>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 3: Nguyễn Vĩnh Bảo - đệ nhất danh cầm
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 2: Bạch Công Tử bị bỏ quên
>> Báu vật' đờn ca tài tử
|
Tấm lòng “người giữ lửa”
95 tuổi, hơn 80 năm gắn bó với cây đờn, tiếng ca, nghệ nhân Tư Bền (Võ Văn Chuẩn, xã Mỹ Lệ, H.Cần Đước, Long An) giờ đã mãn nguyện khi liên tục nghe những tin vui về bộ môn nghệ thuật mà ông mang theo cả đời. Tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ), nơi thờ linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại - người được nhìn nhận như là một trong những “tổ sư” của bộ môn đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, tên tuổi nghệ nhân Tư Bền cũng được vinh danh cùng với những nghệ nhân xứ Cần Đước như là người đã có công giữ gìn, truyền thụ bộ môn nghệ thuật này cho các thế hệ tài tử ở quê hương.
|
Hôm chúng tôi đến, nghệ nhân Tư Bền lại hỏi: “Đình Vạn Phước có vui không?”, nơi các tài tử đờn, tài tử ca kéo về thi thố tại liên hoan được tỉnh Long An tổ chức đã 20 năm nay. Tối đến, anh Tám Toàn, con ông đờn kìm song tấu cùng nghệ nhân Út Bù (đờn ghi ta) đoạt giải A của liên hoan. Ông vui và nói tối nay sẽ kêu cháu nội chở đến đình. Mười mấy năm rồi ông ít ra khỏi nhà. Cũng đã mười mấy năm rồi, cây đờn kìm theo ông phần lớn cuộc đời giờ trở nên “ngang bướng”. Cánh tay yếu ớt để có thể đỡ cần, ngón tay run để có thể nắm phím... Nhưng nghệ nhân Tư Bền nói ông không buồn vì điều đó. Bởi lớp tri kỷ, tri âm của ông ngày trước giờ đã lần lượt về với ông bà. Ông nói, không có ĐCTT, người ta chẳng mấy khi tìm đến nhau và trở nên cô đơn biết bao ở vùng đất hãy còn hoang vắng. Đạo nghĩa, nhân tình cũng thiếu đi những cung bậc để ngợi ca...
Sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ theo nghề hát bội, nhạc lễ, ĐCTT, nghệ nhân Tư Bền lớn lên trong những ngày vùng Cần Đước quê ông đã nổi lên với nhiều tài tử đờn ca là thế hệ chân truyền của nhạc sư Nguyễn Quang Đại.
Học chơi nhạc từ năm 11 tuổi bởi người cha là nghệ nhân Tư Chí, lớn lên, Tư Bền còn tìm học ở các nghệ nhân tên tuổi trong vùng như Bảy Quế, Năm Giai, Năm Long, Hai Biểu... Những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, nghệ nhân Tư Bền đứng ra thành lập ban nhạc phục vụ khắp nơi. Cho đến khi chiến tranh ly loạn, phần lớn các thành viên trong ban ĐCTT của ông theo kháng chiến. Trong gia đình ông cũng có 4 người con thoát ly vào rừng... Ban ĐCTT của Tư Bền nổi danh một thời cũng đành rã đám.
Sống tốt hơn nhờ tiếng đờn
Trong bộ môn ĐCTT Nam bộ ở xứ Cần Đước, ông Tư Bền được coi là bậc “tiền bối” có nhiều đóng góp, giữ lửa phong trào, đào tạo nên các tài tử đờn, tài tử ca.
“Cháu coi, ai thích tiếng đờn, lời ca đều sống mở mang tấm lòng, đối xử với nhau bao dung hơn”, nghệ nhân Tư Bền tâm sự. Dân Mỹ Lệ có lẽ nhiều người còn nhớ tình tri kỷ, tri âm giữa ông Tư Bền và thiếu tá Cang (Nguyễn Hữu Cang). Một người phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, một người gia đình có nhiều thành viên theo kháng chiến. Thiếu tá Cang “ghiền” tiếng đờn kìm của ông Tư Bền, nên hay chạy về Chợ Đào để được nghe đờn hát. Một lần chạy xe về Chợ Đào tìm Tư Bền, thấy thiếu tá Cang trầm tư, Tư Bền hỏi khéo, ông Cang nói thiệt: “Có người “tố” tui chơi thân với gia đình Việt Cộng nên tui bị đổi đi”. Sau lần đó, biệt tin cho đến khi đất nước thống nhất. Sau khi “cải tạo” về, thiếu tá Cang gửi thư nói nhớ ngón đờn của ông Tư Bền. Nhận được thư, ông Tư Bền cùng một tri kỷ nữa đón xe lên Sài Gòn thăm ông Cang nhưng ông Cang đã xuất cảnh.
Sau này, ông Tư Bền vẫn cùng những bạn tài tử của mình xách đờn giao lưu khắp nơi. Ông truyền dạy cho nhiều đệ tử, hoàn thiện các ngón nghề. Trong số đệ tử của ông, có con ruột là Tám Toàn nối nghiệp cha với ngón đờn kìm nổi danh cả xứ Chợ Đào. Hôm chúng tôi ghé, ông nói bạn bè giờ cũng không còn, ông đờn cũng không còn như trước. Nhưng ông mãn nguyện vì ngọn lửa đã truyền tay.
Tiến Trình
>> Vinh danh đờn ca tài tử - di sản văn hóa của nhân loại
>> Tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất
>> Trao giải Hoa sen vàng Liên hoan Đờn ca tài tử TP.HCM 2013
Bình luận (0)