'Ngày yên tĩnh' tại Crimea trước thời khắc lịch sử

15/03/2014 12:27 GMT+7

(TNO) Hôm nay 15.3 bắt đầu 'ngày yên tĩnh' tại Crimea và thành phố Sevastopol của Crimea trước thềm cuộc trưng cầu dân ý.

(TNO) Hôm nay 15.3 bắt đầu 'ngày yên tĩnh' tại Crimea và thành phố Sevastopol của Crimea trước thềm cuộc trưng cầu dân ý. Tất cả các phương tiện truyền thông đều ngưng các chiến dịch vận động, kể cả ủng hộ hay chống lại việc sáp nhập vào Nga.

Bộ trưởng thông tin và truyền thông khu tự trị Crimea, ông Dmitri Polonsky, giải thích về "ngày yên tĩnh" rằng dù không có lệnh cấm chính thức nhưng họ cho rằng đây là một thông lệ quốc tế cần thực hiện, theo hãng thông tấn Itar-Tass (Nga) ngày 15.3.

Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến người dân ở Crimea, do các phóng viên Nga lẫn quốc tế thực hiện, đều cho thấy khuynh hướng nghiêng về việc Crimea sáp nhập với Nga.

“Chúng tôi đã có sự lựa chọn từ lâu, Ukraine không cho chúng tôi gì cả, chúng tôi sẽ thử sống trên đất Nga”, một người dân ở Simferopol trả lời phóng viên Itar-Tass.

“Trước đây tôi không phải là người ủng hộ việc sáp nhập, nhưng những gì xảy ra ở Ukraine quá khủng khiếp. Rõ ràng chúng tôi sẽ không được sống yên ổn”, một cư dân ở thành phố Kerchi (Crimea) cho hay.

Một nữ giáo viên ở thành phố Sevastopol (Crimea) khẳng định: “Sevastopol trước nay khác biệt bởi mối quan hệ thân thiết của mình với Nga, việc này không có nghi ngờ gì cả”.

Cũng theo Itar-Tass, một cuộc khảo sát ý kiến độc lập do các phóng viên thực hiện cho thấy, chỉ khoảng 6% dân số Crimea có thái độ tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý, và ít hơn con số đó sẵn sàng cầm vũ khí ra đường.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov “úp mở” với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại thủ đô London (Anh) ngày 14.3 rằng: “Crimea là một trường hợp đặc biệt hơn Kosovo. Vùng đất này có ý nghĩa đối với Nga nhiều hơn cả quần đảo Comoros đối với Pháp hay quần đảo Falkland đối với Anh”.

Ngoại trưởng Kerry cảnh báo cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ngày 16.3.

Nhưng ông Lavrov thì cho rằng Nga tôn trọng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, bày tỏ hy vọng Phương Tây sẽ không phán xét vấn đề Crimea mà quên đi lịch sử.

Kết thúc cuộc hội đàm kéo dài 6 giờ liền, Ngoại trưởng Mỹ và Nga vẫn chưa có “được tầm nhìn chung về tình hình Ukraine”, theo AFP.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua một nghị quyết về Ukraine trong hôm nay 15.3.

Phúc Long

>> Mỹ - Nga bất đồng quan điểm trước thềm trưng cầu dân ý tại Crimea
>> Xung đột chết người ở miền đông Ukraine
>> Ukraine kêu gọi đoàn kết, sẵn sàng cầm súng vì Crimea
>> Ukraine cáo buộc Nga chuẩn bị xâm lược
>> Tổng thống Mỹ tuyên bố ‘đứng về phía Ukraine’
>> Mỹ - Nga bất đồng quan điểm trước thềm trưng cầu dân ý tại Crimea

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.