Gương mặt Thanh niên tiêu biểu 2013: Hoa tím giữa Trường Sa

12/03/2014 10:35 GMT+7

(TNO) Nếu gặp ngoài đời, không ai nghĩ cậu thanh niên thư sinh trẻ trung, mắt to tròn như con gái Cấn Ngọc Sơn (sinh 1984, quê Phụng Thượng, Phúc Thọ, TP.Hà Nội) lại là Thượng úy chỉ huy ở những điểm đóng quân khó khăn, vất vả và căng thẳng nhất trong các đảo chìm ở Trường Sa.

>> Tem hiếm về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

 

 
Sơn tại đảo Cô Lin

Thế nhưng buổi chiều ngồi ven bờ đảo chìm Đá Đông B, lẩn mẩn nói chuyện đồng hương, mới thấu hiểu những gì mà Sơn đã và đang tỏa sáng ở quần đảo.

Sơn là anh cả trong gia đình có 3 anh em. Hồi còn bé, cứ thấy các chú bộ đội ở “thành phố lính” Sơn Tây đều đặn dã ngoại qua làng, cậu bé Sơn lại ào ra vỗ tay túm áo, chạy theo các chú, mơ được 1 ngày khoác áo xanh màu cỏ.

Học xong THPT, Cấn Ngọc Sơn thi đỗ Trường Sĩ quan Lục quân 1, chuyên khoa Binh chủng Hợp thành và năm 2009 tốt nghiệp, nhận quyết định về công tác tại Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, BTL Vùng 4 Hải quân. 


Sơn (đội mũ cứng đứng phía sau) chỉ huy bộ đội và trực tiếp cứu ngư dân

Gần 2 năm công tác tại Căn cứ Cam Ranh, tháng 7.2011, Sơn được giao nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng đảo chìm Cô Lin (Trường Sa) và nhận lệnh lên tàu thay quân, ngay đầu mùa bão gió.

“Đã xác định về Lữ đoàn 146 là sẵn sàng ra đảo, nhưng không ngờ được phân công giữ trọng trách chỉ huy ở điểm căng thẳng, nhạy cảm và tuyến đầu khó khăn gian khổ như đảo chìm Cô Lin!”, Sơn thú thật với tôi vậy, nhưng tự hào: “Những cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi ấy phải được cấp trên lựa chọn, tin tưởng lắm đấy!”.

Câu chuyện về một năm công tác ở Cô Lin của Sơn, khiến tôi đau đáu mãi về những đêm cả đảo thức trắng làm nhiệm vụ trực canh khi có tình hình phức tạp; đằng đẵng vài tuần thịt hộp - lương khô khi tàu tiếp tế chậm ra do gió bão; ướt rượt cả tháng áo quần ướt đầm vì sóng to gió lớn trùm lên đảo nhỏ... và hình ảnh người sĩ quan trẻ măng, lăn vào làm cùng cán bộ chiến sĩ cấp dưới, từ việc nấu cơm rửa bát, cho đến học nghề mộc, trực gác thay nhau.

“Đã ra đảo thì dù có là chỉ huy cũng vẫn là chiến sĩ Trường Sa, nếu không đoàn kết gắn bó, kề vai đỡ việc với anh em thì không thể tạo thành khối thống nhất, hoàn thành nhiệm vụ được”, Sơn thật thà “bật mí” vậy với tôi.

Tròn 1 năm, đúng tháng 7.2012, Cấn Ngọc Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về bờ và chỉ vài tháng sau, đúng tháng 1.2013 lại khoác ba lô ra đảo chìm Đá Đông B, Trường Sa với trọng trách lớn hơn: Chỉ huy trưởng.


Sơn (mặc quần áo dã ngoại Hải quân) chụp hình kỷ niệm và chia tay các ngư dân

Với suy nghĩ: “Đằng sau mỗi quyết định của mình là sự vững chãi của đảo, cùng sinh mạng bao cán bộ chiến sĩ”, Sơn đúc rút kinh nghiệm khi công tác ở Cô Lin và đặc biệt coi trọng việc phán đoán, xử lý mọi tình huống xảy ra trong khu vực.

“Đơn cử như việc quan sát nhận dạng tàu thuyền, chỉ cần bỏ ống nhòm chạy vào tìm sổ sách nhận dạng, có khi trở tay không kịp”, Sơn nói vậy. Cũng chính vì “nhanh mắt, nhanh tay”, mà đầu tháng 10.2013, Sơn đã cùng bộ đội cứu sống 10 ngư dân bị chìm tàu gần Đá Đông B.

Dịp ấy biển động, buổi sáng nhưng trời mưa mù mịt, sóng nâng cấp 5-6, chiến sĩ trực canh báo phát hiện 1 tàu đánh cá Việt Nam loay hoay phía xa. Sơn trực tiếp quan sát, nhận định: “Tàu bị chồm lên rạn san hô, bị hư hỏng thiết bị thông tin, không ra nổi” và hạ xuồng CQ, cùng 1 tốp chiến sĩ vượt mưa gió lao ra cứu chiếc tàu gặp nạn. Cả ngày dầm mưa gió nhịn ăn, cán bộ chiến sĩ đã đưa được 10 ngư dân cùng dụng cụ đánh bắt, đồ đạc cá nhân lên đảo an toàn và tổ chức chăm sóc y tế, nấu nướng - nhường lương thực thực phẩm, giường chiếu chăn gối, nuôi các ngư dân tàu cá Phú Yên gần 1 tuần.

Hành động quyết đoán, dũng cảm và đi đầu trong cứu nạn của Sơn đã khiến thuyền trưởng tàu cá bị nạn Đặng Nhu xúc động thực sự và khi chia tay, không chỉ anh Nhu mà các thủy thủ trên tàu đều rơm rớm nước mắt xúc động: “Không có bộ đội, chỉ vài tiếng nữa là chúng tôi bỏ mạng trên biển!”.

Hỏi việc khen thưởng, Thượng úy Cấn Ngọc Sơn cười trừ: “Thành tích chung của toàn đảo”, khiến Thiếu tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Ban Tuyên huấn Lữ đoàn 146 phải liệt kê giúp tôi: 3 năm (2005, 2007, 2010) là Chiến sĩ Thi đua; 2009 nhận Bằng khen của Trường Sĩ quan Lục quân 1; 2013 nhận Bằng khen của Tổng cục Chính trị QĐNDVN và đồng thời được bầu chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô trong năm 2013.

Hỏi chuyện riêng tư, lại thấy Sơn cười bẽn lẽn: “Ngày 13.3.2014 này em lấy vợ. Bạn đời của em công tác tại Cam Ranh, nguyện gắn bó với lính đảo cũng chỉ vì chung sở thích yêu màu tím thủy chung!” và hớn hở: “Anh về quê Phúc Thọ chia vui với chúng em nhé. Xong đám cưới, em lại vào đơn vị nhận nhiệm vụ ngoài đảo!”.

Cái sự hớn hở sáng bừng trong mắt người lính đảo, đượm màu tím biếc. Tím tận cùng chung thủy với Trường Sa.

Mai Thanh Hải 

>> Tuyên dương thanh niên tiêu biểu
>> Gặp gỡ thanh niên tiêu biểu đại diện 54 dân tộc
>> Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đối thoại cùng thanh niên tiêu biểu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.