, kiểm tra như nói ở trên thì dần dần sẽ tăng tỷ lệ miễn thi theo từng năm và sẽ có tiêu chí được miễn thi.
* Có mối liên hệ nào giữa đổi mới thi tốt nghiệp THPT với đổi mới tuyển sinh vào ĐH, CĐ không, thưa ông?
Các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh được quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh. Trong đó, có thể sử dụng kết quả học tập của học sinh ở THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT làm dữ liệu tuyển sinh cho trường. Như vậy, việc học sinh thi 2 môn bắt buộc (toán và ngữ văn) cùng với 2 môn tự chọn sẽ là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào tuyển sinh ĐH, CĐ mà vẫn bảo đảm đánh giá được năng lực, sở trường xu hướng nghề nghiệp của các em phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường;
Như vậy, việc tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Trong những năm trước mắt, các cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở mức độ phù hợp, bên cạnh việc sử dụng với các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn...
Giải pháp tránh học lệch, học tủ
* Các ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại nếu thi ít môn thì sẽ tạo điều kiện cho học sinh học lệch, học tủ. Bộ lý giải thế nào về vấn đề này?
Việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi mà có cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập; muốn có hồ sơ dự tuyển ĐH tốt thì học sinh không thể “học lệch” mà phải nỗ lực học tất cả các môn, nhất là ở lớp 12. Việc sử dụng kết quả đánh giá quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh khi kết quả thi tốt nghiệp chỉ phụ thuộc kết quả các môn thi như trước đây. Mặt khác, để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết vấn đề theo quan điểm cá nhân.
* Xin ông cho biết khi nào Bộ sẽ công bố chính thức phương án thi tốt nghiệp THPT?
Bộ vẫn đang và sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp và chỉ quyết định khi thấy yên tâm về tính khả thi và điều kiện thực hiện. Quyết rồi mà không thực hiện thì không được. Ví dụ năm nay muộn quá không thể làm kịp thì phải để sang năm. Còn năm nay yên tâm, ổn định được, làm được, tính toán thấy không bị ảnh hưởng thì quyết ngay.
Tuệ Nguyễn (thực hiện)
>> Bộ GD-ĐT giải thích về dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT
>> Đa số ý kiến ủng hộ thi tốt nghiệp 4 môn
>> Khảo sát của Báo Thanh Niên về cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT
Bình luận (0)