Massage, nghề quản lý lao động kỳ lạ - Kỳ 2: Cần có cuộc điều tra xã hội học

14/02/2014 02:50 GMT+7

Nhìn nhận thực trạng “biết nhưng không kiểm soát được” cách quản lý lao động kỳ lạ của nghề massage, đại diện cơ quan chức năng cho rằng cần có cuộc điều tra xã hội học về lực lượng lao động này.

Nhìn nhận thực trạng “biết nhưng không kiểm soát được” cách quản lý lao động kỳ lạ của nghề massage, đại diện cơ quan chức năng cho rằng cần có cuộc điều tra xã hội học về lực lượng lao động này. 

 Nhân viên một cơ sở massage
Nhân viên một cơ sở massage ở Q.Thủ Đức, TP.HCM trong một lần công an kiểm tra - Ảnh: Đàm Huy

Là thành viên đoàn kiểm tra liên ngành các cơ sở hoạt động, văn hóa dịch vụ trên địa bàn Hà Nội, ông Lê Đình Hiền, Phó chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, cho rằng: “Qua các đợt thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện nhiều trường hợp vi phạm pháp luật lao động, nhưng vì thường họ nói là cháu đến chơi, người ở quê mới ra. Có người lại nói, chuẩn bị đuổi việc nên không cần ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Tóm lại, có hàng nghìn lý do đối phó cơ quan chức năng”.

 

Bất cứ là ngành nghề gì, không cứ là massage, tẩm quất, công chức, viên chức, bác sĩ… hay thậm chí là nghề giúp việc gia đình, hễ có quan hệ LĐ là phải có HĐLĐ. Trong bộ luật LĐ quy định rõ những điều kiện, những thứ phải làm, những gì người LĐ được hưởng

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Bộ LĐ-TB-XH)

Ngoài ra, để qua mặt cơ quan chức năng, chủ sử dụng lao động (LĐ) còn lách luật bằng cách vẫn ký kết HĐLĐ, nhưng theo ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), người lao động (NLĐ) chẳng nhận được bất cứ đồng lương nào. “Hợp đồng vậy thôi, nhưng không nhận tiền, không có gì cả hoặc được chủ khoán bằng hưởng phần trăm trên mỗi vé massage. Khi đi thanh tra, kiểm tra chúng tôi căn cứ vào sổ lương và hợp đồng LĐ xem đối chiếu chữ ký có hợp hay không. Trên thực tế, không thể kiểm soát hết vì các cơ sở này thường tìm nhiều cách đối phó với cơ quan chức năng. Và những người làm trong nghề này cũng thường di chuyển từ quán này sang quán khác nên khó kiểm soát”, ông Hiền nói.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), khẳng định căn cứ vào bộ luật LĐ, người sử dụng LĐ phải ký kết HĐLĐ bằng văn bản với NLĐ theo quy định rất cụ thể, mỗi bên giữ một bản. Việc chủ các cơ sở kinh doanh massage không ký kết HĐLĐ là trái quy định pháp luật. Với những cơ sở chi trả lương 2 triệu đồng/tháng cho NLĐ, bà Minh cũng cho hay, mức chi trả này cũng không đúng quy định vì từ 1.1.2014, Nghị định tăng lương tối thiểu vùng áp dụng đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp, quy định tổ chức có thuê mướn LĐ, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chi trả lương tối thiểu từ 2,4 - 2,7 triệu đồng/tháng.

Khẳng định việc các cơ sở kinh doanh massage không ký HĐLĐ, không chi trả quyền lợi cho NLĐ là vi phạm nguyên tắc sử dụng LĐ, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Bộ LĐ-TB-XH), phân tích: “Bất cứ là ngành nghề gì, không cứ là massage, tẩm quất, công chức, viên chức, bác sĩ… hay thậm chí là nghề giúp việc gia đình, hễ có quan hệ LĐ là phải có HĐLĐ. Trong bộ luật LĐ quy định rõ những điều kiện, những thứ phải làm, những gì người LĐ được hưởng”. 

Theo các chuyên gia LĐ, nếu ký HĐLĐ trên 3 tháng, chủ các cơ sở này phải trả tiền BHXH, BHYT, trả các trang thiết bị bảo hộ LĐ. Việc không ký HĐLĐ hoặc ký ngắn nhằm rũ bỏ trách nhiệm với NLĐ và trốn tránh các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đây là cách mà các chủ cơ sở tăng thu nhập và giảm chi phí. Thêm vào đó, mức xử phạt về ký HĐLĐ không đúng quy định, không ký HĐLĐ chỉ từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng nên nhiều cơ sở cố tình vi phạm. Trong khi đó, NLĐ biết mà không dám tố cáo vì họ không những mất chỗ làm việc mà còn có thể bị “xã hội đen”, bảo kê trừng trị. “Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngành phòng chống tệ nạn xã hội, phải đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo, giác ngộ cho họ biết quyền lợi và trách nhiệm của NLĐ”, ông Lê Đức Hiền nhìn nhận.

Trong khi chưa có hiệp hội, chưa có tổ chức ngành nghề đứng ra bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, theo bà Tống Thị Minh, khi chủ sử dụng LĐ thực hiện không đúng, NLĐ phải phản ứng, làm đơn khiếu nại, tố cáo bất công với cơ quan chức năng, cụ thể là Sở LĐ-TB-XH địa phương những việc xảy ra. Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Đức Hiền đề xuất, nên có cuộc điều tra xã hội học về NLĐ làm việc trong ngành nghề này, vừa để cơ quan chức năng dễ quản lý và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, phải tăng cường tần xuất thanh tra kiểm tra. Đặc biệt, đi sâu vào lĩnh vực chủ sử dụng LĐ khuất tất và hay lẩn tránh. Khi phát hiện ra vi phạm phải xử lý, xử phạt nghiêm khắc đúng theo quy định của pháp luật.

Nghề bị tai tiếng

Gần 20 năm trong nghề kinh doanh dịch vụ massage, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Tổng giám đốc Ngọc Anh Spa chia sẻ: Phát triển ngành nghề này vô cùng chật vật và khó khăn bởi các cơ sở phát triển tự phát và thiếu tính chuyên nghiệp. “Thực chất, massage là một môn kỹ thuật, một phương pháp trị liệu tốt giúp phục hồi và tăng cường sức khỏe. Nhưng nhiều chủ đầu tư không hiểu ngành, lại không tâm huyết nên kinh doanh tự phát, muốn thu hồi vốn nhanh nên đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh dẫn đến việc ngành massage bị tai tiếng”, bà Ánh nói.

Thu Hằng

>> Massage - nghề quản lý lao động kỳ lạ
>> Cảnh cáo giáo viên đưa học trò đi làm massage
>> Bắt nhóm côn đồ đòi tiền bảo kê cơ sở massage

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.