Nắng nóng và cuộc chiến với lửa - Kỳ 3: Lao vào biển lửa cứu người

02/04/2014 09:50 GMT+7

(TNO) Người ta từng nói 'nhất thủy nhì hỏa' là bởi sức lan tỏa và sự tàn phá của lửa là kinh hoàng. Thế nhưng, có những người không hề sợ lửa, nhanh chóng đến hiện trường và lao vào cứu người.

(TNO) Người ta từng nói "nhất thủy nhì hỏa" là bởi sức lan tỏa và sự tàn phá của lửa là kinh hoàng. Hai vụ cháy nổ tại nhà Phương "khói lửa" và phòng trọ của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là một minh chứng. Thế nhưng, có những người không hề sợ lửa, nhanh chóng đến hiện trường và lao vào cứu người.

>> Nắng nóng và cuộc chiến với lửa - Kỳ 1: Thảm họa ITC và nỗi ám ảnh hàn xì
>> Nắng nóng và cuộc chiến với lửa - Kỳ 2: Một giây bất cẩn, đổi những mạng người


Cứu hộ tại vụ nổ ở nhà số 384/7A Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Ảnh: Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cung cấp

Bế thốc nạn nhân đi cấp cứu

Mới đầu năm nay (ngày 11.1.2014) một vụ nổ lớn xảy ra tại phòng trọ ở nhà số 342/29/5 Lý Thường Kiệt (quận 10, TP.HCM). Đó là phòng của các sinh viên Trường ĐH Bách khoa đang trọ học. Nghe chuông báo, chiến sĩ Dương Tùng Phu, Đội PCCC quận 11 cùng đồng đội liền lên xe, mặc vội đồ và lao đến hiện trường.

Khi đến hiện trường, đập vào mắt anh Phu là khói rất nhiều, nhà trọ không quá cao chỉ có một đường đi thẳng vào trong. Khi nhận nhiệm vụ vào trinh sát, anh Phu lên lầu nhưng do khói nhiều quá nên việc quan sát hiện trường rất khó, nhóm trinh sát lúc đó phải đeo mặt nạ, nằm xuống, dùng tay chân mò xung quanh.

 
Lúc đó tôi thấy nạn nhân đang thoi thóp và nghĩ rằng nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nên nhanh chóng bế nạn nhân ra ngoài chứ không băn khoăn liệu sức mình có bế được không
Chiến sĩ Dương Tùng Phu
Nạn nhân đầu tiên được tìm thấy đã cháy đen. “Tưởng đâu chỉ có 1 người ai ngờ sau đó trinh sát hiện trường lại phát hiện thêm các nạn nhân khác”, chiến sĩ Phu kể lại.

Sau đó, anh Phu nghe tiếng rên phát ra từ trong nhà vệ sinh. Nhìn kỹ thì thấy một cánh tay giơ lên anh vội bò đến. Khi tiến đến nạn nhân, lúc này đang bị cánh cửa bằng nhựa đè lên người, toàn thân bỏng, anh Phu nhanh chóng dùng hết sức mình đưa nạn nhân ra. Sau đó, anh bế nạn nhân đi nhanh xuống lầu qua đống đổ nát ra ngoài. Nạn nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Gương mặt rắn rỏi và làn da ngăm đen, anh Phu cho biết năm nay 21 tuổi nhưng đã có 2 năm trong nghề chữa cháy.

“Chắc hẳn anh Phu phải rất khỏe mới bế được nạn nhân từ trên lầu đưa đi cấp cứu?”, anh Phu trả lời câu hỏi của tôi: “Lúc đó tôi thấy nạn nhân đang thoi thóp và nghĩ nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nên nhanh chóng bế nạn nhân ra ngoài chứ không băn khoăn liệu sức mình có bế được không”.

Anh Phu còn tâm sự: “Ban đầu, khi nhận nhiệm vụ trinh sát đám cháy cũng sợ bị nạn nhưng khi đến đám cháy, nhìn cảnh lửa bén nhanh, có người cần cứu là quên sợ ngay”.

Nín thở giải cứu bà cụ dưới lớp bê tông

Đêm khuya, rất nhiều người dân sống quanh hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM) đang chìm trong giấc ngủ thì giật mình tỉnh giấc bởi tiếng nổ vang trời phát ra từ số nhà 384/7A của đạo diễn Lê Minh Phương, thường được người trong nghề gọi là “Phương khói lửa”.

Cùng lúc ấy, tại trung tâm cứu hộ cứu nạn TP.HCM vang lên hồi chuông cấp báo, tất cả các chiến sĩ đang trực chiến, tức tốc thay trang phục và xuống xe sẵn sàng đến hiện trường.

 
Lúc đó tôi cũng hơi hoang mang, lo sợ nhưng việc kề cận với sinh tử đã gắn liền với công việc nên tuyệt đối không ngại khó, ngại khổ
 Chiến sĩ Nguyễn Chí Thanh
Tiếng còi hụ của xe cứu hỏa xé màn đêm. 10 phút sau, đội cứu hộ cứu nạn có mặt tại hiện trường. Khung cảnh lúc này là đống đổ nát của 3 căn nhà liền kề nhau. Anh Nguyễn Chí Thanh cùng đồng đội được phân công vào trinh sát hiện trường.

Lúc tiến vào bên trong, trước mặt anh Thanh là các đống bê tông vỡ vụn nằm chồng chất lên nhau. Qua các khe hở bên dưới lớp bê tông dày hàng mét, lửa vẫn đang cháy. Thanh cùng các đồng đội nhận định bên dưới nhiều khả năng vật liệu nổ vẫn còn.

“Lúc đó tôi cũng hơi hoang mang, lo sợ nhưng việc kề cận với sinh tử đã gắn liền với công việc nên tuyệt đối không ngại khó, ngại khổ”, anh Thanh chia sẻ.

Sau 20 phút đào bới, phá dỡ các lớp bê tông, một đồng chí trong đội nghe tiếng phụ nữ kêu cứu phát ra từ dưới lớp bê tông phía bên phải ngôi nhà 384/7A.  

Khi xác định chính xác vị trí người kêu cứu liền báo ra ngoài và việc bơm oxy xuống bên dưới đống đổ nát để cung cấp cho nạn nhân được tiến hành.

Lúc này, anh Thanh được phân công dùng cuốc mỏ chim để tách mảng bê tông, mở đường cứu nạn nhân. Thanh nhanh chóng tách bê tông ra từng mảng nhỏ để cùng đồng đội rút ngắn khoảng cách tiếp cận nạn nhân.

Khoảng 30 phút sau, niềm vui của đội cứu hộ cứu nạn là thấy bàn tay của nạn nhân đưa lên vẫn còn cử động. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau 30 phút, anh Thanh cùng đồng đội đã đưa được cụ bà Lương Thị Rép lên khỏi mặt đất trong tình trạng nạn nhân vẫn còn tỉnh táo và cơ thể lành lặn.

“Mọi thao tác cứu nạn nhân đều phải sử dụng bằng cách thủ công chứ không thể dùng các máy hạng nặng để đảm bảo không ảnh hưởng đến nạn nhân đang ở bên dưới khối bê tông to nặng”, anh Thanh tâm sự.

Tuy nhiên, điều mà các chiến sĩ ngậm ngùi tiếc nuối là dưới những lớp bê tông hàng chục tấn ấy còn có cả những nạn nhân đã tử vong trước khi các chiến sĩ PCCC có thể giải cứu họ.

Hà Minh

>> Hỏa hoạn thiêu rụi nhà xưởng hơn 1.000 m2
>> Hỏa hoạn thiêu rụi xưởng gỗ
>> Hỏa hoạn thiêu rụi 1 căn nhà và xưởng sản xuất nệm
>> Hỏa hoạn thiêu rụi hơn 50 ki ốt chợ Ninh Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.