Tự tạo cơ hội - Kỳ 19: Thế chấp nhà để trồng nấm

08/04/2014 02:20 GMT+7

Tình cờ được tham quan mô hình trồng nấm ở Đà Lạt và nhận thấy thị trường nấm ngày càng mở rộng, chị Võ Quốc Phượng Vỹ (36 tuổi, ở P.Duy Tân, TP.Kon Tum) đã mạnh dạn vay mượn để đầu tư trồng nấm và thành công.

Tình cờ được tham quan mô hình trồng nấm ở Đà Lạt và nhận thấy thị trường nấm ngày càng mở rộng, chị Võ Quốc Phượng Vỹ (36 tuổi, ở P.Duy Tân, TP.Kon Tum) đã mạnh dạn vay mượn để đầu tư trồng nấm và thành công.

 Thế chấp nhà để trồng nấm
 Chị Vỹ trong trang trại nấm của mình - Ảnh: Nguyễn Thị Hoài Tiến

>>  Kỳ 18: Lão nông sáng chế máy
>> Kỳ 17: Nông dân sang Nhật săn giống đậu bắp
>> Kỳ 16: Nuôi tép đồng

Đến nay, trang trại nấm diện tích hơn 500 m2 đã đem lại cho chị Vỹ lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhìn trang trại nấm của con gái ngày càng phát triển, bà Lưu Thùy Dung, mẹ chị Vỹ, không giấu được niềm vui: “Hồi đó nghe con gái nằng nặc bảo tôi vay mượn 300 triệu để trồng nấm, tôi lo lắm. Nhưng nghĩ lại việc làm của con rất chính đáng, tôi đành phải liều đi mượn anh chị em họ hàng. Mượn không được bao nhiêu, tôi thế chấp nhà, vườn để vay ngân hàng cho con làm. Giờ thì tôi yên tâm và thấy quyết định của hai mẹ con là đúng”.

Năm 2012, trong một chuyến đi tham quan ở Đà Lạt, chị Vỹ tình cờ thấy mô hình trồng nấm của người dân nơi đây và nảy sinh ý định học cách trồng nấm. Nghĩ là làm, chị ở lại Đà Lạt xin làm không công cho các chủ trang trại để học kỹ thuật trồng nấm. Sau gần một năm học hỏi, nắm chắc được kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc nấm, đầu năm 2013 chị về nhà mẹ ở xã Đăk La, H.Đăk Hà (Kon Tum) mở trang trại. “Nghĩ lại thấy mình cũng liều. Ngày dự định mở trang trại, trong túi tôi không có lấy một đồng, cũng may là được mẹ và các em đều ủng hộ, giúp đỡ hết mình”, chị Vỹ chia sẻ.

Sau khi vay 300 triệu đồng, chị Vỹ mua máy hấp, máy trộn bột, làm dàn, kệ rồi bắt tay vào trồng. Chị cũng thận trọng, tỉ mỉ trong tất cả các bước từ chọn giống, trộn bột, hấp giống… Nhờ vậy, ngay từ lứa nấm đầu tiên đến nay, lần nào nấm của chị cũng phát triển tốt, cho năng suất cao. Hiện tại, chị đã trồng được 4 trại nấm (2 trại nấm sò và 2 trại nấm mộc nhĩ), mỗi trại khoảng 4.000 bịch. Vào mùa, mỗi ngày trang trại thu hoạch từ 35 - 40 kg nấm, với giá 40.000 đồng/kg nấm sò, 100.000 đồng/kg nấm mộc nhĩ, chị thu về gần 3 triệu đồng. Chị Vỹ cho biết: “Trồng nấm rất có lời, mình chỉ bỏ ra 60 ngày để trồng nấm sò thôi nhưng thu hoạch trong 3 tháng vẫn chưa hết nấm”.

Không dừng lại ở nấm sò và mộc nhĩ, chị Vỹ đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng nấm linh chi. “Mặc dù nấm linh chi đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn nhưng với giá 1,2 triệu đồng/kg thì nó mang lại lợi ích kinh tế rất cao. Tôi vẫn đang đọc thêm sách, tìm hiểu rõ về kỹ thuật để trồng nấm đạt hiệu quả”, chị Vỹ nói.

Chị Vỹ không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương, với mức lương từ 3 - 3,6 triệu đồng/tháng. Chị Vỹ cũng cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm thành công với những người có nhu cầu tìm hiểu.

Nhân rộng tại địa phương

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Đăk La, cho biết trang trại trồng nấm của chị Vỹ là mô hình kinh tế mới tại địa phương. Trong thời gian tới, chính quyền cùng các hộ dân sẽ cùng bàn bạc giải pháp phát triển mô hình kinh tế mới như vậy tại địa phương.

Nguyễn Thị Hoài Tiến

>> Đơn giản trồng nấm bào ngư Nhật
>> Trồng nấm linh chi
>> Thành công với nấm bào ngư xám

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.