|
Năm ngoái, sau vụ mía rớt giá, nông dân Đặng Văn Triều (58 tuổi, ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã chuyển đổi 3 công đất trồng mía sang trồng cây sương sáo (còn gọi là cây thủy cẩm hay thạch đen). Vụ rồi, giá sương sáo được thương lái mua 33.000 đồng/kg để xuất sang Trung Quốc. Với 3 công đất, ông Triều đạt doanh thu 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 100 triệu đồng. Vụ này, ông Triều đã chuyển toàn bộ 20 công đất trồng mía sang trồng sương sáo.
Gần đó, ông Lê Văn Minh (41 tuổi) cũng chuyển 2 công đất trồng mía sang trồng sương sáo thu được 80 triệu đồng, lời 40 triệu đồng. Ông Minh cho biết sau một vụ mùa được giá, diện tích cây sương sáo trong ấp đột ngột tăng. Đến nay đã có 30 hộ bỏ mía trồng sương sáo với diện tích 22 ha. Ông Lý Hồng Tưng, Trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Hưng, cho biết do cây sương sáo đột ngột tăng giá nên nhiều hộ dân trong ấp trồng loại cây này đã có lời khá. Thời điểm cao nhất sương sáo được chào mua tại ấp với giá 38.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ông Tư cảnh báo đến cuối vụ thì giá rớt thê thảm, chỉ còn 7.000 đồng/kg. Với giá như hiện nay thì người trồng sương sáo cầm chắc lỗ.
Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng cho biết toàn xã hiện có trên 33 ha đất mía được người dân chuyển sang trồng sương sáo; thời điểm cao nhất người dân trong xã trồng đến 60 - 70 ha loại cây này. Thế nhưng, sau khi người dân đua nhau trồng thì sương sáo lại rớt giá thảm hại, có lúc chỉ còn 3.000 đến 3.500 đồng/kg. Với giá này thì người trồng lỗ nặng, bởi trồng loại cây này cần đầu tư lớn, trung bình trên 10 triệu đồng/công. Có năm sương sáo xuống thấp nhưng cũng không có người mua, nông dân phải dùng thuốc diệt cỏ để diệt bỏ.
Theo người dân ở xã Hiệp Hưng, thời gian trước có thương lái Trung Quốc đến tìm mua cây sương sáo với số lượng lớn. Tuy nhiên, gần đây không thấy họ quay lại mà chỉ có thương lái ở địa phương và một số vùng lân cận tới mua nói để bán đi Trung Quốc. Trả lời Thanh Niên, ông Trần Văn Tuấn, Phó phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn H.Phụng Hiệp cho biết cây sương sáo được người dân trồng tự phát ở các xã Hiệp Hưng, Kinh Cùng, Long Thạnh… nhưng hiện chưa thống kê được diện tích bao nhiêu. Loại cây này được khuyến khích trồng ở địa phương. Trước thông tin nhiều hộ dân bỏ mía trồng loại cây này bán cho Trung Quốc, ông Tuấn nói đang cho cán bộ rà soát lại và sẽ có những khuyến cáo cho người dân trong thời gian tới.
Tiến Trình
>> Làm giàu từ cây sương sáo
>> Giúp nông dân tái sản xuất
>> Nông dân làm kinh tế giỏi
>> Đừng để nông dân 'chết' oan
>> Không chỉ nông dân khóc
Bình luận (0)