|
Năm 2009, đã có 3 phương án (của nhóm chuyên gia Nhật - Việt) được đưa ra trong nghiên cứu của đoàn công tác JICA về cầu đường sắt vượt sông Hồng. Trong đó, phương án A cầu mới cách cầu Long Biên 30 m. Phương án B cách 200 m. Phương án C cách 500 m.
Đi cùng với các phương án này là bảng thống kê đánh giá tác động nhiều mặt của chúng. Chẳng hạn, chúng có ảnh hưởng về cảnh quan ra sao với cầu Long Biên, việc vận tải được thực hiện thế nào trong tương lai, số hộ cần tái định cư, tác động tới phố cổ ra sao, dòng chảy và môi trường ảnh hưởng thế nào.
Theo đó, phương án A sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan, còn hai phương án kia có ảnh hưởng tích cực. Phương án A cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới khu phố cổ, tới dòng chảy và môi trường còn hai phương án kia không có tác động như vậy. Phương án A cần giải tỏa khoảng 150 hộ dân, phương án B khoảng 140 hộ dân và phương án C khoảng 500 hộ dân.
Không chọn phương án hủy hoại cầu
Dựa trên nhiều nghiên cứu khác nhau, trong đó có nghiên cứu vừa nêu, Chính phủ cũng đã đưa ra quyết định cuối cùng trong Thông báo số 200/TT-VPCP ngày 15.7.2010, thông báo về Kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban Chỉ đạo tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Thông báo này nêu rõ: “Đồng ý phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên cũ 186 m, Tổng công ty đường sắt Việt Nam thống nhất với UBND TP.Hà Nội để xử lý cụ thể”.
|
Cũng phải nói thêm, trước đó, thông tin từ phía Bộ GTVT cho biết phía JICA đang chờ khẳng định vị trí nhằm chốt lại dự án để ký hiệp định cho vay vốn triển khai thực hiện. Trong khi đó, phương án dịch cầu mới “trùng tim” với cầu cũ hoặc chỉ cách vài chục mét lại rất gần với “phương án A” đã bị đoàn công tác của JICA đánh giá là ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, cảnh quan. “Chính các chuyên gia nước ngoài khi đó đã nghiên cứu và ủng hộ chúng ta việc giữ di sản cầu Long Biên”, PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, một chuyên gia đô thị nhiều năm nghiên cứu di sản này cho biết.
Bà Thục còn cho biết không chỉ các chuyên gia Nhật Bản quan tâm đến giá trị di sản của cầu Long Biên, người Pháp cũng rất quan tâm đến di sản này. “Pháp đã từng gửi công hàm về việc bảo tồn cầu Long Biên. Hai nước Nhật - Pháp cũng từng hội ý cấp chính phủ về việc bảo tồn cây cầu này. Chúng ta cũng đã thấy JICA đánh giá về ba phương án cầu thế nào. Họ không chọn phương án hủy hoại nó. Chính phủ ta đã đúng khi quyết định cây cầu mới cách cầu cũ 186 m”, bà Thục nói.
Chính vì thế, chuyên gia đô thị này cũng ngạc nhiên vô cùng khi Hà Nội lại đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án để “vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng trùng với cầu Long Biên hiện có, hướng tuyến 2 đầu cầu trùng với hướng tuyến đường sắt hiện có”. “Như vậy là làm trái với Thông báo 200 của Chính phủ trước đây”, PGS-TS-KTS Thục nói.
GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, nói: “Người Nhật luôn đặt ra việc bảo tồn di sản trên con đường phát triển của mình. Khi cân nhắc một dự án đầu tư, họ cũng không quên điều đó. Bản thân thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho thấy tinh thần bảo vệ di sản, tinh thần tiếp thu trên những nghiên cứu khoa học liên quan. Phương án đó rất tốt từ góc độ di sản, phát triển bền vững. Tôi thực sự không hiểu vì sao lại có sự thay đổi phương án thành những phương án phá cầu như bây giờ”.
Bộ VH-TT-DL giao văn bản liên quan cầu Long Biên cho Vụ Kế hoạch tài chính xử lý Ngày 21.2, ông Nguyễn Quốc Quỳ - Phó chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL, cho biết Bộ đã nhận được Văn bản số 1156/BGTVT-KHDT ký ngày 27.1.2014 về việc phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội. Cũng theo ông Quỳ, Bộ trưởng VH-TT-DL đã giao cho Vụ Kế hoạch tài chính chuẩn bị văn bản trả lời, song do bộ trưởng đi công tác nên vụ chưa báo cáo trả lời. Sau khi duyệt nội dung, Bộ VH-TT-DL sẽ có văn bản trả lời Bộ GTVT. Điều này phù hợp với việc trước đó trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Di sản, cho biết ông không hề biết về văn bản có liên quan đến cầu Long Biên. |
Trinh Nguyễn
>> Chùm ảnh: Cầu Long Biên và cuộc sống đời thường người Hà Nội
>> Vẫn muốn 'nâng cấp' cầu Long Biên?
>> Phá cầu Long Biên là xóa một phần ký ức Hà Nội
>> Không được phá cầu Long Biên !
>> Mở rộng đường từ cầu Long Biên - cầu Vĩnh Tuy
>> Cầu Long Biên sẽ ra sao?
Bình luận (0)