Truy tìm hành tinh X

01/04/2014 03:00 GMT+7

Cuộc truy lùng cái gọi là “hành tinh X” cho đến nay vẫn chưa có kết quả, nhưng điều đó không có nghĩa là giới thiên văn chịu từ bỏ mục tiêu lâu nay của mình.

 Truy tìm hành tinh X
Một số nhà thiên văn học vẫn chưa từ bỏ mục tiêu lâu nay, và đang tập trung sự chú ý vào Vành đai Kuiper - Ảnh: NASA

Kết quả phân tích dữ liệu mới do tàu du hành WISE của NASA thu thập được vẫn không hề thấy bóng dáng của hành tinh X, mà theo một số giả định là tồn tại ở rìa ngoài hệ mặt trời. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm kiếm mục tiêu bí ẩn này, dù nó là một hành tinh hay ngôi sao mờ nhạt ở cách xa mặt trời. Thậm chí chuyên gia Kevin Luhman của Đại học Pennsylvania (Mỹ) còn cho rằng các nhà thiên văn sẽ tiếp tục theo đuổi bạn đồng hành với mặt trời bằng một cuộc khảo sát mới và với mức độ sâu hơn trước đây. Luhman, chuyên gia nghiên cứu các ngôi sao khối lượng thấp và lùn nâu, cũng là người vừa công bố kết quả cuộc truy tìm hành tinh X bằng WISE.

Trong một diễn biến có thể trở thành động lực mới của những người tin vào sự hiện diện của hành tinh X, các nhà nghiên cứu Mỹ công bố đã phát hiện một hành tinh lùn nằm ở vị trí xa nhất kể từ trước tới nay của hệ mặt trời. Theo đó, hành tinh 2012 VP 113 được tìm thấy trong vùng không gian hầu như chưa từng được thám hiểm, gọi là vòng trong của Mây Oort. Bên cạnh đó, quỹ đạo của 2012 VP 113 và một số láng giềng của nó cho thấy dường như có sự tồn tại của một siêu trái đất nằm ở khoảng cách xa hơn, có thể vượt ngoài tầm quan sát của các thiết bị tối tân nhất hiện nay.  

Kẻ đồng hành giấu mặt

Trong hơn 1 thế kỷ qua, giới thiên văn luôn nghi ngờ rằng có một thiên thể khổng lồ nào đó đang lẩn quất ở rìa ngoài hệ mặt trời. Nhà thiên văn người Mỹ Percival Lowell vào đầu thế kỷ 20 đã đặt tên "hành tinh X" cho một mục tiêu chưa xác định, có thể tác động lực làm ảnh hưởng đến quỹ đạo bất thường của Thiên Vương và Hải Vương tinh. Những thập niên gần đây, ý tưởng này được nâng cấp thành một ngôi sao lùn đồng hành với mặt trời, biệt danh Nemesis. Nemesis cũng là đối tượng mà theo giả định của giới khoa học vào thập niên 1980, có thể là hung thủ gây nên sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trên bề mặt trái đất mỗi 26 triệu năm/lần. Giả thuyết lúc đó cho rằng có một ngôi sao nhỏ mờ nhạt hoặc thuộc dạng sao lùn nâu lớn, với kích thước lớn hơn hành tinh nhưng quá nhỏ để có thể kích hoạt phản ứng nhiệt hạch, di chuyển xuyên qua Mây Oort, khu vực chứa sao chổi, bụi khí và vân thạch bao quanh hệ mặt trời. Theo giả thuyết, lực hút từ thiên thể này có thể kéo đến một đám mây sao chổi về hướng vòng trong của hệ mặt trời, đe dọa sự sống trên địa cầu. May mắn là năm 2012 không phải là thời điểm tận thế theo đồn đoán.

Vệ tinh vũ trụ hồng ngoại (IRAS), kính viễn vọng đầu tiên quét toàn bầu trời bằng tia hồng ngoại, thu thập kho dữ liệu khổng lồ vào đầu thập niên 1980 nhưng không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của Nemesis hay hành tinh X. Sau đó 15 năm, nhiều dữ liệu chi tiết hơn cũng được truyền về từ sứ mệnh 2MASS của NASA, và kết quả tương tự. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm thiên thể bí mật không dừng lại ở đó. Ví dụ, một cuộc nghiên cứu vào năm 1999 tuyên bố đã tìm được những sự bất thường trong quỹ đạo của các sao chổi, có thể là bằng chứng cho thấy có một bạn đồng hành khuất mặt của mặt trời. Một cuộc nghiên cứu tiếp theo cũng cùng nhóm tác giả vào năm 2011 cũng đưa ra cùng một kết luận. Nhưng lần này họ cho rằng hung thủ là một hành tinh khí khổng lồ mà họ đặt biệt danh là Tyche.

Hầu hết các nhà thiên văn học hiện nay đều không có nhiều lòng tin về những chứng cứ như trên. Dù vậy, cuộc truy lùng vẫn tiếp tục, vì không thể nào loại bỏ hoàn toàn khả năng hiện diện của một thiên thể như vậy ngoài kia. 

Hạo Nhiên 

>> Hành tinh X
>> Thiên hà cổ nhất vũ trụ ?
>> Phát hiện sao già nhất vũ trụ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.