(TNO) Sau hơn 20 ngày xét xử, tối 3.4, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hoa (“cò” Hoa, 44 tuổi, ngụ xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) án chung thân do phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Ngoài ra, “cò” Hoa còn bị buộc bồi thường tổng cộng 22,7 tỉ đồng cho 58 bị hại.
Cùng bị tuyên trong phiên tòa này, các bị cáo nguyên là cán bộ của Phòng giao dịch (PGD) Tân Lợi - chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Đắk Lắk, gồm: Nguyễn Văn Nhân (45 tuổi) bị phạt 6 năm tù; Trần Dũng (53 tuổi) 7 năm tù; Đoàn Thị Thu An (48 tuổi) 7 năm tù, cùng về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng.
Các bị cáo bị tuyên phạt về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là Trần Văn Lâm (54 tuổi, nguyên Giám đốc PGD Tân Lợi), Phạm Văn Thịnh (48 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột) cùng bị tuyên 2 năm tù.
Hai bị cáo nguyên cán bộ tư pháp UBND xã Hòa Thắng là Nguyễn Công An (52 tuổi) bị tuyên phạt 5 năm tù và Bùi Thị Hồng Sen (34 tuổi) 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Vụ án “cò” Hoa lợi dụng thủ tục vay ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vay của người nghèo gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây ở Đắk Lắk. Nạn nhân của "cò" Hoa chủ yếu là dân nghèo, bị lâm vào cảnh nợ nần khốn đốn, có người tìm đến cái chết do uất ức, không trả được nợ.
Theo cáo trạng, với nhiều năm kinh nghiệm vay nợ đáo hạn, Hoa quen biết với nhiều cán bộ tín dụng, rành rẽ các thủ tục vay vốn. Do vậy, Hoa đã cấu kết với một số cán bộ UBND xã Hòa Thắng làm hồ sơ vay vốn. Nhiều bị hại có hoàn cảnh khó khăn tìm đến Hoa nhờ vay tại PGD Tân Lợi đều được thực hiện trót lọt.
Với sự tiếp tay của các cán bộ ngân hàng, cán bộ tư pháp xã, Hoa dùng phương thức lập khống phương án sản xuất kinh doanh, làm khống biên bản kiểm tra, định giá tài sản đảm bảo để quyết định cho vay đối với người có nhu cầu vay. Phần lớn tài sản thế chấp của người vay thường được nâng cao hơn giá trị thực tế.
Khi có đầy đủ thủ tục vay, Hoa cùng người vay lên ký chứng từ giao dịch, rồi nhận tiền vay từ ngân hàng về thẳng nhà Hoa để tính tiền hoa hồng từ 5-10% trên tổng số tiền vay cho cán bộ xã, cán bộ ngân hàng, lãi vay nóng để đáo hạn, tiền lãi ứng trước của hợp đồng tín dụng, tiền công của Hoa...
Trong quá trình làm thủ tục vay, Hoa còn tự ý ghi thêm tiền vay ké vào hợp đồng tín dụng của người khác để chiếm đoạt. Hậu quả, khi Hoa không trả nợ vay ké, nhiều hộ điêu đứng vì phải lãnh nợ ngân hàng với những khoản tiền lớn.
Trong số những nạn nhân của “cò” Hoa, đáng thương tâm nhất là cái chết của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Hậu và Đào Thị Phúc ở buôn Sang B, xã Ea Hđinh, H.Cư Mgar (Đắk Lắk).
Năm 2008, chị Phúc nhờ Hoa làm thủ tục vay ngân hàng 110 triệu đồng để mua rẫy làm ăn. Hoa đã buộc chị Phúc cho vay ké 90 triệu đồng. Khi nhận tiền vay 200 triệu đồng, Hoa chỉ đưa chị Phúc 80 triệu đồng, trừ lại 30 triệu đồng tiền hoa hồng và lãi vay.
Đến lúc ngân hàng đòi nợ, Hoa không trả tiền vay ké khiến chị Phúc mất khả năng trả nợ, uất ức đến mức treo cổ tự tử. Vài tháng sau anh Hậu cũng tìm đến cái chết, để lại hai đứa con còn thơ dại.
Tin, ảnh: Trung Chuyên
>> Truy tố 3 bị can trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
>> Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hai vợ chồng lãnh án tù
>> Lãnh 15 năm tù do lừa đảo chiếm đoạt tài sản
>> Bắt tạm giam nữ giám đốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản .
Bình luận (0)