Góc nhìn: Điệp khúc buồn của rau củ quả

04/03/2014 09:45 GMT+7

Những ngày qua, nhiều nhà vườn ở Lâm Đồng phải mang rau củ quả đổ cho bò, cho lợn ăn hoặc bỏ luôn ngoài ruộng làm phân xanh chứ không thu hoạch vì nông sản rớt giá thê thảm.

Tình trạng này đã liên tục xảy ra trong hàng chục năm qua. Người trồng rau, hoa ở chính xứ rau - hoa này luôn gặp phải điệp khúc: “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”. Thu nhập của nông dân trồng rau, hoa ở Lâm Đồng thuộc hàng cao nhất nước, khi 1 ha cho thu nhập hàng trăm triệu cho đến hàng tỉ đồng/năm, nhưng con số này rất ít, còn lại đại đa số nông dân luôn lâm vào cảnh làm vườn như đánh bạc.    

Nhiều năm qua, đời sống của không ít hộ trồng hoa cứ “phập phồng theo giá”. Phần lớn giá cả đều do thương lái quyết định, thậm chí nhiều hộ trồng hoa rồi thu hoạch gửi về các vựa ở TP.HCM bán mà không hề biết giá cả là bao nhiêu, đến khi rủi ro, các vựa báo lên là không bán được thì họ coi như mất trắng. Người trồng hoa  dựa vào “thời tiết” của thị trường để quyết định trồng loại hoa gì, nhưng chẳng may lúc thu hoạch thì các địa phương khác cũng có trồng nên bị “dội chợ”. Vào thời điểm cần bán nhưng hoa không nở thì coi như thua, ví như hoa lay ơn, hoa lily vừa rồi nở không đúng dịp tết nên nhiều nông dân bị lỗ nặng… Tương tự, với rau các loại, vào thời điểm này nông dân cũng đang “nhăn mặt” vì “đại hạ giá”. Giá rau bị hạ không phải do rau xấu hay tốt, sạch hay không mà vì các tỉnh thành khác hiện cũng đã trồng rất nhiều loại rau nên thị trường bị thừa, không tiêu thụ được.

Điều đáng nói, trong khi với nông dân trồng nhỏ lẻ thì gặp cảnh “éo le” như vậy, nhưng có nhiều hộ khác liên kết trồng rau thì được các doanh nghiệp bao tiêu ổn định. Một chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) trồng, kinh doanh rau ở TP.Đà Lạt cho hay, mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường trong nước 40 tấn rau củ các loại và thu mua của những hộ liên kết với giá ổn định trong cả năm. Nguồn rau cung cấp hàng ngày ra thị trường của HTX đang có nguy cơ thiếu hàng, nhưng để giữ uy tín với khách hàng lâu nay nên vẫn không dám thu mua rau trôi nổi đang ế như thời điểm này dù giá rẻ mạt. Một ví dụ như vậy để cho thấy vấn đề liên kết “4 nhà” là đang rất cần thiết.                          

Liên kết thì người nông dân được hỗ trợ từ quy trình sản xuất cho đến chuyện bao tiêu sản phẩm, tuy nhiên để liên kết được cũng không phải dễ.  Rất nhiều  nông dân gần như “mù” thông tin về các doanh nghiệp nên họ luôn sợ bị “dở quẻ” mỗi khi rau củ ế ẩm.  Rõ ràng, ở đây cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chưa thực sự làm tốt vai trò của mình để giúp nông dân… Cũng cần định hướng cho nông dân nên trồng loại rau gì là thế mạnh của địa phương để tập trung sản xuất hơn là cứ để nông dân “tự bơi” trồng hàng loạt những cây mà địa phương nào cũng có. Những vấn đề này luôn xuất hiện trên bàn hội nghị, hội thảo và bây giờ đã đến lúc làm sao chuyển vấn đề từ bàn giấy ra áp dụng trên đồng ruộng thì may ra người nông dân mới thoát cảnh “khủng hoảng thừa” như lâu nay.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.