Sau bài viết đề nghị đưa sân bay Tân Sơn Nhất ra khỏi nội thành của tôi, mặc dầu có nhiều ý kiến phản đối nhưng tôi vẫn tiếp tục đề nghị đưa ga Sài Gòn ra khỏi nội thành luôn và khẩn thiết đề nghị ngưng ngay dự án đường sắt trên cao từ ga Sài Gòn đi ga Dĩ An.
>> Nhân một sự cố đầu tư, bàn về việc di dời sân bay Tân Sơn Nhất ra khỏi nội thành
|
Không có gì vô lý hơn khi con người và hàng hóa từ ngoại thành được chuyên chở vô nội thành để tập trung về ga Sài Gòn rồi từ ga Sài Gòn đi đường sắt trên cao ra lại ngoại thành. Nếu vậy tại sao không làm ngược lại là để cái điểm đầu của tuyến đường sắt Bắc - Nam ở một ga thuộc ngoại thành, chẳng hạn ga Bình Triệu, các phương tiện vận tải khác di chuyển con người và hàng hóa đến đó rồi lên tàu đi ra Trung, ra Bắc?
Nếu dời ga Sài Gòn ra ngoại thành (Bình Triệu hoặc đâu đó tùy vào nhà quy hoạch, miễn sao không lọt thỏm vào nội thành là được) thì trước hết là khỏi mất một đống tiền làm tuyến đường sắt trên cao chạy từ Hòa Hưng lượn qua quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh. Đừng tưởng rằng tuyến đường này đơn giản. Phải giải tỏa rất căng thẳng các công trình kiến trúc, rồi gây vướng víu rất lớn đến sự phát triển của nội ô. Hãy tưởng tượng một con rắn khổng lồ lượn lờ trên không trung, bao nhiêu thứ phải né tránh nó ra.
Khác với việc di dời sân bay Tân Sơn Nhất chưa ai đề xuất, việc di dời ga Sài Gòn đã từng là quan điểm của Ủy ban nhân dân TP.HCM và Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị này, nhưng đến năm 2008, Bộ Giao thông vận tải bỗng dưng không đồng ý. Và cuối cùng UBND TP.HCM phải miễn cưỡng chấp nhận một phương án vừa tốn kém vừa gây rối cho sự phát triển của nội ô Sài Gòn là làm đường sắt trên cao để tránh kẹt xe. Được biết, hiện nay dự án đường sắt trên cao từ ga Sài Gòn ra ga Dĩ An đang triển khai ráo riết.
Ở cái nước mình kể ra nó cũng lạ. Một cái đúng bị một cái sai lấn át nhưng cuối cùng đành phải chịu. Thật ra đây chỉ là quyền lợi cục bộ của ngành đường sắt, sợ mất cái lô đất rộng 40 ngàn mét vuông nằm ở Hòa Hưng và 70 ngàn mét vuông của cơ sở sản xuất toa xe Sài Gòn kế bên mà thôi. Vì quyền lợi của ngành hay có thể của cá nhân, mà quyền lợi của toàn dân bị bóp méo đi như vậy đó. Và cũng buồn thay cho sự thỏa hiệp của UBND TP.HCM. Thấy đúng thì phải quyết liệt đấu tranh chứ! Tại sao lại đi “dĩ hòa vi quý” bằng một dự án làm đường sắt trên cao?
Tôi có đọc lại nhiều ý kiến trên các báo khi viết bài này. Rất nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn nhận định rằng quan điểm của Bộ Giao thông vận tải không có cơ sở gì vững chắc hết. Vậy mà cuối cùng nó cũng thắng mới lạ!
Tuy nhiên có điều thế này. Trước đây UBND TP.HCM đề nghị dời ga Sài Gòn về tuốt Dĩ An có lẽ hơi xa. Vì vậy ngành đường sắt than là họ sẽ thất thu vì không có người đi tàu. Đây chính là điểm cần tháo gỡ vướng mắc. Như vậy có thể lấy điểm đầu là ga Bình Tiệu thay cho Dĩ An được không? Cái này cần cân nhắc. Không thể vì Dĩ An xa quá mà đòi “ở lì” lại Sài Gòn.
Tôi cho rằng Quốc hội nên cho ý kiến về vấn đề này. Vì ở đây có sự chênh nhau về quan điểm giữa chính quyền địa phương và ngành dọc. Không thể lấy quyền của ngành dọc để áp đặt một cái sai lên một cái đúng cho địa phương.
Một lần nữa tôi khẩn thiết đề nghị cho dừng ngay dự án đường sắt trên cao ga Sài Gòn - ga Dĩ An chờ Quốc hội họp bàn. Không nên vội vàng mà ảnh hưởng đến quyền lợi của toàn dân, của quốc gia. Mà cái sai này về sau không thể sửa nổi đâu!
Trần Đình Thu (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia, nhà báo, đạo diễn sống tại TP.HCM
>> Đề xuất di dời ga Hòa Hưng và ga Gò Vấp
>> Không cần thiết di dời ga Sài Gòn
>> TP.HCM: Kiến nghị di dời ga đường sắt ra ngoại thành
Bình luận (0)