Bức xúc xe buýt tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ

29/03/2014 10:57 GMT+7

Hành khách đi tuyến xe buýt Đà Nẵng -Tam Kỳ thường bị “hành” bởi những cú bứt tốc thót tim, bị nhồi nhét và cả thái độ phục vụ khiếm nhã của nhân viên nhà xe.

Hành khách đi tuyến xe buýt Đà Nẵng -Tam Kỳ thường bị “hành” bởi những cú bứt tốc thót tim, bị nhồi nhét và cả thái độ phục vụ khiếm nhã của nhân viên nhà xe.

  Một xe buýt tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ
Một xe buýt tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ  rề rà rời khỏi thành phố để đón khách - Ảnh: Hoàng Sơn

Hành khách “đau tim”

Nghe thì có vẻ phi lí vì xe buýt trong cùng một đơn vị, doanh nghiệp khai thác trên tuyến thì cần gì phải tranh giành khách lẫn nhau. Nhưng đó là thực trạng đang xảy ra trên tuyến buýt Đà Nẵng-Tam Kỳ (và ngược lại). Đây cũng nguyên nhân làm nảy sinh nhiều vấn đề như chạy đua, hoặc nhồi nhét khách khiến người đi xe buýt bất an. Anh N.T.C (26 tuổi, là một công chức làm việc tại TP.Tam Kỳ) cho biết, nhiều lần đi xe buýt, anh thường bị nhà xe nhồi nhét chật cứng. Mặc dù, xe đã đón “no” khách nhưng vì lợi nhuận, phụ xe bám cửa vẫn cố nhồi thêm người. “Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh trẻ em khóc ré lên vì quá ngột ngạt. Còn mỗi lần lên xe, tôi không ngồi dám ngồi những hàng ghế đầu vì khiếp sợ bởi những “pha” lạng lách, vượt lên để chạy trước với tốc độ cao”, anh C. kể. Chính bản thân PV nhiều lần đi xe buýt tuyến này cũng thót tim khi chứng kiến: xe buýt lao trên QL1 rồi đột ngột tạt vào lề đón khách. Nhiều người đi đường quá bất ngờ đã loạng choạng tay lái xe máy vì thắng gấp. Không những vậy, nhiều người dân còn bức xúc vì xe buýt thường chạy với tốc độ “rùa” khi qua nội thị các TP.Tam Kỳ và TP.Đà Nẵng để tăng lượng khách lên xe. Đó là chưa kể thái độ phục vụ của người thu tiền cước trên nhiều xe khiến hành khách bực mình. Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam Trương Văn Cận thừa nhận tình trạng đã nêu là có thật. Ông Cận cho biết, phía sở đã nhận được nhiều phản ánh của người dân lẫn cử tri về việc này. Theo ông Cận, những bức xúc cụ thể là: thời gian xe chạy quá lâu (khoảng 2 giờ 30), khách bị nhồi nhét, xe chạy rề rà trong thành phố nhưng chạy đua trên QL1 và thái độ phục vụ của nhân viên. Cũng theo ông Cận, xe buýt tại Quảng Nam là loại phương tiện công cộng không trợ giá. Tuyến buýt số 4 được xã hội hóa, hoạt động từ năm 2006 với 4 doanh nghiệp khai thác trên tuyến. Trong đó, có 2 doanh nghiệp Đà Nẵng đối lưu với 2 doanh nghiệp tại Quảng Nam. Nhưng không phải các doanh nghiệp đều tổ chức mua xe và quản lý tất cả đầu xe mà thực tế là các doanh nghiệp có đầu xe của nhiều người góp vào. “Vậy thì tại sao xe buýt lại tranh giành khách lẫn nhau? Vì xe nào cũng muốn đầy khách, cũng muốn cái túi của mình đầy nên tranh thủ chộp giật. Xe buýt mà cứ chạy đua như xe khách là vậy”, ông Cận nói.

“Xe không tốt thì bỏ ngay”

Đó là khẳng định của ông Trương Văn Cận khi bàn đến giải pháp chấn chỉnh thực trạng hiện nay của tuyến buýt Đà Nẵng-Tam Kỳ. Theo ông Cận, sau khi có phản ánh từ phía hành khách đi xe buýt, sở đã lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải trên tuyến. Qua rà soát lại tất cả các tuyến, trong đó, có cả tuyến xe buýt Đà Nẵng-Tam Kỳ, nếu nhà xe nào không phục vụ tốt nhu cầu cho người dân sẽ bị loại bỏ khỏi tuyến. “Nhà xe nào mà càng ngày càng không tốt lên thì bỏ càng sớm càng tốt. Không để xảy ra việc phục vụ không tốt nhu cầu đi lại cho nhân dân, gây thành lệ xấu cho doanh nghiệp”, ông Cận nhấn mạnh. Ngoài ra, những tồn tại trên tuyến xe Đà Nẵng-Tam Kỳ cũng có nguyên nhân xuất phát từ việc xã hội hóa hoàn toàn và không được trợ giá. “Việc xã hội hóa hoạt động xe buýt đã phát sinh 2 vấn đề. Thứ nhất là công tác quản lý: vì hoàn toàn kinh doanh nên lời thì phấn khởi mà lỗ thì phải chạy nhanh, kiếm bù lại vốn dẫn đến giờ giấc không đảm bảo. Thứ hai là ý thức phục vụ không tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến doanh nghiệp xe buýt thua thiệt vì người dân đi xe buýt cần 2 điều kiện là giờ giấc và thái độ phục vụ tốt”, ông Cận giải thích.

Ông Trương Văn Cận nói thêm: “Nếu xe buýt được nhà nước đầu tư, sở sẽ yêu cầu cứ 15 phút là phải chạy xe. Còn lỗ thì nhà nước bù vào thì người ta mới yên tâm chạy”.

Sở GTVT Quảng Nam phân tích, trên thực tế thì không đến nỗi phải xảy ra tình trạng chen lấn, nhồi nhét khách tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ. Bởi sở đã  “xé tuyến” này thành những tuyến nhỏ như: Đà Nẵng-Mỹ Sơn, Tam Kỳ-Vĩnh Điện-Đại Lộc... để giảm tải. Tuy nhiên, do người dân chưa có thói quen đi “từ A đến B mà cứ thích đi từ A - Z”. Do vậy, giải pháp “xé tuyến” để giảm tải đã không giải quyết được khách đi lại trong những ngày cao điểm.

Hoàng Sơn

>> TP.HCM sẽ cho quảng cáo trên xe buýt
>> Hà Nội sắp tăng giá xe buýt
>> TP.HCM lập đoàn kiểm tra xe buýt
>> Bí thư đi xe buýt
>> Khen thưởng tài xế xe buýt lái xe an toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.