(TNO) ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố đề án tuyển sinh riêng. Theo đó, ĐH này sẽ tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực từ năm 2014 và sẽ tổ chức thi 4 đợt trong năm từ năm 2016. Cụ thể như sau:
Năm 2014: Áp dụng phương thức tuyển chọn theo hướng đánh giá năng lực để tuyển sinh cho các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, sau khi ứng viên đã trúng tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội qua kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Ứng viên sau khi trúng tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội có nguyện vọng dự tuyển vào các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế sẽ được hướng dẫn làm quen với hình thức bài thi đánh giá toàn diện năng lực.
Năm 2015: Áp dụng phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực đối với các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân, cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế; bài thi đánh giá năng lực chung sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh ĐH theo 3 chung của Bộ GD-ĐT; các ngành còn lại được tuyển sinh theo kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung của Bộ GD-ĐT.
Các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế được tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực thông qua quy trình để tuyển chọn theo năng lực (mục 3.3); sau khi các ứng viên trúng tuyển vào các ngành đào tạo này sẽ được phân loại để tuyển chọn vào các lớp học theo chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế và các chương trình đào tạo cử nhân hệ chuẩn tương ứng. Tùy theo chương trình đào tạo, việc phân loại được thông qua đánh giá năng lực tiếng Anh và/hoặc phỏng vấn và/hoặc hồ sơ. Bài thi đánh giá năng lực chung và chuyên biệt sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung. Vì vậy, các ứng viên dự tuyển vào các ngành đào tạo này, sau khi dự thi bài thi đánh giá năng lực, vẫn có cơ hội tham gia kỳ thi 3 chung để vào các ngành hoặc các đơn vị đào tạo khác.
Năm 2016: Áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả các ngành đào tạo ĐH trước thời điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức 3 chung của Bộ GD-ĐT.
Cấu trúc của bài thi đánh giá năng lực gồm: 1 bài luận và 112 tiểu mục trắc nghiệm được chia thành 6 phần, các ứng viên làm từng phần với tổng thời gian là 195 phút (không kể thời gian thu bài luận và chuyển phần thi 20 phút). Trong số các câu hỏi này sẽ có một số câu hỏi không tính điểm để dùng làm cơ sở so bằng độ khó (equating) và làm neo đề (anchor test) giữa các bài thi. Đây là một điều kiện quan trọng để kết quả giữa các bài thi khác nhau có chung thang đo tương đương về độ khó, trên cơ sở đó, kết quả của bài thi có thể so sánh và sử dụng lại nhiều lần. Để đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy của việc này, các đề thi sẽ được bảo mật cho tới khi sử dụng hết vòng đời của nó và ứng viên không biết các câu hỏi nào được dùng để làm so bằng và neo đề.
Phạm vi kiến thức được sử dụng làm nền tảng cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung thuộc phạm vi chuẩn kiến thức, kỹ năng của bậc phổ thông.
Kết quả bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung sẽ được báo cáo qua 3 đầu điểm cho 3 phần: (i) Viết luận; (ii) Ngôn ngữ và (iii) Lập luận định lượng (Toán học).
Điều kiện dự thi và hình thức đăng ký thi.
Bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung áp dụng cho tất cả các đối tượng có nhu cầu và cam kết chấp hành quy định của kỳ thi chuẩn hoá.
Các ứng viên đăng ký thi đánh giá năng lực chung qua cổng thông tin tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc trực tiếp tại Viện ĐBCLD – ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thời gian và địa điểm thi.
Các ứng viên có thể đăng ký thi đánh giá năng lực chung để lấy điểm vào bất kể đợt nào trong các đợt thi tại các tháng 2, 3, 11, 12 hàng năm tại một trong các điểm thi tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng (số điểm thi có thể gia tăng tại các địa phương, tùy thuộc điều kiện và nhu cầu thực tế). Thời gian chi tiết và địa điểm cụ thể sẽ được thông báo trên cổng thông tin tuyển sinh trước ngày thi ít nhất là 3 tháng.
Hình thức thi.
Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung được tổ chức thi viết trên giấy. Tuy nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng lộ trình để áp dụng tổ chức thi trên máy tính trong tương lai.
Thời hiệu của Phiếu kết quả bài thi đánh giá năng lực chung.
Phiếu kết quả sẽ có 3 đầu điểm tương ứng với 3 phần của bài thi với khoảng điểm là 20-80 điểm cho mỗi phần. Tổng điểm tối đa của 3 phần là 240 điểm.
Các ứng viên có thể đăng ký làm bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung nhiều lần và lấy kết quả cao nhất của các lần thi để ứng tuyển. Kết quả thi có thể sử dụng nhiều lần cho tuyển sinh ĐH trong vòng 2 năm vào ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng như dùng để tuyển sinh vào các trường công nhận và có sử dụng chung kết quả này với ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng sử dụng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt để tuyển thí sinh vào các chương trình đào tạo đặc biệt. Các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt được tổ chức đồng thời trong cùng thời điểm vào tháng 7 hàng năm, tại Hà Nội. Thông tin cụ thể sẽ được thông báo trên cổng thông tin tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội trước 30 tháng 1 hàng năm.
>> 3 trường Cao đẳng ra đề án tuyển sinh riêng năm 2014
>> Thêm 3 trường công bố đề án tuyển sinh riêng
>> Thêm nhiều trường công bố đề án tuyển sinh riêng
Vũ Thơ
Bình luận (0)