(TNO) Với nhiều học sinh lớp 12, đây là thời gian quyết định để chọn cho mình nghề nghiệp của tương lai. Một tháng nộp hồ sơ dự thi và xét tuyển ĐH-CĐ bao giờ cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất để cái tôi bản thân của mỗi bạn trẻ tranh đấu với những lý lẽ, áp đặt và kỳ vọng của một bộ phận ông bố, bà mẹ. Nhiều sự hoang mang, những lựa chọn nhầm lẫn, sự loay hoay khi vào đời xảy ra với không ít bạn trẻ.
|
“Tôi đánh lừa ba mẹ thi đại học”
Vương Thị Minh Thư (quê ở Bến Tre) là học sinh học chuyên Văn khối C. Ngày sắp đăng ký thi đại học, mở quyển cẩm nang tuyển sinh ra, nhìn vào những ngành như ngữ văn, ngữ văn Anh, Xã hội học, Giáo dục học...
Thư nhún vai: “Mình thật sự không biết là học những ngành đó thì sẽ làm nghề gì”. Cuối cùng, Thư đã chọn ngành Báo chí vì cái tên ngành có vẻ... dễ hiểu nhất và tưởng tượng được sẽ làm nghề gì.
Theo suy nghĩ thông thường ở quê, ba mẹ cô quyết định cho con gái học sư phạm, vừa ổn định, học xong xin về gần nhà, có lương cũng khá tốt. Lúc đó, Thư kể: “Tôi chẳng có lí lẽ gì để thuyết phục ba mẹ cả. Nếu tôi nói ra tôi muốn thi báo chí thì ba mẹ tưởng tượng sẽ chạy nhong nhong ngoài đường, viết những thứ vớ vẩn nên không đồng ý.”
|
Nhưng đứa con gái đầy kỳ vọng đó đã khiến bố mẹ thất vọng. Năm 2004, chỉ chọn một ngành duy nhất là sư phạm, Thư thi rớt. Ở quê, cái áp lực của một đứa rớt đại học rất khủng khiếp, hàng xóm nhìn vào, cha mẹ lo buồn, lại còn bạn bè đã rời quê lên thành phố học cả. Nhưng sau này, khi nhìn lại, Thư chiêm nghiệm: “Bây giờ nghĩ lại tôi cảm thấy may mắn là mình đã thi rớt!”. Bởi lần thi thứ hai, Thư đã bày “mưu kế” để đạt được ý nguyện.
Cô kể: “Tôi nói dối với ba mẹ mình thi quan hệ quốc tế trong khi thực ra thi ngành báo chí. Tại sao tôi lại làm vậy? Tên của cái ngành ba mẹ nghe đâu có hiểu, nhưng mà thấy nó sang, có quốc tế là sang mà. Tôi cũng hơi khôn lỏi là lừa ba mẹ, vì biết ở nhà đâu có ai đọc được thông tin nhiều.”
Lần này, Minh Thư đậu đại học thật và trúng tuyển ngành báo chí. Trong suốt 4 năm học sau đó, cô luôn là sinh viên nằm trong top dẫn đầu của lớp. Cô tốt nghiệp với một luận văn loại giỏi và đi làm, trong khi đó ở quê, ba mẹ vẫn tưởng con gái mình học... quan hệ quốc tế.
|
Thư không hề nói gì lại sau lời nói dối đó với cha mẹ, coi như đó là một bí mật cô không nói ra bao giờ. Đã 5 năm sau khi tốt nghiệp, Thư nghiệm lại: “Tôi vẫn không tưởng tượng được là nếu bố mẹ biết thì sẽ phản ứng thế nào. Có thể bố mẹ sẽ sốc tâm lý. Có thể bố mẹ đã đi nói với người này người kia là tôi học vậy, giờ hóa ra tôi lại học ngành này. Hay đáng lẽ bố mẹ có thể thông cảm, tại sao tôi lại giấu như vậy”.
Lang thang dành học bổng... 700 triệu
Không có “mưu kế” nào khi loay hoay thuở đầu đời như Minh Thư, Bùi Nguyễn Diệu An (23 tuổi) lại phải trải qua một quãng thời gian dài sống trong hoang mang vì nghề nghiệp.
Sau một năm học đại học ở FPT, Diệu An thấy không hợp và bỏ ngang. An nhớ lại: “Lúc đó em nghĩ hoài không biết phải làm gì với cuộc đời mình hết, cảm thấy rất bơ vơ.”
Cũng năm ấy, mẹ cho An một cái máy ảnh. Đó cũng là thời gian An suốt ngày chỉ đi ngoài đường với người bạn thân, chụp ảnh xung quanh, nhìn thành phố. Có ngày, mải chụp quá, hai đứa ướt như chuột lột vì trời mưa. Lúc đó, An phát hiện mình thích chụp hình, rồi dùng chính cái máy đó thử quay phim. “Khi quay phim thấy thích hơn rất nhiều. Tự dưng em nghĩ mình phải tìm một trường học quay phim. Đó là thành quả của 1,5 năm đi lang thang ngoài đường”, An nói.
Khoảnh khắc quan trọng đó đã quyết định những năm tháng sau này của Diệu An. Bỏ qua sự tự ti, bỏ qua chuyện lơ mơ không biết làm gì và cả sự phản đối của gia đình, An tìm cách học quay phim. “Ngay khi bước vào thư viện RMIT, em đã biết nơi đó sẽ thúc đẩy mình. Nhưng em không thể học ở đây, nhà em không có tiền!”
Đó là mùa hè, trời nóng như đổ lửa, An và cô bạn thân suốt ngày rị mọ với khung hình, góc quay, diễn ở giữa đường. An nhớ lại: “Lúc quyết tâm nộp hồ sơ với em là một quyết tâm lớn lắm, y như lúc các bạn em quyết tâm đi thi đậu đại học vậy. Không học đại học thì mất thời gian, mất tuổi trẻ, mất danh dự... lúc đó em nộp hồ sơ cũng cảm thấy như vậy, không đậu thì sẽ không biết làm gì với cuộc đời mình nữa.”
|
Để “đấu” với những hồ sơ đầy giải thưởng, đẹp như mơ của những ứng viên khác, Diệu An đã làm một phim ngắn với khung hình lung linh của thành phố khi lên đèn, là lúc khổ cực, nhớp nháp trong một ngày lao động. Ở đó, người ta thấy một cô gái không chỉ muốn diễn đạt thế giới bằng lời, bằng ngôn từ, mà còn bằng cả khung hình, màu sắc, cảm xúc từ trong tim.
Như để đền đáp cho ước mơ, phim ngắn lung linh đó đã giúp Diệu An giành được suất học bổng 700 triệu. Gạt qua được nỗi lo tiền bạc, Diệu An lại được là sinh viên, xách cặp tới trường và bắt đầu những ngày tháng đi quay phim ước mơ của mình.
Diệu An cười kể lại: “Sau này mẹ em thỉnh thoảng vẫn nói không biết mốt em học ra có việc làm không, học nghề này làm cái gì không biết, học RMIT không biết lúc nào bị đuổi ra vì học kém, lấy tiền đâu mà đóng.... Nhưng em thích làm phim, em nghĩ là em sẽ đi làm phim.”
Bằng một cách nào đó, con đường đến được nghề nghiệp mơ ước thực sự không bao giờ dễ dàng được...
Bùi Nguyễn Diệu An đã vượt qua rất nhiều ứng viên có giải quốc gia để giành suất học bổng 700 triệu bằng một đoạn phim ngắn dài 3 phút 17 giây. Cô bé chỉ làm bằng “đạo cụ” là máy ảnh, tripod và... sự giúp đỡ của cô bạn thân, Diệu An đã diễn tả vì sao cô xứng đáng được học làm phim bằng những khung hình lung linh, sống động trong thế giới của cô bé 19 tuổi. Bạn có thể xem phim ngắn ấy tại đây:
|
Khải Đơn
>> Chọn ngành dự thi cần phải chín chắn
>> Cần tư vấn tốt cho học sinh chọn ngành phù hợp
>> Chọn ngành học theo tính cách
>> Chọn ngành phù hợp với nhu cầu địa phương
>> Hứng thú với “trắc nghiệm chọn ngành nghề”
Bình luận (0)