Anh Bồ Câu ơi, có cách nào để từ chối tình yêu mà vẫn giữ được tình anh em kết nghĩa? Gần đây ông anh kết nghĩa của em hình như bắt đầu có tình cảm đặc biệt với em. Nhưng em lại không yêu anh ấy, chỉ muốn xem anh ấy như anh trai thôi! (trinh thi thanh tam, yahoo) Có rất nhiều cách khéo léo để từ chối tình yêu mà không làm tổn thương đến đối tượng. “Em chỉ muốn xem anh như anh trai”, chính câu nói đó của em cũng là một lời từ chối lịch sự đó thôi. Tuy nhiên, tình anh em kết nghĩa có sẽ tiếp tục tồn tại sau một “biến cố” như vậy hay không không chỉ tùy thuộc vào cách từ chối, mà còn liên quan đến thái độ và bản lĩnh của người trong cuộc. Có người, sau khi âm mưu chuyển “kết nghĩa” qua “kết hôn” không xong, liền chuyển thành... “kết oán”. Nhưng cũng có người vì đã mất một tình yêu nên quyết giữ lại một tình bạn. Vấn đề là ông anh kết nghĩa của em thuộc dạng người nào! |
Thích một người con gái nào đó, mình bỏ qua giai đoạn tỏ tình và ngỏ lời cầu hôn ngay, như vậy đỡ tốn thì giờ, thậm chí còn được người con gái đó tin rằng mình muốn đến với cô ta một cách thật lòng có phải không anh? Em đang định cầu hôn với người con gái em đang thầm yêu đó! (le minh thong, yahoo) Cách đó rất hợp lý, nhưng mà... không hợp tình. Nó chứng tỏ em là con người đứng đắn và tình cảm của con người đứng đắn đó còn đứng đắn hơn nữa. Nhưng ở đời, không phải hễ đứng đắn là được con gái chọn làm chồng. Người ta chỉ lấy làm chồng (hoặc làm vợ) người nào làm cho trái tim người ta rung động. Nhưng để làm cho trái tim một cô gái rung động, ngoài chuyện chứng tỏ mình đứng đắn ra, em phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc, tâm sự, gần gũi và đến khi thấy đối tượng bắt đầu xiêu xiêu rồi thì chuyển qua... tỏ tình, cuối cùng mới tính đến chuyện kết hôn. Đằng này, chỉ ỷ vào yếu tố đứng đắn không thôi, chẳng biết tình cảm người ta như thế nào, đang để ý mình hay để ý... người bên cạnh mình, nhào vô cầu hôn đại thì khả năng thất bại chiếm tới 99% em à. |
Anh Bồ Câu ơi, lương bổng của em bao nhiêu, vợ em đều nắm rõ. Vợ em cũng thừa biết là mỗi khi lãnh tiền, em đều đưa toàn bộ cho cổ, không giữ lại một đồng nào (khi nào cần tiêu xài chuyện gì, em hỏi xin cổ). Vậy mà không hiểu sao cổ cứ hay thích lục lọi túi áo túi quần của em! Cổ làm vậy để làm gì hở anh? (bui bang phi son, gmail) Túi áo túi quần của đàn ông đâu phải là nơi chỉ để cất tiền. Có thể cô ta hy vọng cứ lục hoài lục hủy, biết đâu sẽ có ngày vớ được một bức thư tình mùi mẫn! Nếu không ấp ủ một hy vọng lớn lao như vậy, cô ta đâu có kiên trì lục lọi ngày này qua tháng nọ làm chi cho cực thân. Còn chuyện đưa toàn bộ tiền bạc cho vợ cũng chưa hẳn là... thượng sách. Với người vợ này, hành động đó chứng tỏ chồng mình là một đấng chính nhân quân tử. Với người vợ khác, hành động đó lại cho thấy chồng mình là một tên rất đáng nghi, nếu hắn không mua chuộc cũng cố tình làm cho mình mất cảnh giác trước một sự việc mờ ám nào đó. Chắc vợ em đang nghĩ em thuộc về trường hợp thứ hai chăng? |
Anh Bồ Câu ơi, tại sao người con trai yêu người con gái? (hoa thủy tiên, gmail) Để biết thấu đáo sự thật về vấn đề này, có lẽ em phải đi phỏng vấn từng người con trai. Có người yêu con gái vì đôi mắt đẹp, có người vì cái cằm xinh, có người lại vì đôi chân dài. Có người yêu nết na, có người yêu tính cách, có người yêu dáng đi, thậm chí yêu những giọt nước mắt. Nhưng trên đại thể, con trai yêu con gái chủ yếu vì con gái... khác con trai! |
Anh Bồ Câu
Bình luận (0)