Thế giới yêu đương ở Trung Đông - Kỳ 3: Cuộc chiến không cân sức

15/02/2014 09:05 GMT+7

Tục lệ giết vì danh dự không phải là sản phẩm của Hồi giáo, thậm chí đi ngược lại những ý muốn tốt đẹp của thiên sứ Muhammad nhằm bảo vệ phụ nữ. Tuy nhiên, tôn giáo đã không mạnh bằng hủ tục văn hóa.

>> Thế giới yêu đương ở Trung Đông - Kỳ 2: Thân phận đàn bà
>> Thế giới yêu đương ở Trung Đông - Kỳ 1

 Phụ nữ Ai Cập mưu sinh trên đường phố - Ảnh: N.P.M
Phụ nữ Ai Cập mưu sinh trên đường phố - Ảnh: N.P.M

Những hủ tục kỳ lạ

Khủng khiếp hơn, trong một sự xuyên tạc xoắn vặn tôn giáo kinh hoàng để phục vụ cho nhu cầu quyền lực của giống đực, hủ tục văn hóa đã chiến thắng dưới chiêu bài tôn giáo. Ví dụ điển hình nhất của sự xuyên tạc tôn giáo này có liên quan đến việc tòa án tôn giáo của một số nước yêu cầu nạn nhân bị cưỡng hiếp phải có đủ... nhân chứng tận mắt nhìn thấy việc cô ta bị bức hại. Nếu không đưa ra đủ 4... nhân chứng, điều đó có nghĩa là cô ta dan díu tình ái ngoài phạm vi hôn nhân, và đương nhiên là bị trừng phạt thích đáng, nhẹ thì vài trăm roi, nặng thì bị ném đá đến chết.

Như mọi con người có lương tri khác, tôi đã từng sôi sục khi đọc về vụ án thương tâm của một cô gái Afghanistan bị cưỡng bức. Gia đình cô kiện kẻ hiếp dâm ra tòa. Không lấy lại được sự công bằng, cả dòng họ đau đớn vì nỗi nhục không được rửa sạch. Cha mẹ của cô gái đau khổ vì viễn cảnh phải giết con gái của chính mình, bản thân nạn nhân cũng tuyên bố rằng nếu danh dự không được khôi phục, cô thà chết chứ không sống để trở thành vết nhơ của bộ tộc. Câu chuyện gần đây nhất xảy ra ở Dubai khi một phụ nữ Na Uy tố cáo bị hãm hiếp và được yêu cầu phải trình ra 4 nam nhân chứng, nếu không cô sẽ bị tống giam 16 tháng. Cả châu u làm loạn lên và thế là chính quyền Dubai đành tha bổng. Vấn đề là, tại sao tòa án Hồi giáo Shariah lại có một yêu cầu quái đản như thế?

Trở lại thời của Muhammad gần 1.400 năm trước, trong một chuyến hành quân, cô vợ trẻ Aisha của ông vì mải tìm chiếc vòng cổ khiến cả đoàn quân đã nhổ trại rời đi mà không hay biết Aisha vẫn còn rớt lại. Một chiến binh tìm thấy cô nằm giữa đường và đặt cô lên lưng lạc đà quay trở về. Việc Aisha trải qua đêm một mình với một chàng trai lạ mặt khiến cả thành Medina nổi cơn thị phi. Để bảo vệ người vợ yêu của mình, Muhammad tĩnh tâm ngồi thiền để “hỏi ý kiến Thượng đế”. Thượng đế trả lời, và thế là một thiên khải được thêm vào trong Quran (24:4-5) “Nếu ai đó muốn kết tội một phụ nữ tiết hạnh, hãy đem đến bốn nhân chứng, bằng không lời kết tội là vu cáo và sẽ bị phạt 80 roi”.

Cùng với thời gian, các thầy tu đã xoắn vặn thiên khải này theo hướng có lợi cho một xã hội trọng nam khinh nữ bằng cách kết luận rằng: kể cả nếu phụ nữ có muốn kết tội đàn ông bức hại thì cũng phải có nhân chứng, nếu không, lời kết tội của cô ta sẽ trở thành lời thú nhận phạm tội thông dâm và sẽ bị trừng phạt. Suốt gần 1.400 năm qua, không biết bao nhiêu phụ nữ đã lâm nạn vì câu chuyện này, và đến bây giờ, hơn 50% số phạm nhân nữ trong các nhà tù ở Pakistan là kết quả của nghịch lý ấy. 

Nghi lễ đáng sợ

Cuộc chiến không cân sức giữa tôn giáo và hủ tục văn hóa hiện diện ở vô vàn những tục lệ mà bản chất là những tập quán không hề liên quan đến Hồi giáo hoặc có từ trước khi Hồi giáo ra đời nhưng lại được nhìn nhận là đặc trưng của Hồi giáo. Một trong những hủ tục đó là một “truyền thống” khá man rợ trong việc khâu cắt một phần bên ngoài bộ phận sinh dục nữ. Tùy từng vùng miền, một bé gái từ vài tuổi cho đến khi dậy thì sẽ phải trải qua nghi lễ đẫm máu này. Đối với rất nhiều vùng Hồi giáo ở Bắc Phi, tục lệ được cho này là một phần quan trọng của cuộc sống, thể hiện phẩm chất trinh trắng, trong sạch của phụ nữ.

Tuy nhiên, sâu thăm thẳm trong nội tại của hành động này là việc coi phụ nữ như một giống loài dâm dục, là sự lo sợ về sức mạnh tình dục của phụ nữ, và mong muốn quản lý, kiểm soát cuộc sống của cô ta một cách chắc chắn nhất.  

Có lần tôi hỏi một người bạn Ai Cập hiện đang sống ở Jordan: “Tại sao cậu lại để em gái mình chịu đau đớn một cách phi lý như thế?”. Anh ta cười xòa và trả lời: “Mai biết không, thời tiết ở đây rất nóng nực, phụ nữ lúc nào cũng hừng hực thì không ổn chút nào!”. Phải kìm lắm tôi mới không xóa tên người bạn này khỏi Facebook. Sau này, anh ta theo đuổi một cô gái Jordan và bị cô ta ném vào mặt câu sau, chính xác từng từ một: “Xin lỗi anh! Ở Jordan, phẩm hạnh của phụ nữ không đựng trong cái quần lót!”.  (Còn tiếp)

Nguyễn Phương Mai*

* Tác giả Nguyễn Phương Mai, tiến sĩ về giao tiếp đa văn hóa, hiện là giảng viên ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan (Amsterdam University of Applied Sciences). Hiện cô đang hoàn thành cuốn sách của mình có tựa đề Con đường Hồi giáo sau hơn 9 tháng đi khắp các nước Trung Đông.

 >> Phụ nữ Ả Rập Xê Út được phép lái… xe đạp
 >> Phụ nữ Ả Rập Xê Út được vào hội đồng cố vấn
 >> Phụ nữ Ả Rập Xê Út sẽ được đến sân xem đá bóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.