Đột nhập lò sản xuất mũ bảo hiểm dỏm

08/04/2014 06:45 GMT+7

Mỗi ngày, hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm dỏm được đưa ra thị trường từ các lò sản xuất, lắp ráp chui, gây rất nhiều hậu quả cho người sử dụng. PV Thanh Niên đã đột nhập để phanh phui “công nghệ” của một số lò này.

Mỗi ngày, hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm dỏm được đưa ra thị trường từ các lò sản xuất, lắp ráp chui, gây rất nhiều hậu quả cho người sử dụng. PV Thanh Niên đã đột nhập để phanh phui “công nghệ” của một số lò này.

 Đột nhập lò sản xuất MBH dỏm  1
Đủ các loại mũ bảo hiểm được sản xuất tại xưởng của ông Tiệp - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Xếp nhẹ tay kẻo… vỡ mũ!

Hai phòng trọ ở hẻm 86/20 nằm sâu trong ngõ Trại Cá (đường Trương Định, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) là kho chứa mũ bảo hiểm (MBH) dỏm với số lượng lên đến hàng ngàn chiếc. Từ đây, chúng được phân phối ra khắp nội thành Hà Nội. Hai người đàn ông thường xuyên có mặt nơi đây là Quỳnh và Hải làm nhiệm vụ vận chuyển mũ cho các mối hàng tiêu thụ. Trưa 19.3, như thường lệ, sau khi có khách gọi điện, Quỳnh chạy xe tới kho, nhanh chóng đếm 300 MBH các loại xếp đầy các bao rồi buộc lên xe máy chở đi.

Trong vai một khách hàng, chúng tôi được Quỳnh cho vào tận kho. Mỗi phòng trọ rộng chừng 20 m2 xếp chật ních các thùng MBH dỏm đã hoàn thiện, đủ loại từ MBH thời trang đến gắn kính để chạy mô tô, đường dài… Quỳnh liến thoắng: “Tìm đến đây là đúng nhất rồi. Hàng rẻ nhất mà muốn bao nhiêu cũng có”. Trong hơn 20 mẫu Quỳnh đưa ra giới thiệu, loại rẻ nhất giá chỉ 15.000 đồng/chiếc, cao nhất không quá 70.000 đồng/chiếc. Các loại còn lại, giá dao động 16.000 - 30.000 đồng/chiếc.

 Đột nhập lò sản xuất MBH dỏm  2
Kho hàng chứa mũ bảo hiểm dỏm của Quỳnh trong ngõ Trại Cá (đường Trương Định, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Theo quan sát của chúng tôi, phần vỏ MBH thời trang rất mỏng, chỉ cần dùng tay ép là có thể nứt vỡ. Hầu hết các mẫu mũ này không hề có mút xốp, mà chỉ có hai lớp vỏ nhựa và vải bọc gắn sơ sài với nhau. Thế nhưng, theo lời quảng cáo của Quỳnh, đây là mẫu hàng đang bán rất chạy trên thị trường. Trong quá trình xếp hàng, Quỳnh liên tục dặn chúng tôi phải “xếp nhẹ tay, tránh va đập mạnh khi vận chuyển vì nếu mũ vỡ sẽ không chịu trách nhiệm”.

Ngoài kho hàng ở ngõ Trại Cá, Quỳnh còn thuê một địa điểm mở cửa hàng kinh doanh MBH trên đường Trương Định (Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Bên ngoài cửa hàng này treo tấm biển “Chuyên bán lẻ mũ bảo hiểm chính hãng”, nhưng bên trong chủ yếu là MBH dỏm. Thấy khách xem tem mác và dò hỏi kho hàng, người bán hàng tỏ ra nghi ngờ rồi gắt gỏng: “100% mũ chính hãng, toàn hàng công ty. Bán ở đây thôi chứ làm gì có kho hàng nào nữa”.

Lắp ráp bằng khoan, băng dính

Qua tìm hiểu, toàn bộ số hàng này Quỳnh nhập lại của người đàn ông tên Tiệp, chủ cơ sở lắp ráp MBH quy mô lớn tại thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng, H.Quế Võ, Bắc Ninh. Vào vai nhà buôn cần tìm mối hàng đánh đi các tỉnh, chúng tôi tiếp cận được cơ sở của Tiệp. Khu xưởng có diện tích lên đến hơn trăm mét vuông, đặt cạnh hông nhà chính. Đây vừa là nơi gia công lắp ráp vừa là kho chứa MBH thành phẩm. Hàng chục thùng MBH đã được ráp hoàn thiện xếp chồng lên nhau ken cứng hết lối đi. 14 giờ ngày 24.3, khi chúng tôi tới có 3 công nhân đang làm việc trong xưởng, tiếng máy khoan rít liên tục. Chứng kiến tận mắt các công đoạn mới thấy việc hoàn thiện một chiếc MBH vô cùng đơn giản. Công nhân dùng tay để tách lớp xốp khỏi lớp nhựa, lấy băng dính dán vòng quanh phần xốp để giữ tấm vải bọc mỏng tang bên trong, rồi ráp lại thành gáo mũ. Thao tác diễn ra rất nhanh và thuần thục, có người không cần kéo mà dùng răng để cắt băng dính. Tiếp tục, gáo mũ họ dùng khoan lỗ gắn đinh tán mới, xong vứt la liệt dưới nền nhà chờ công nhân khác đưa phần kính tới lắp ráp. Chỉ với cuộn băng dính, kéo cắt, máy khoan, trong vòng chưa đầy 10 phút một công nhân ráp được 4 - 5 MBH hoàn thiện. Mỗi ngày, lò này đưa ra thị trường hàng ngàn MBH dỏm, được đóng thùng vận chuyển tới các mối hàng ở hầu khắp các tỉnh lân cận như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội…

Đột nhập lò sản xuất MBH dỏm  3

Đột nhập lò sản xuất MBH dỏm 4 
Lắp ráp mũ bảo hiểm hoàn toàn thủ công tại xưởng của ông Tiệp - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ông Tiệp tiết lộ, xưởng lắp ráp MBH đã hoạt động được 2 năm nay. Toàn bộ phần gáo mũ hay còn gọi là “phôi” được lấy từ Sài Gòn để tiếp tục gia công hoàn thiện, mỗi lần nhập 15.000 - 20.000 phôi mũ các loại, chủ yếu được vận chuyển bằng tàu hỏa, với giá từ vài ngàn tới 30.000 đồng/chiếc. Sau khi nhận hàng tại ga Hà Nội, Tiệp xé lẻ bán lại cho các mối hàng quen thân, trong đó có Quỳnh. Số gáo mũ còn lại tiếp tục được vận chuyển bằng ô tô chở về xưởng lắp ráp ở Bắc Ninh. “Có gáo mũ, chỉ cần nhập thêm dây đeo, đệm lót, kính riêng lẻ về tự lắp ráp sẽ thành mũ hoàn thiện”, Tiệp hướng dẫn. Thấy tôi thắc mắc về tem hợp quy, Tiệp phẩy tay, nói chắc nịch: “Tem giả không thiếu, muốn là có ngay”.

Cũng tại thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng, H.Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi phát hiện thêm một lò lắp ráp, sản xuất MBH của một người đàn ông tên Chung. Thời điểm này, ông Chung đang nâng cấp, xây thêm xưởng mới nằm kế bên hông nhà để lắp ráp mũ.

“Bao cả quản lý thị trường rồi”

Điều đáng nói, các cơ sở lắp ráp và kho hàng chứa MBH dỏm có số lượng lớn kể trên hoạt động công khai, sử dụng ô tô tải vận chuyển hàng tấp nập trong thời gian dài nhưng không hề bị lực lượng chức năng tiến hành  kiểm tra, xử lý. Khi chúng tôi ngỏ ý thắc mắc, ông Tiệp hùng hồn: “Bao cả quản lý thị trường rồi, nếu không hàng đi thế nào được”. Còn chủ hàng tên Quỳnh tiết lộ: “Tháng nào cũng lo lót hết đấy chứ, tưởng ngon à”.

Liên quan đến thông tin kể trên, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Trọng Lượng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bắc Ninh, cho biết 2 xưởng lắp ráp MBH của ông Tiệp và ông Chung thuộc địa bàn của Đội Quản lý thị trường H.Quế Võ. Đơn vị vẫn thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn nhưng chưa phát hiện vi phạm. “Tôi sẽ chỉ đạo anh em tiến hành kiểm tra lại”, ông Lượng nói sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ phóng viên.

Tem giả

Tại kho tập kết MBH của Tiệp và Quỳnh, tràn lan các loại mũ không tem mác, không nhãn hàng vẫn còn nồng nặc mùi nhựa tái chế; một số loại có dán tem hợp quy Quacert của Công ty TNHH Thủy Tiên nhưng thông tin về địa chỉ của công ty này rất mù mờ, viết tắt ký hiệu như đánh đố người tiêu dùng: “23/8 Trường Tộ-KP7-BC-Q.BT-TP.HCM”. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 5.4, ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), khẳng định Công ty Thủy Tiên không có trong danh sách được cấp chứng nhận tem hợp quy. Ngoài ra, trên những MBH loại này còn dán thêm cả tem bảo hiểm của “Công ty CP bảo hiểm Phi Long” (?!) đề 2,5 tỉ đồng đối với mức bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.

Nguyễn Tuấn

  >> Bán mũ bảo hiểm CAND dỏm
>> Xử phạt người đội mũ bảo hiểm ‘kém chất lượng’!
>> Tiêu hủy mũ bảo hiểm dỏm
>> Sản xuất mũ bảo hiểm giả
>> Xử lý 3 mẫu mũ bảo hiểm dỏm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.