Y đức trong bước chân khẽ

27/02/2014 10:37 GMT+7

(TNO) Anh không phải là bác sĩ , cũng chẳng phải y tá, chỉ là một kỹ thuật viên ngày ngày lặng lẽ gắn máy đo điện não cho bệnh nhân. Nhưng anh đã làm thay đổi cuộc đời của con tôi và rất nhiều số phận khác với tấm lòng tận tụy của mình.

Đo điện não đồ
Đo điện não đồ - Ảnh minh họa: Shutterstock

Ngày thầy thuốc, hẳn cả xã hội này đều biết ơn và vinh danh bác sĩ, một nghề quan trọng, không thể thiếu trong bất kỳ xã hội nào. Điều dưỡng, y tá cũng là những nghề cao quý, góp phần làm giảm nhẹ nỗi đau của bao bệnh nhân. Nhưng cũng còn nhiều con người khác, có thể không trực tiếp kê toa hay chích thuốc cho bệnh nhân, nhưng xã hội vẫn rất biết ơn họ vì sự đóng góp cho các bệnh nhân.

Đó có thể là cô hộ lý khẽ khàng lau dọn khi bệnh nhân đang ngủ. Đó có thể là những kỹ thuật viên làm khuôn bó bột, kỹ thuật viên chụp X-quang, kỹ thuật viên đo điện não… rất lặng lẽ làm việc theo chỉ định của bác sĩ, không có tên trong toa thuốc, chẳng có tên trong phiếu kết quả. Nhưng bằng tấm lòng và trách nhiệm với công việc, họ góp phần không nhỏ để người khác khỏe hơn.

Anh là một người như thế. Đã rất nhiều năm rồi, theo định kỳ, tôi đưa con đến căn phòng chụp điện não nhỏ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để nhờ anh đo điện não cho bé theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Con tôi mắc chứng bệnh động kinh, lại chậm phát triển nên chẳng hiểu gì để có thể nghe lời ngồi yên một chỗ trong suốt gần nửa giờ đồng hồ gắn máy đo điện não.

Bé sợ hãi ở môi trường lạ, bé la hét, bé quấy khóc, thậm chí đánh người khác. Nhưng bác sĩ chẳng thể ghé mắt vào đầu bé để quan sát sóng điện não, bé vẫn cần phải đo cho được. Năm lần bảy lượt chạy khắp nơi để đo điện não cho bé mà không được, sau lần vô tình gặp anh, vợ chồng tôi mới trút được một gánh nặng đè trên vai.

Ấy là vì anh, một cách rất bình thản, đã đưa tay đỡ cái gánh quá nặng ấy xuống. Anh rón rén bước chân thật khẽ để không đánh thức bé dậy (bé uống một liều thuốc ho có tác dụng phụ gây ngủ). Anh khẽ khàng gắn từng điện cực vào đầu bé, quy trình thường chỉ mất vài phút nhưng có khi kéo dài cả tiếng với con tôi, bởi bé liên tục giật mình hoặc thức giấc.

Anh nhẹ nhàng kéo rèm, tắt điện chỗ giường bé nằm. Anh chuyển điện thoại qua chế độ rung. Anh nhắc nhở các bệnh nhân khác im lặng vì có “ca bệnh khó”… Đôi khi không ngăn được những giọt nước mắt “vô tổ chức” sau nhiều giờ vật lộn với con, tôi nhận được ánh mắt thông hiểu của anh, dẫu như thường lệ, anh không nói gì cả…

“Lương y như từ mẫu” - câu nói ấy đôi khi nghe rất “to tát” nhưng nhìn cách anh đối xử với con tôi và các bệnh nhân khác, tôi cảm nhận sâu sắc điều đó, bởi những người cha, những người mẹ luôn tìm mọi cách để làm điều tốt nhất cho con mình. Và chỉ những người cha, người mẹ mới làm điều ấy một cách rất tự nhiên, rất bình thản, không vụ lợi, không toan tính, không sợ vất vả.

Tôi chưa từng quen anh. Chưa từng hỏi chuyện anh. Không biết rõ tên anh. Chỉ nhớ anh tên Tuấn vì tấm bảng nhân viên đeo trước ngực. Nhưng tự đáy lòng, tôi biết ơn anh sâu sắc. Cũng xin cảm ơn rất nhiều “từ mẫu” khác, những anh bảo vệ, những cô hộ lý, những kỹ thuật viên ở bệnh viện đã lặng lẽ làm tròn công việc của mình bằng cả tấm lòng. Cảm ơn vì đã góp phần làm thay đổi rất nhiều số phận con người…

Đoan Nhật

>> Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Ngôi làng có hàng chục giáo sư, tiến sĩ y khoa
>> Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam
>> Hội nghị khoa học sáng tạo Thầy thuốc trẻ VN
>> Bài dự thi: Tri ân những tấm lòng thầy thuốc
>> Lý do trở thành thầy giáo, thầy thuốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.