(TNO)Truyền thông và cư dân mạng Malaysia lên tiếng chỉ trích chính quyền nước này đang cố che đậy hoặc giấu diếm điều gì đó từ vụ máy bay mất tích.
Thông tin “loạn xạ” về vị trí máy bay mất tích
Chiếc Boeing 777-200 (số hiệu MH370) của hãng Malaysia Airlines mất tích hôm 8.3 đến nay vẫn “biệt vô âm tín” mặc cho hàng loạt nỗ lực tìm kiếm của nhiều quốc gia, theo AFP ngày 12.3.
Ban đầu, chính quyền Malaysia cho biết vị trí cuối cùng của máy bay mất tích được ghi nhận ở vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia. Sau đó, phía Malaysia công bố thông tin máy bay có thể "đã nỗ lực quay lại sân bay quốc tế Kuala Lumpur". Mới đây nhất, nhiều hãng thông tấn quốc tế đưa tin "vị trí cuối cùng của máy bay là ở eo biển Malacca". Tổng tư lệnh Không quân Malaysia, tướng Datuk Sri Rodzali Daud, sau đó lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman, ngày 12.3 tuyên bố tàu và máy bay Malaysia đang mở rộng tìm kiếm ở khu vực phía nam biển Andaman.
Được biết eo biển Malacca, eo biển ngăn cách bán đảo Mã Lai với đảo Sumatra của Indonesia, nằm ở phía đông nam biển Andaman.
Người dân Malaysia giận dữ
Truyền thông, cư dân mạng ở Malaysia, và người thân hành khách trên máy bay mất tích bắt đầu “nổi đóa” với cách công bố thông tin của chính quyền Malaysia và hãng hàng không Malaysia Airlines.
Tờ The Malaysian Insider, tờ báo hàng đầu của Malaysia, lên tiếng cho rằng tâm trạng người dân Malaysia đang chuyển từ bình tĩnh sang giận dữ trước những thông tin “loạn xạ” về chiếc máy bay mất tích.
Cư dân mạng Malaysia cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền Malaysia trên mạng xã hội Twitter.
“Nếu quân đội Malaysia không thấy MH370 chuyển hướng sang eo biển Malacca, vậy họ mở rộng tìm kiếm ở biển Andaman để làm gì? Ai quyết định tìm kiếm tại đó và vì sao?”, một cư dân mạng Malaysia đặt nghi vấn trên Twitter.
“Tôi nghĩ rằng Malaysia Airlines và chính quyền Malaysia đã cố che đậy hoặc giấu diếm điều gì đó về chuyến bay MH370”, một cư dân mạng Malaysia khác viết trên Twitter.
Người dân Malaysia còn tức giận hơn khi có thông tin từ một chương trình truyền hình Úc cho rằng cơ phó máy bay mất tích Fariq Abdul Hamid (27 tuổi) từng vi phạm các luật đảm bảo an ninh sân bay, dắt hai phụ nữ tóc vàng (quốc tịch Nam Phi) vào trong buồng lái trong một chuyến bay hồi năm 2011.
Các nhà phân tích cho rằng áp lực đè lên vai chính quyền Malaysia có thể làm “chệch hướng” nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ.
Ông Gerry Soejatman, một nhà phân tích hàng không độc lập ở Indonesia, cho biết: “Áp lực từ cộng đồng có thể dẫn đến sự đoàn kết và phối hợp các đơn vị trong công tác tìm kiếm bị rạn nứt. Đây là điều chúng ta không hề mong muốn”.
Một khi đã bị rạn nứt, thông tin và khả năng xác nhận thông tin trở thành một vấn đề và sẽ bị lấn áp bởi sự đồn đoán, hoài nghi, theo ông Soejatman.
Tờ The Malaysian Insider ngày 12.3 còn dẫn lời các nhà phân tích chỉ trích chính quyền Malaysia thiếu năng lực quản lý và kiểm soát công tác tìm kiếm và cứu hộ máy bay mất tích.
Phúc Duy
>> Malaysia mở rộng tìm kiếm máy bay mất tích ở biển Andaman
>> CIA: Không loại trừ khả năng máy bay Malaysia mất tích bị tấn công khủng bố
>> Xung quanh vụ máy bay mất tích: Việt Nam có thất vọng với Malaysia?
>> Máy bay Malaysia mất tích: Hơn nửa triệu người kiểm tra hình vệ tinh để tìm máy bay
>> Tướng quân đội Malaysia phủ nhận phát ngôn 'máy bay mất tích đi vào eo biển Malacca
>> Có hai nhân chứng nhìn thấy máy bay Malaysia trước khi mất tích?
>> Máy bay Malaysia mất tích bay thấp và lệch khỏi đường bay ban đầu 1 tiếng đồng hồ
Bình luận (0)