'Bẻ cong đường' né nhà quan chức ? - Đội vốn 123 tỉ đồng

29/03/2014 03:00 GMT+7

Quyết định số 19/2008 của UBND TP.Hà Nội về phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường vành đai 2 và thi công thực tế cho thấy đường Trường Chinh hiện đang từ thẳng biến thành cong. Việc “biến hình” con đường này dựa trên cơ sở nào?

>> Bẻ cong đường' né nhà quan chức ?

 

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Trường Chinh mở rộng cho biết việc điều chỉnh hướng tuyến và thực hiện chỉ giới đường đỏ trong dự án được thực hiện theo thỏa thuận giữa UBND TP.Hà Nội và Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ). Tuy nhiên, sự “thỏa thuận” này được dựa trên cơ sở nào cũng phải làm rõ.

Ngày 13.4.2000, thiếu tướng Mai Văn Cương, Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ ký văn bản số 193 về việc quy hoạch mở rộng đường Trường Chinh thể hiện nội dung: “Ngày 7.3.2000, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội tới thăm quân chủng, đồng thời giới thiệu phương án dự kiến mở rộng đường Trường Chinh với mặt cắt 53,5 m. Tại khu vực quân chủng đóng quân thì đường sẽ mở rộng vào phía bắc so với đường hiện tại là 20 m, còn lại mở về phía nam”. Văn bản này cho rằng các công trình phía bắc nằm cách mép đường hiện tại từ 15 - 20 m, các công trình phía nam cách từ 25 - 30 m và mở về phía bắc sẽ tốn kém hơn nên đề nghị “phía bắc lấy từ mép đường sâu vào 7 m;  phía nam đường sẽ phát triển cho đủ theo mặt cắt của đường là 53,5 m”.

Đến năm 2007, Bộ Quốc phòng có văn bản số 762 do Thứ trưởng, trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên ký xin lui thêm 1 m, tức chỉ lấy từ mép đường vào phía bắc 6 m. Từ các đề nghị này, UBND TP.Hà Nội đã hoàn chỉnh đường chỉ giới đường đỏ theo hướng nắn đường thành 3 khúc hình “ghi đông xe đạp”.

Theo đại tá Trương Minh Tá, nguyên cán bộ Quân chủng PK-KQ, hướng tuyến và chỉ giới đỏ một con đường chỉ được điều chỉnh khi khảo sát cho thấy nó ảnh hưởng đến các công trình ngầm dưới lòng đất, đó có thể là công trình dân sự, quân sự hoặc ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, gây phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng lớn.

“Bản thân tôi cũng như nhiều người dân ở phường Khương Thượng vốn là cán bộ làm việc trong quân chủng, kể cả những người từng tham gia thiết kế, thi công ở đây, khẳng định con đường đi qua không ảnh hưởng bất cứ một công trình ngầm nào của quân chủng”, ông Tá nói và cho biết kể cả lập luận đỡ tốn kém giải phóng mặt bằng cũng không hợp lý bởi từ đoạn đường bị “nắn cong” chỉ có một số hộ dân sinh sống, hầu hết là cán bộ từng giữ các chức vụ cao trong quân đội; còn lại là một số doanh nghiệp nhưng khi xây dựng trụ sở thì họ đã chủ động lùi vào chừa đất để mở đường.

Trên thực tế, đầu năm 2014 UBND TP.Hà Nội đã phải ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung kế hoạch đấu thầu cho dự án mở rộng với tổng giá trị 123 tỉ đồng, trong đó thi công di chuyển hệ thống thông tin hơn 57,7 tỉ đồng, hơn 50 tỉ đồng để thi công di chuyển đường điện, chuyển hệ thống cấp thoát nước hơn 10 tỉ đồng…

Trước đó, đầu tư cho việc mở rộng dự án đã được phê duyệt với tổng mức trên 2.500 tỉ đồng.

Thái Sơn - Hoàng Trang

>> Bẻ cong đường' né nhà quan chức ?
>> Quy hoạch đường dành riêng cho xe buýt nhanh
>> Quy hoạch đường sắt quốc gia xuyên TP.HCM chưa khả thi
>> Điều chỉnh quy hoạch đường trên cao tại TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.